Từ người làm thuê, chàng trai 9X trở thành chủ cơ sở chạm khắc gỗ nổi tiếng

25/03/2022 13:14 GMT+7

Nhờ siêng năng, bền chí, từ một người làm thuê, anh Lê Hùng Sức đã gầy dựng nên cơ sở sản xuất chạm khắc gỗ và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều thanh niên ở địa phương.

Đam mê với nghề

Anh Lê Hùng Sức (31 tuổi, ngụ ấp Long Bình, xã Long Điền A, H.Chợ Mới, An Giang) sinh ra và lớn lên ở làng nghề mộc Chợ Thủ - một trong những làng nghề vang danh của H.Chợ Mới.

Cha mẹ làm nghề nông nhưng anh lại mê tiếng cưa, đục đẽo của làng nghề. Có lẽ vậy nên tuổi thơ của anh là những ngày qua nhà hàng xóm ngồi hàng giờ xem thợ chạm khắc gỗ thành những sản phẩm tinh xảo. Dần dần, những âm thanh ấy thấm sâu vào máu thịt nên khi học hết lớp 9, anh quyết định nghỉ học để đến các cơ sở chạm khắc gỗ học nghề. 3 năm miệt mài học việc đã giúp anh có tay nghề vững chắc.

Anh Sức miệt mài làm ra sản phẩm

AN THƠ

Sau đó, anh đi khắp các tỉnh thành miền Nam, nhận các công trình điêu khắc gỗ, trang trí nhà cửa… cho các cá nhân, công ty, cùng lúc nung nấu ước mơ khởi nghiệp sau này.

Nhờ siêng năng, bền chí, nghề dạy nghề nên 10 năm đi làm thuê nơi xa, anh Sức đã tích cóp được một số vốn, quyết định quay về quê nhà mở cơ sở chạm khắc gỗ do mình làm chủ. Anh Sức tâm sự: “Tôi may mắn sống ở nơi có làng nghề nổi tiếng, tôi cũng có lòng đam mê nghề từ nhỏ, nên quyết định đeo theo nghề truyền thống này, và cũng muốn góp chút công sức để duy trì làng nghề”.

Sử dụng máy móc hiện đại nâng cao hiệu quả công việc

Để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Ban đầu, do vốn ít nên tất cả các khâu anh đều làm bằng tay khiến sản phẩm làm ra vừa tốn nhiều thời gian, công sức, giá cả cũng khó cạnh tranh hơn so với sản phẩm làm bằng máy móc. Không nản chí, anh chịu khó, chắt chiu từng cơ hội, giữ uy tín đối với từng khách hàng nên cơ sở của anh ngày càng được nhiều người biết đến.

Anh Sức bên những sản phẩm của mình

AN THƠ

Có tiền, anh lại mua sắm máy móc đầu tư vào cơ sở. Từ 1 máy chạm phẳng ban đầu, anh mua thêm 2 máy, giờ cơ sở đã có 3 máy chạm phẳng. Anh còn được làng nghề mộc Chợ Thủ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư máy chạm khắc tượng CNC 4D, mỗi lần hoạt động có thể tạo ra 6 tượng giống nhau. “Sử dụng máy móc hiệu quả hơn, ví dụ như chạm thủ công cả một tuần mới được một sản phẩm. Giờ có máy móc hỗ trợ nên chỉ cần 2 - 3 ngày là có thể hoàn thành sản phẩm”, anh Sức nói.

Nhờ có máy móc hỗ trợ, cùng với tay nghề sẵn có, anh chỉnh sửa, trau chuốt lại sản phẩm một cách sắc nét và đẹp hơn. Điều quan trọng nhất là chẳng những giúp anh rút ngắn thời gian sản xuất gấp 3 so với làm thủ công mà sản phẩm làm ra vẫn rất tinh xảo, tăng độ hài lòng đối với khách hàng, cũng như đáp ứng nhiều đơn hàng, thời gian và nhu cầu giao hàng cho khách.

Anh Sức còn chủ động liên kết với các thợ sơn khác để có thể nhận nhiều sản phẩm từ nhiều khách hàng, công ty, và chủ thầu. Nhờ đó, quy mô sản xuất của anh ngày càng được mở rộng. Khách hàng của anh có khắp ở các tỉnh thành, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Từ một người đi làm thuê xa, nay anh Sức trở thành ông cơ sở chạm khắc gỗ nổi tiếng. Công việc này chẳng những giúp kinh tế gia đình anh khá giả mà anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập mỗi người trên 6 triệu đồng/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.