Siết chặt vòng vây Iran

23/09/2011 08:35 GMT+7

(TNTS) Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đang hiện thực hóa việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa đến gần Iran hơn, khi vừa đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Romania về hệ thống này.

Vào ngày 13.9.2011, Mỹ đã ký thỏa thuận về lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ tại Romania. Sau đó một ngày, 14.9, Washington và Ankara cũng đạt được sự đồng thuận về việc xây dựng một trạm radar cảnh báo sớm  trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Trạm radar này sẽ đặt tại Malatya, cách biên giới Iran khoảng 500 km.

Thỏa thuận với Romania do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Bộ trưởng Ngoại giao Teodor Bakonsky ký. Theo đó, cho phép Mỹ bố trí hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 đặt trên mặt đất tại Romania vào năm 2015. Tên lửa được đặt trong căn cứ không quân Deveselu của Romania. Ngoài ra, tàu chiến Mỹ được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 sẽ tuần tra trên vùng biển miền duyên hải của Romania.

Trước đó, vào tháng 2.2010, Tổng thống Romania - ông Traian Basescu, tuyên bố: hệ thống phòng thủ chống tên lửa của NATO là cần thiết, nhằm giúp nước ông chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa. Tuy Traian Basescu không nói rõ, nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa sẽ đến từ nước nào, nhưng ông nhấn mạnh việc cho phép triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của NATO tại Romania không nhằm chống lại các lợi ích của Nga. Theo thỏa thuận giữa Washington và Bucarest, việc triển khai tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ Romania sẽ hoàn tất vào năm 2015. Còn đến năm 2018, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ được triển khai tại Ba Lan.

 
Hệ thống AN/TPY-2 THAAD - Ảnh: Army.mil

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ba Lan về triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa được bắt đầu từ thời Tổng thống George Bush. Lúc đầu, Mỹ muốn đặt gần Warsaw 10 tên lửa đánh chặn, còn tại nước láng giềng - Czech là trạm radar mạnh phát hiện tên lửa của đối phương. Tuy thế, vào năm 2009, bộ máy hành chính của tân Tổng thống Barack Obama đã giảm nhẹ vai trò của Czech, khi cho rằng không cần thiết phải đặt tại đây trạm radar mạnh mà chỉ là trung tâm cảnh báo sớm về tấn công tên lửa.

Một phương án như thế đương nhiên là Praha sẽ không đồng ý và Czech tuyên bố không tiếp tục thực hiện thỏa thuận về hệ thống phòng thủ chống tên lửa thống nhất. Hiện không rõ Mỹ có thay đổi ý đồ, sẽ tiếp tục đặt trạm radar mạnh tại Czech và tên lửa tại Ba Lan hay không. Nhưng dù có thế nào thì Nga vẫn liên tục phản đối việc triển khai này. Moscow luôn lên tiếng bác bỏ và phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Đông u. Bởi Nga cho rằng, các quốc gia tại khu vực này quá gần với mình, điều này đồng nghĩa với việc radar của Mỹ có thể dò tìm, nắm bắt rõ các cơ sở, căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ của Nga.

Tuy Mỹ và Romania chỉ thỏa thuận triển khai tên lửa đánh chặn SM-3, nhưng các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, kèm theo đó hẳn là phải có trạm radar để phục vụ cho các tên lửa này. Đây là điều mà phía Nga không hề mong muốn chút nào.

Về phía mình, Mỹ và NATO luôn giải thích rằng, các trạm radar mạnh chỉ để phòng ngừa mối đe dọa các cuộc tấn công tên lửa của Iran vào châu u. Trong khi đó Nga lại cho rằng nếu để ngăn chặn mối "hiểm họa từ Iran" thì không cần thiết phải xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Đông u xa xôi. Ngược lại, hệ thống này đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.

