23.000 tù nhân viết tự truyện: Nỗi đau của hai người mẹ

29/10/2012 03:05 GMT+7

Người mẹ già còm cõi một mình nuôi cháu nhỏ ở vùng quê nghèo khó, rồi quanh năm chắt bóp, dành dụm lên thăm con gái đang thụ án 16 năm tù. Và người nữ ấy ở trại giam cũng ngày đêm dằn vặt thương nhớ đứa con đang được mẹ mình nuôi nấng.

Có thể nói tự truyện Gục ngã và đứng dậy của phạm nhân Hà Thị Lan Anh (16 năm tù ở Trại giam Phú Sơn 4) đoạt giải nhì cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện là những trang thấm đẫm nước mắt. Lan Anh sinh năm 1971 trong một gia đình nền nếp, bố là bác sĩ chuyên khoa thần kinh, phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh, mẹ là kế toán ngành bưu điện. Nặng lòng với miền núi, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, năm đó bố Lan Anh chọn quê hương làm đề tài nghiên cứu y học về bệnh bướu cổ. Ông chụp rất nhiều ảnh về những người già miền núi bị bướu cổ vì thiếu muối i ốt. Với đề tài ấy, ông từng phát biểu trên Đài phát thanh Bắc Thái bằng tiếng dân tộc Tày. Mẹ con Lan Anh và vài người hàng xóm lắng nghe bên cái đài radio cũ kỹ, dù chẳng hiểu gì mấy nhưng cô cũng tự hào về bố.

 Hai nữ phạm nhân viết tự truyện trong trại giam
Hai nữ phạm nhân viết tự truyện trong trại giam  - Ảnh: Đ.V.H cung cấp

Bố đã dạy bảo Lan Anh rất nhiều điều ngay từ lúc còn nhỏ trong cuộc sống thường ngày, trong cách nói năng, nếp ăn, ý ở. Cô cứ ngỡ rằng bố sẽ luôn bên cạnh, ân cần che chở cho cô và gia đình nhỏ bé này suốt cuộc đời. Nhưng rồi tai họa ụp xuống khi bố Lan Anh bị đột tử trong một chuyến đi công tác Hà Nội ở tuổi 47. Bố cô ra đi khi còn sung sức, bỏ lại sau lưng người vợ khốn khó cùng ba đứa con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi học.

Đánh liều với số phận

Nỗi đau và gánh nặng gia đình trên vai mẹ Lan Anh thêm đầy, nhưng mẹ vẫn cố gạt buồn phiền để thay người bố chăm sóc ba đứa con. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lan Anh theo học trường trung cấp kế toán và xin được việc làm ngay tại bệnh viện nơi bố cô công tác trước đây. Khi vào biên chế chính thức, Lan Anh xây dựng gia đình với người con trai là mối tình đầu của cô, rồi một bé trai kháu khỉnh ra đời. Những năm tháng ấy có thể nói là đẹp nhất đối với vợ chồng cô. Hạnh phúc giản dị trên chiếc xe đạp mini hằng ngày khi chồng cô vừa đưa cô đi làm vừa đưa con đi nhà trẻ. Gia đình cô tuy nghèo nhưng ấm cúng và giàu tiếng cười.

Lan Anh cho biết, có thể bước ngoặt của cuộc đời cô bắt đầu từ những nguyên nhân vụn vặt đời thường. Cô tâm sự: “Tôi vẫn yêu chồng thương con. Nhưng trước cuộc sống thực tế, tôi đã dần dần đánh mất khái niệm "Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Tổ ấm của tôi là mái nhà tranh đơn sơ được lợp bằng lá cọ, bên chái nhà ông bà nội. Có lần vách nhà đổ, nhiều đêm vợ chồng tôi nằm trong nhà còn đếm được sao rơi. Thậm chí những đêm không có điện, sáng ra nhìn trên người con không biết bao nhiêu nốt muỗi đốt, lòng tôi xót xa vô cùng...

