Máy bay chiến đấu Trung Quốc

23/05/2011 08:20 GMT+7

(TNTS) Thời gian qua, thông tin về việc Trung Quốc đẩy mạnh thiết kế và thử nghiệm máy bay chiến đấu thường xuyên xuất hiện trên mạng internet. Trước hết là chiếc máy bay tiêm kích J-15 và sau đó là tiêm kích thế hệ thứ 5 J-20.

Người anh em sinh đôi

Vào ngày 26.4.2011, hàng loạt các phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải những bức ảnh về chiếc tiêm kích J-15 Flying Shark. Tuy những bức ảnh được chụp trộm, nhưng dường như Bắc Kinh không phản đối việc công bố chúng.

Tấm ảnh đầu tiên chụp J-15 là tại Nhà máy số 112 của Tập đoàn hàng không Shenyang Aircraft Corporation ở đông bắc Trung Quốc. Vào ngày 25.4, nó được các diễn đàn quân sự như cjdby.net và fyjs.cn công bố, sang ngày hôm sau các báo in mới đăng lại tấm hình này.

 
T-50 (Ảnh: Militaryphoto.net)

Theo báo Global Times, Trung Quốc, chuyến bay đầu tiên của J-15 là vào ngày 31.8.2009, nhưng thông tin được giữ kín. Có lẽ Bắc Kinh muốn có vài năm để thử nghiệm chiếc tiêm kích này, trước khi biên chế nó vào quân đội sau năm 2015.

J-15 có hai phiên bản. Phiên bản thứ nhất xuất hiện vào khoảng 2005 (cũng có ý kiến là vào năm 2001). Khi đó Trung Quốc mua của Ukraine hình mẫu chiếc tiêm kích Su-33 của Liên Xô là T-10K-3 và hầu như sao chép lại nguyên bản. Bởi thời đó Trung Quốc chưa thể có công nghệ thiết kế cánh gập, cũng như đuôi dựng, khung gầm.

Phiên bản thứ hai do Trung Quốc thiết kế. Các báo nước này cho rằng, cho dù ngoại hình J-15 khá giống với Su-33, nhưng nó được thiết kế dựa trên nền tảng chiếc J-11B. Đáng nói là chiếc J-11B lại thiết kế dựa trên chiếc Su-27SK của Liên Xô. Thay đổi đáng chú ý nhất là lớp phủ bên ngoài chống radar do Trung Quốc chế tạo. Nhưng dù có thế nào, cả hai phiên bản của J-15 giống như anh em sinh đôi với các tiêm kích Liên Xô.

Hiện J-15 lắp đặt động cơ Shenyang WS-10A do Trung Quốc thiết kế. Loại WS-10A cải tiến thành WS-10G sử dụng cho chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 là J-20, cất cánh lần đầu tiên vào ngày 11.1.2011. Tuy các tính năng kỹ thuật khác của J-15 hiện vẫn là bí mật, nhưng nếu suy từ chiếc Su-30 phần nào có thể biết được "phiên bản" của nó. Su-30 có vận tốc cao nhất 2.300 km, tầm bay 3.000 km. Nó được lắp đặt động cơ AL-31F seri 3, có sức tải 122,6 kiloton. Máy bay có pháo 30 ly và 12 điểm treo tên lửa, bom với tổng trọng lượng 6,5 tấn.

 
J-20

Đáng chú ý là trước đây Trung Quốc đàm phán với Nga để mua 50 chiếc Su-30, nhưng vào giờ chót chỉ mua 2 chiếc loại này. Sau vụ việc này Nga đã ngừng đàm phán và không bán tiêm kích cho Trung Quốc vì lo ngại bị lộ công nghệ quân sự. Thời gian qua Trung Quốc sao chép khá thành công các loại tiêm kích của Nga và Ukraine và xuất khẩu một phần trong số đó. Hiện không lực Trung Quốc có các loại J-7, H-6, Y-5, Y-7 và Y-8 được cho là cải tiến từ Mig-19, Mig-21, Tu-16, An-2, An-24 và An-12 của Nga và Ukraine.

