Nam Mỹ tìm đường tránh khủng hoảng lương thực

12/06/2011 00:49 GMT+7

Colombia và Brazil đang trở thành những hình mẫu về chiến lược đầu tư mới cho nông nghiệp, nhất là tình hình cận kề khủng hoảng lương thực hiện nay.

Vùng đất rộng gần 6 triệu ha mang tên Altillanura (đồng bằng trên cao) tại tỉnh miền trung Meta có thể được xem là trung tâm nông nghiệp mới của Colombia. Nhiều chuyên gia dự đoán khu vực này trong tương lai có thể góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hướng đến phát triển các loại cây trồng cung cấp nhiên liệu sinh học. Altillanura đã thu hút được các công ty trong và ngoài nước đầu tư cho những dự án công nghệ thực phẩm quy mô lớn. 

Đồng hoang thành đất màu mỡ

Lần đầu đến tỉnh Meta, khó ai nghĩ những khu đất nông nghiệp xanh mướt mắt của Altillanura trước đây là đồng cỏ Xa-van hoang vu cằn cỗi. Theo nhật báo Colombia El Tiempo, đây là thành quả của 40 năm nỗ lực cải tạo đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc có nồng độ nhôm quá cao. Nhu cầu khẩn cấp về nguồn đất canh tác, đất chăn thả đã giúp đẩy nhanh nghiên cứu khoa học nông nghiệp tại nước này. Các chuyên gia của Viện Nông nghiệp Colombia (ICA) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) đã phối hợp với chính quyền thực hiện hàng loạt khảo cứu tại Meta.

 
Đoàn chuyên gia của Corpoica thăm một cánh đồng ở Altillanura - Ảnh: Corpoica.gov.co

Sau 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học trồng thành công Brachiaria decumbes, một loại cây trồng giúp cải tạo đáng kể chất lượng đất đai. Sự chuyển biến “thần kỳ” của Altillanura hiện nay nhờ vào việc chọn lựa giống cây phù hợp và chiến dịch chăm bón đất dài hơi. Nông dân được hướng dẫn rải vôi để làm giảm lượng phèn chua và nồng độ nhôm của đất đồng thời bổ sung muối can-xi, muối phốt-pho để bù đắp sự thiếu hụt dưỡng chất. Ngoài ra, các vòng luân canh được sắp xếp hợp lý giúp giữ gìn độ màu mỡ của đất.

Tại các vùng nông nghiệp Puerto Lopez và Puerto Gaitan của Meta, hơn 100.000 ha đất đã được cải tạo thành công. Hầu hết những vùng đất này hiện là các cánh đồng bắp, đậu nành, mía tươi tốt xen lẫn với các khu vực trồng cây công nghiệp như cao su, bạch đàn, cọ... Các chương trình đang thực hiện có thể giúp tăng cường thêm 37.000 ha đất canh tác. El Tiempo dẫn lời đại diện Nghiệp đoàn Nghiên cứu nông nghiệp Colombia (Corpoica) Jaime Triana Restrepo nhận định: “Sự hợp tác giữa nông dân và các nhà khoa học đã biến đồng hoang cằn cỗi thành đất nông nghiệp màu mỡ”. 

Brazil bứt phá

Một quốc gia Nam Mỹ khác đang có những tiến bộ vượt bậc về nông nghiệp là Brazil, “hàng xóm” của Colombia. Lượng thịt bò xuất khẩu tăng 4 lần trong thập niên qua đã đưa nước này trở thành nhà cung cấp thịt bò số 1 thế giới, soán ngôi Úc một cách ngoạn mục. Không chỉ vậy, Brazil đang “lăm le” vượt qua Mỹ để dẫn đầu các quốc gia xuất khẩu đậu nành. Tờ Nature dẫn báo cáo của Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) dự đoán sản lượng nông nghiệp của Brazil sẽ tăng nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới và tăng gấp đôi so với hiện nay vào năm 2019.

Trước đây, quá trình phát triển nghề nông tại Brazil luôn khiến các nhà hoạt động môi trường lo lắng cho hệ sinh thái lưu vực sông Amazone vì để có đất chăn nuôi, trồng trọt, rừng đã bị chặt phá một cách không thương tiếc. Hiện, những chính sách nông nghiệp bền vững của chính quyền đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng này. Ngay sau đợt khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008, lượng rừng bị tàn phá vẫn giảm đáng kể.

Trung tâm Nghiên cứu Embrapa của Bộ Nông nghiệp Brazil nhờ được tích cực đầu tư đã lai tạo thành công nhiều giống cây trồng mới cho sản lượng cao, thích nghi tốt với môi trường.

Nhờ vậy, nông dân giảm được áp lực tăng năng suất và không phải khai phá rừng bằng mọi giá để canh tác. Cũng như Colombia, đất đai tại nhiều vùng ở Brazil được cải tạo hiệu quả nên người dân tận dụng được nhiều khu đất bỏ hoang trước đây. Để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng mà vẫn không làm hại môi trường, Chính phủ Brazil đầu tư 2 tỉ USD cho kế hoạch cải tạo 15 triệu ha đất chăn thả, theo Nature. Ngoài ra, hệ thống nuôi-trồng luân phiên sẽ được áp dụng để giữ độ màu mỡ của đất.

