Từ vụ việc Cà Mau, kê khai tài sản không trung thực bị xử lý thế nào?

04/07/2023 17:56 GMT+7

Cả luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập đều quy định rõ các hình thức xử lý đối với hành vi kê khai tài sản không trung thực.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ông Nguyễn Văn Đô, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, vừa bị chi bộ nơi ông sinh hoạt quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì khi kê khai tài sản không trung thực.

Cụ thể, khi kê khai tài sản ông Đô không kê khai theo quy định 3 thửa đất ở TP.Cà Mau, xã Khánh An (H.U Minh) và xã Lợi An (H.Trần Văn Thời); không kê khai dự án năng lượng điện mặt trời ở xã Khánh An trị giá đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng.

Vụ việc nhận được sự quan tâm từ dư luận, bởi kê khai tài sản, thu nhập là một trong những nội dung quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng. Vậy theo quy định, cán bộ công chức phải kê khai những tài sản gì, nếu kê khai không trung thực sẽ bị xử lý ra sao?

Từ vụ việc Cà Mau, kê khai tài sản không trung thực bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên, chọn ra cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2023

PHÚC BÌNH

Ai phải kê khai tài sản, kê khai những gì?

Theo luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong 6 nội dung phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Những người thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND.

Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Có 4 phương thức kê khai tài sản, thu nhập. Thứ nhất là kê khai lần đầu, được áp dụng với cán bộ, công chức; sĩ quan công an, sĩ quan quân đội; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ hai là kê khai bổ sung, được thực hiện khi trong năm có biến động về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Thứ ba là kê khai hàng năm, được thực hiện đối với những người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, hoặc phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng.

Thứ tư là kê khai phục vụ công tác cán bộ, được thực hiện khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.

Từ vụ việc Cà Mau, kê khai tài sản không trung thực bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Ủy ban kiểm tra Thành ủy Nam Định tổ chức bốc thăm lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập năm 2023

C.H

Cách chức, bãi nhiệm tùy mức độ vi phạm

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc 2 trường hợp trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Cũng liên quan đến nội dung này, Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập còn quy định: người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực kể từ 1.7.2019, với quy định rất mới là xác minh tài sản, thu nhập hằng năm dưới hình thức ngẫu nhiên, với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, đến năm 2022, nội dung này mới được triển khai lần đầu tiên. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, kết quả bước đầu cho thấy có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, qua đó phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định; đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý.

Năm nay, việc xác minh tài sản, thu nhập tiếp tục được thực hiện lần thứ 2. Từ khoảng tháng 2, các cơ quan T.Ư, bộ, ngành, địa phương bắt đầu tổ chức bốc thăm lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.