Vào tháng 7.2011, mâu thuẫn giữa Nga và NATO lên đến đỉnh điểm, khi Moscow tuyên bố sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược - START 3. Để giữ mối quan hệ hợp tác giữa Nga và NATO, hai bên đã có những động thái làm giảm căng thẳng. Phía Nga đề nghị NATO cùng xây dựng chung hệ thống phòng thủ chống tên lửa để ngăn chặn "hiểm họa từ Iran". Theo ý kiến của Moscow, các trạm radar của Nga và tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ Nga sẽ gần Iran hơn là so với hệ thống Patriot đặt ở Ba Lan. Dù vậy, NATO lại không chấp nhận quan điểm này và đề nghị triển khai song song hai hệ thống phòng thủ chống tên lửa và sẽ trao đổi, kết nối thông tin với nhau. 

Hơn thế, vào năm 2010, tại Lisbon, Bồ Đào Nha, NATO còn nhấn mạnh việc bảo vệ châu u khỏi sự đe dọa của Iran là nhiệm vụ trọng tâm và không loại trừ phương án đặt tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ Gruzia (Georgia). Nhưng giờ đây, phương án Gruzia dường như bị loại bỏ, khi Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, dù Moscow có lên tiếng phản đối. Theo thỏa thuận với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, trạm radar cảnh báo sớm sẽ được lắp đặt tại đây vào cuối năm 2011.

Trạm radar cảnh báo sớm tại Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ là loại AN/TPY-2 THAAD (Terminal High Altitude Area Defense). Nó có thể chuyển thông tin cảnh báo về các mối hiểm họa có khả năng xảy ra cho các tàu chiến Mỹ, có trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis. Nhiệm vụ của hệ thống Aegis trên tàu chiến Mỹ là trực tiếp sử dụng tên lửa SM-3 để đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Iran. Trước đó, một hệ thống tương tự cũng được Mỹ triển khai tại Israel.

Nga sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa riêng

Ngày 1.7.2011, đại diện của Nga tại NATO - ông Dmitri Rogozin tuyên bố: Moscow sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa riêng không phụ thuộc vào việc các đối tác phương Tây của Nga sẽ làm gì trong lĩnh vực này.

Ông Rogozin cho biết Nga sẽ điều chỉnh nhịp điệu đảm bảo khả năng quốc phòng của họ và các hướng công việc này bằng những nhu cầu riêng. Tuy ông Rogozin thừa nhận, trong triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa, Nga có một chút tụt hậu so với Mỹ, nhưng hiện Nga đang nỗ lực để khôi phục lại tiềm năng, sức mạnh tên lửa của mình. Dự kiến đến đến năm 2015 Nga sẽ có hệ thống S-500 - hệ thống tên lửa phòng thủ vũ trụ đầu tiên thì chỉ vài năm nữa Nga sẽ san bằng những tụt hậu trong lĩnh vực này. Ngoài ra, trong lĩnh vực hạt nhân chiến lược Nga và Mỹ khá cân bằng và đó chính là đảm bảo quan trọng nhất cho chủ quyền của đất nước.

Với hệ thống phòng thủ chống tên lửa, ông Rogozin cho rằng, nhiều khi là quốc gia thứ 2 trong cuộc đua cũng có cái lợi vì quốc gia dẫn đầu bao giờ cũng phải chi phí nhiều nguồn lực hơn về con người cũng như tài chính để tìm kiếm phương án tối ưu nhất nhằm giải quyết vấn đề này hay khác. Quốc gia thứ 2 sẽ lợi thế hơn, vì có thể nhìn thấy trước những sai lầm, đồng thời tìm thấy nhiều triển vọng phát triển hơn. Do đó, Nga có thể xem xét những gì đang diễn ra đối với hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, những ưu điểm và khuyết điểm để tránh những sai lầm, thiết lập một hệ thống có khả năng đảm bảo an ninh của Nga tại phần lãnh thổ châu u, cũng như tại biên giới phía Nam và khu vực Viễn Đông.

Ngữ Tử Yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.