Tỉ phú trò chơi Erno Rubik

05/08/2009 15:07 GMT+7

(TNTS) Thế giới đang đứng trước một “bệnh dịch” mới. Đó là sự lan truyền của trò chơi trí tuệ mới do cha đẻ của khối vuông rubik – ông Erno Rubik, 65 tuổi, người Hungary, sáng chế ra và bắt đầu được bán trên thị trường. Trò chơi mới này cũng mang tên rubik, nhưng là rubik 360.

Rubik 360 có cấu tạo hình quả cầu trong suốt, bên trong có chứa 2 quả cầu con khác. Bản chất của trò chơi này là phải xoay chỉnh các quả nhỏ bên trong sao cho các khối màu sắc của nó tương ứng, đồng điệu với những màu sắc trên quả cầu lớn bên ngoài. Giáo sư Erno Rubik nói về trò chơi do mình sáng chế: “360 - đây là trò chơi trí tuệ mới nhất và lôi cuốn nhất kể từ khi khối vuông rubik ra đời. Để chơi nó, cần phải có sự thông minh, tư duy hợp lý và sự nhanh nhẹn, khôn khéo”.

Trò chơi sẽ làm nhức đầu nhiều người này vừa được bán ra thị trường tại Anh quốc với giá 18 bảng. Dự báo sẽ có khoảng 500 ngàn sản phẩm (tương đương 9 triệu bảng) được tiêu thụ. Đây mới chỉ là sự khởi đầu, còn  theo giáo sư Erno Rubik, tuy đòi hỏi sự thông minh khéo léo nhưng rubik 360 có nguyên tắc chơi đơn giản hơn so với khối vuông rubik, vì thế nhiều khả năng nó sẽ bán được nhiều hơn.

Thiên tài nghèo khó

Cha đẻ của trò chơi rubik sinh ngày 13.7.1944 tại Budapest, Hungary. Mẹ của ông là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, còn bố là kỹ sư thiết kế ngành hàng không, làm việc tại nhà máy sản xuất máy bay. Cậu bé Erno Rubik lớn lên trong sự lãng mạn của người mẹ và sự tính toán khoa học chính xác của người bố. Erno rất thích khoa học công nghệ, bị cuốn hút bởi ngành thiết kế, nhưng viết lách cũng rất giỏi. Khi trưởng thành, Erno còn tự xuất bản tạp chí… Es jatek (…Và những trò chơi), chuyên đề cập đến các trò chơi trí tuệ, kể cả giải ô chữ.

Vào năm 1974, khi phát minh ra khối vuông rubik ở tuổi 30, Erno đã bước qua ranh giới khác. Ông là người đầu tiên sáng chế ra trò chơi có không gian ba chiều với cách tư duy mà khó ai có thể nắm bắt được. Nhưng do cơ chế bao cấp tại Hungary thời đó, Erno khó mà phổ biến rộng “khối vuông kỳ diệu” của mình. May mắn là sau đó có một người Hungary khác đã nhìn thấy tiềm năng từ sức hấp dẫn của trò chơi này. Đó là Tibor Laczi - một người Hungary mang quốc tịch Đức. Ông ta là doanh nhân chuyên kinh doanh các sản phẩm mới của máy vi tính. Trong một lần đến Budapest, Laczi ngồi uống cà phê và nhìn thấy trong tay người hầu bàn một vật lạ (khối vuông rubik). Mặc dù phải bận rộn phục vụ khách hàng, nhưng anh ta liên tục xoay vật lạ đó. Vốn thích toán học, Laczi mượn thử vật lạ và bị mê hoặc ngay lập tức. Laczi hỏi người hầu bàn tên của vật lạ và có thể mua nó ở đâu. Sau đó ông ta đến Trung tâm Thương mại Konsumex (kiểu cửa hàng mậu dịch) để tìm cách đàm phán nhằm cung cấp trò chơi rubik sang phương Tây.

Erno Rubik 

Erno Rubik

Trong ngày này, Laczi lần đầu tiên gặp Erno Rubik. Sau này ông ta nhớ lại: “Khi Erno bước vào căn phòng, tự nhiên tôi có ý muốn đưa ông ấy ít tiền. Ông ấy trông như người nghèo, ăn mặc rất tồi tàn, miệng ngậm điếu thuốc lá loại rẻ tiền. Tuy vậy, tôi hiểu ngay rằng, mình đang gặp một thiên tài. Tôi nói với ông ấy, nếu hợp tác kinh doanh rubik chúng tôi sẽ kiếm được hàng triệu USD”.