Và tôi tìm cách thoát ra cái sự đó. Vì mưu cầu cuộc sống, tôi đã đánh liều với số phận mà không hay mình đang lún sâu vào bóng tối. Tôi đã đi ngược lại khuôn mẫu cơ bản nhất của gia đình. Tôi đã không mẫu mực như cha, không cần cù như mẹ. Tôi không đấu tranh được chính mình. Do bị lôi kéo, tôi đã lợi dụng chức vụ cùng hai người nữa rút tiền quỹ bệnh viện của bệnh nhân nộp tiền viện phí. Vâng, con người không thể tự chọn cho mình một nơi sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình một cách sống. Con người không chịu rèn luyện khả năng chịu đựng và bản lĩnh ý chí vượt qua nên đã gục ngã trước cám dỗ của đồng tiền, làm mất đi phẩm chất đạo đức của con người”.

Và “lưới trời lồng lộng”, vào một buổi sáng, bầu trời mờ mịt, Lan Anh sa lưới pháp luật, cô bị áp giải lên xe công an, bỏ lại sau lưng người thân, bạn bè, người chồng yêu thương cùng đứa con nhỏ thơ dại. Cô nhớ mãi hình ảnh đứa con trai lúc cô bị bắt: “Con trai ngoan của tôi nước mắt cũng hai hàng, thương con lắm nhưng biết làm sao được? Buổi chiều đó con phải thi cuối năm học, 3 môn liền, liệu có làm được không? Chắc ngoại sẽ thay mẹ đưa con đến lớp. Đầu óc tôi mông lung... Miên man... Nghĩ suy. Con trai tôi gọi “Mẹ ơi”! Tôi nghe như tim mình vỡ nhịp. Nó đâu biết người mẹ của nó là xấu xa, là tồi tệ. Tôi ân hận, đến tận bây giờ vẫn chưa hết ân hận bao nhiêu năm qua tôi đã chôn chặt nơi sâu thẳm trái tim mình”.

Mưa thôi rơi, nắng sẽ về

Trong phiên tòa sau đó, Lan Anh bị phạt 16 năm tù giam về hành vi chiếm đoạt tiền công quỹ. Gia đình nhỏ bé của cô cũng tan thành mây khói. Chồng cô bán tất cả những gì có thể bán để khắc phục hậu quả cho vợ rồi hai bàn tay trắng đưa con về nương tựa bên nội. Thời gian sau, chồng cô đau buồn về việc làm của vợ, sinh bệnh và qua đời ở tuổi 36, để lại đứa con 13 tuổi mồ côi bố. Lan Anh đau đớn cho biết, thời điểm ấy cô gục ngã thực sự, đất dưới chân như lún xuống, quay cuồng trống trải và nếu không có người bạn, người chị trong trại động viên, thì những ngày tháng đó cô không thể vượt qua nổi. Trong tù, cô nhận được những lá thư của con trai, cháu viết: “Con nhớ lắm hơi ấm của ba, thèm lắm vòng tay vỗ về yêu thương của mẹ, nhiều đêm con phải cắn chặt môi ngăn tiếng nấc... Nhưng mẹ hãy yên tâm cải tạo cho tốt, con hứa sẽ là đứa con ngoan. Dù mẹ là ai, thế nào đi chăng nữa thì đối với con, mẹ vẫn là người mẹ duy nhất, yêu thương nhất trên đời của con. Mẹ cứ coi khó khăn trước mắt chỉ là những trải nghiệm trong cuộc sống, mưa thôi rơi sẽ đem về hạt nắng”.

Nhớ về con đã nhiều, Lan Anh lại càng xót xa nghĩ tới người mẹ đang tha thủi tuổi già ở quê, tảo tần sớm hôm nuôi cháu và dành dụm lên thăm con gái ở Trại giam Phú Sơn 4. Cô viết trong đau xót: “Sau khi sự việc xảy ra, mẹ không thể tin tôi đã làm một việc tày trời như vậy. Bởi trong mắt mẹ tôi luôn là đứa con gái chịu thương, chịu khó. Tôi xa mẹ đã hơn 10 mùa trăng. Mẹ vẫn luôn bền bỉ bên tôi, không lần gặp nào là không có mẹ, lúc thì mẹ luộc cho tôi nồi sắn, lúc thì trảy cho tôi trái mít đầu mùa bảo là quà quê mang vào chia cho các bạn. Từ quán nước bên đường, mẹ chắt chiu vì con vì cháu, mẹ hy sinh tất cả. Tình yêu thương của mẹ dành cho con cháu bao la như biển rộng, cả đời mẹ chưa một phút nghỉ ngơi...”.

Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tội ác và trừng phạt
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Vị đắng tình yêu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Phục thiện để được hồi sinh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.