Các ngân hàng cũng đang được khuyến khích thay đổi chính sách, giảm lãi suất vay tiền cho những nông dân có kế hoạch phát triển “nông nghiệp xanh”. Để tiền đầu tư không bị phung phí, chính quyền thiết lập bản đồ khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng và các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Khi nông dân muốn vay tiền hoặc xin trợ cấp, ngân hàng và chính quyền địa phương chỉ cần đối chiếu với bản đồ này để đánh giá tính khả thi của kế hoạch. Theo chuyên gia Eduardo Assad của Embrapa, nhờ bản đồ nói trên, năng suất có thể tăng ít nhất 20%. Trước tình hình trái đất đang nóng dần lên, các nhà khoa học Brazil còn tiến trước một bước, dự đoán và nghiên cứu các loại cây trồng thích hợp cho khí hậu trong 10, 20 năm sắp tới.

Thực đơn của tương lai

Cùng với Nam Mỹ, nhân loại đang phải tìm lối ra để đủ lương thực nuôi 9 tỉ người vào năm 2050. Trong tương lai có thể con người phải lựa chọn một số loại thực phẩm đặc biệt hướng đến một nền “ẩm thực xanh”, phù hợp với điều kiện đất đai trồng trọt, chăn thả ngày càng khan hiếm. 

Kangaroo

Thịt kangaroo bắt đầu được bán tại các siêu thị của Úc từ thập niên 1980 nhưng đến nay, chỉ khoảng 15% người dân nước này thỉnh thoảng đưa chúng vào thực đơn. Trong khi đó, một miếng bít-tết kangaroo ít chất béo hơn cả ức gà và chỉ bằng 1/6 nếu so với thịt bò và ít thải khí CO2 (chỉ 0,003 tấn/năm, so với 0,14 tấn của cừu và 1,67 tấn của bò). Ngoài ra, do dân số của kangaroo tăng trưởng nhanh, Chính phủ Úc vẫn tổ chức những mùa săn bắn để điều tiết lại số lượng, tạo nên nguồn cung cấp thịt khá đều đặn. Nếu trong tương lai, chỉ cần người Úc thay 1/5 lượng thịt bò bằng thịt kangaroo, lượng khí nhà kính từ nông nghiệp của nước này sẽ giảm 28%. 

Côn trùng

Dế, cào cào, một số loài nhộng... và thậm chí bò cạp từ lâu đã xuất hiện trên bàn ăn của nhiều nước châu Á, châu Phi, Nam Mỹ. Sắp tới có lẽ người châu u cũng sẽ phải để ý thứ “thực phẩm nhiều chân” này vì chúng có hàng loạt điểm cộng: giàu đạm, chất khoáng, các loại axít-amin thiết yếu, vitamin, lại ít calorie. Côn trùng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường nếu được dùng làm thực phẩm phổ biến hơn: chúng có mặt khắp nơi, có thể được nuôi theo kiểu công nghiệp, không cần phải trữ lạnh và đặc biệt, sinh sản cực nhanh. Một con dế mái có thể đẻ 1.500 trứng/tháng, một số loài kiến có thể cho ra đời 300.000 trứng/ngày. 

Số lượng dê tại Ấn Độ có thể sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 10 năm tới. Đây là giải pháp gia tăng nguồn lương thực khi nhiều vùng của nước này đang đối diện với nạn hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Một số tỉnh thành thường gặp khí hậu khô hạn của Việt Nam như Phan Rang cũng đã thử nghiệm khá thành công và giúp nhiều người trở thành tỉ phú nhờ nuôi dê. Loài động vật này có khả năng chịu hạn tốt, không quá “kén chọn” nên có thể được nuôi ở những vùng đất ít màu mỡ mà bò không thể sống được. 

Thịt tổng hợp

Từ các tế bào động vật, các nhà khoa học sẽ nuôi trồng để tạo nên loại thịt tổng hợp. Đây không phải chuyện khoa học viễn tưởng mà là một chương trình đang được NASA nghiên cứu nhằm cung cấp thịt cho các phi hành gia phải rời trái đất trong một thời gian dài. Về nguyên tắc, các nhà khoa học có thể tạo nên bất kỳ loại thịt nào từ phòng thí nghiệm, với một số mẫu tế bào ban đầu và một hệ thống cung cấp các dưỡng chất cần thiết để phát triển và loại bỏ những chất thải của tế bào. Ngoài ra, để có độ dai hay mềm giống thật, thịt tổng hợp cũng sẽ thường xuyên trải qua những lực tác động từ bên ngoài.

Thịt tổng hợp có nhiều điểm lợi cho môi trường như không đòi hỏi đất chăn thả, không thải khí CO2, không làm ô nhiễm mạch nước ngầm... Tuy nhiên, để loại thịt lý tưởng này thực sự xuất hiện trên thị trường sẽ cần nhiều thời gian để hạ chi phí sản xuất vì giá của chúng hiện vẫn còn cao khủng khiếp, 250 gram khoảng...1 triệu USD. (Theo Courrier International)

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.