Có được chấp thuận sơ bộ từ phía Erno, ông Laczi không quăng tiền để quảng cáo trò chơi rubik ở Tây Đức, mà vội vã đến hội chợ đồ chơi ở Numberg, Đức với vài khối rubik trong túi. Ông ta đi dọc các gian hàng tại hội chợ để tìm kiếm đối tác. Hai ngày ròng rã không mang lại kết quả, nhưng dường như số phận lại chiều lòng những người có gốc gác Hungary. Tại đây, Laczi gặp một người Anh là Tom Kremer, có mẹ là người Hungary. Tom Kremer là chủ hãng Seven Towns Ltd, chuyên kinh doanh trò chơi và đồ chơi của nhiều nước tại London, Anh. Cũng như Laczi, Kremer rất thích trò chơi rubik và nhận thấy có thể phát triển kinh doanh mặt hàng này nên đồng ý hợp tác toàn diện. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Laczi tháo vát sẽ trở lại Budapest để ký hợp đồng với Erno, còn Kremer thì bay đến Mỹ để lôi kéo sự chú ý của những người bên kia bờ đại dương với trò chơi trí tuệ này.

Trải qua không ít khó khăn thử thách cuối cùng vào đầu năm 1980, rubik được ra mắt toàn thế giới tại các hội chợ ở London, Paris, New York và Numberg. Ngày 5.5.1980, rubik còn được giới thiệu tại Hollywood. Từ đây bắt đầu những ngày tháng huy hoàng của trò chơi trí tuệ này.

Vị giáo sư tỉ phú

Đến nay, trên toàn thế giới đã có khoảng 350 triệu khối vuông rubik được bán ra. Trong số này các sản phẩm lậu chiếm hơn một nửa. Người ta nói việc bán rubik của Hungary trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa là một trong những nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia này. Do đơn đặt hàng quá nhiều, phía Hungary phải mở thêm nhà máy sản xuất rubik ở Hồng Kông, Đài Loan, Costa Rica và Brazil.

Trong gần 40 năm qua, tiền bản quyền của Erno Rubik đối với trò chơi trí tuệ của ông đã giúp ông trở thành triệu phú (nếu không muốn nói là tỉ phú) đầu tiên trong khối các nước xã hội chủ nghĩa. Do trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes trước đây hầu như không có tên những người giàu của khối các quốc gia thuộc Khối quân sự Warszawa, nên khó có thể biết chính xác tài sản của Erno. Một vài nguồn tin cho biết tài sản của Erno vào khoảng 4 tỉ USD. Còn hãng Seven Towns Ltd., của Tom Kremer mỗi năm thu lợi 2,5 triệu USD tiền hoa hồng. 

Vào giữa những năm 1980, sự náo động xung quanh trò chơi rubik lắng dịu. Một phần vì xuất hiện nhiều trò chơi điện tử, phần khác do nhiều hãng ở châu Á cho ra đời những trò chơi tương tự. Nhân tình hình lắng dịu, giáo sư Erno thành lập phòng phát minh riêng của mình. Ông tập trung vào nghiên cứu, sáng chế ra nhiều trò chơi lô-gích khác. Chẳng hạn, ông sáng chế ra loại “rubik” hình con rắn có 3 góc có thể xoay để tạo nên những con vật khác nhau như rùa, chó, hay các hình thù như quả cầu, khẩu súng. Erno còn cải tiến khối vuông rubik khi thiết kế mỗi mặt có 4 hay 5 hàng các ô vuông thay cho 3 hàng như nguyên bản của nó.  

Đến đầu những năm 1990, Erno Rubik hợp tác với người bạn của mình là Janosch thành lập Học viện Kỹ thuật Hungary và hiện học viện này vẫn còn hoạt động. Trong cơ cấu của học viện, ông thành lập Quỹ rubik quốc tế nhằm giúp đỡ các nhà sáng chế trẻ. Erno được tặng thưởng Huy chương quốc gia của Cộng hòa nhân dân Hungary (năm 1983), giải thưởng mang tên nhà vật lý học Dennis Gabor (1995) và một số giải thưởng khác.

Giải thưởng và danh tiếng tất nhiên là quan trọng. Nhưng với lao động trí óc cần phải có sự yên tĩnh. Vậy mà tại Hungary, bất cứ ai cũng biết đến Erno. Ông khó có cuộc sống tĩnh lặng thực sự. Có lẽ vì thế vào giữa những năm 1990, Erno qua Anh, đến một làng hẻo lánh để sinh sống, làm việc. Ông không tiếp bất cứ ai, dù đó là đồng nghiệp hay các nhà báo. Người ta đồn rằng, ông đang làm thơ giống như người mẹ của mình trước đây. Erno có thể bình tâm sáng tạo mà không cần kiếm tiền. Bởi theo luật quốc tế, bản quyền trò chơi rubik vẫn thuộc về ông trong vòng 70 năm sau khi ông qua đời.

Tin tức về Erno hầu như không còn ai được nhắc đến trong một thời gian dài. Thế nhưng người ra vẫn âm thầm mong chờ Erno sẽ đem đến cho nhân loại một trò chơi trí tuệ mới. Và khi báo chí Anh loan truyền tin tức về rubik 360 thì mọi người biết rằng, điều kỳ diệu đã đến. Erno đã trở lại, trò chơi rubik đã trở lại qua hình thức mới với những kỳ vọng mới.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.