Không thể xem thường

Ngày 25.4.2011, các diễn đàn trên internet của Trung Quốc có thông tin về việc Bắc Kinh chuẩn bị thử nghiệm chiếc J-18 Red Eagle. Trước đó vào năm 2005, Trung Quốc cho biết sẽ thiết kế loại tiêm kích tương tự với chiếc F-35B Lightning II của Mỹ. Thông tin chi tiết về J-18 hầu như không có và phía Nga cho đó là "tin vịt". Bởi nếu chiếc tiêm kích này sao chép chiếc Su-33 thì đó là cả một sự thách thức. Vì để thiết kế loại máy bay cất cánh nhanh và hạ cánh theo phương thẳng đứng thì các kỹ sư Trung Quốc còn nhiều việc phải làm. Ví dụ, chiếc AV-8B Harrier cất cánh thẳng đứng có trọng tải 10,4 tấn, còn Yak-141 có trọng tải 19,5 tấn với đường băng cất cánh 120m và F-35 - 22,5 tấn, trong khi S-30 là 33 tấn.

Về lý thuyết có thể thiết kế loại máy bay cất cánh nhanh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, nhưng về công nghệ là rất phức tạp, đòi hỏi những giải pháp đặc biệt. Đó là chưa kể chi phí sản xuất cực cao, còn khi thiết kế đòi hỏi những nguyên tắc rất nghiêm ngặt, chặt chẽ từ động cơ, khung gầm đến các chi tiết khác.

 
Su-33 - Ảnh: Wikipedia

Ngoài ra, còn có những tin bên lề về việc Shenyang Aircraft Corporation đang thiết kế chiếc J-16 hay phiên bản J-11B với công nghệ tàng hình. Bên cạnh đó là chiếc máy bay ném bom tầm xa J-17 (sao chép chiếc Su-34) hay J-19. Tuy thế, chính quyền Trung Quốc hiện chưa xác nhận những thông tin này Vào giữa năm 2010, tại Nga diễn ra cuộc tranh luận về việc bán động cơ phản lực (nhiều loại tiêm kích) cho Trung Quốc. Đến đầu tháng 7.2010, hãng Shukhoi và Mig phản đối việc bán động cơ RD-93 để Trung Quốc lắp cho loại tiêm kích FC-1 để xuất khẩu cho Ai Cập (xuất khẩu dưới tên gọi JF-17 Thunder). Bởi Nga cũng đang xuất loại Mig-29 cho Ai Cập. Nhưng cuối cùng thì Nga cũng cung cấp động cơ AL-31F (dành cho Su-27 và Su-30) và động cơ AL-31FH (dành cho J-10) cho Trung Quốc. Giải thích cho việc này, Phó giám đốc Cơ quan xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport - ông Aleksandr Mikheev và Tổng giám đốc hãng Mig và Shukhoi - ông Mikhail Pogosyan nói, tiêm kích của Trung Quốc chưa phải là đối thủ cạnh tranh với các loại tiêm kích của Nga, nếu như không muốn nói còn thua kém khá xa.

Phía Nga tự tin như vậy vì việc sao chép ngoại hình khá dễ dàng, nhưng để sản xuất đúng chuẩn là hết sức khó khăn. Bởi nó đòi hỏi quy trình lắp ráp, công nghệ lắp ráp cao. Ví dụ, Trung Quốc lâu nay rất muốn sao chép và tự sản xuất loại động cơ Al-31F và RD-93 của Nga. Nhưng các loại động cơ do Trung Quốc sản xuất có công năng kém hơn 2 lần và độ bền không thể sánh với động cơ của Nga. Dù vậy, các loại tiêm kích của Trung Quốc có giá bán khá rẻ nếu so sánh với loại tương đương của Nga.

Với tiềm năng kinh tế rất lớn và tốc độ phát triển công nghiệp mạnh như hiện nay, trong một tương lai gần Trung Quốc hoàn toàn có thể tự thiết kế sản xuất các loại tiêm kích hiện đại. Điều này được minh chứng khi vào tháng 1.2011, Trung Quốc lần đầu tiên cho cất cánh chiếc J-20, máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Rất khó mà nói rằng chiếc J-20 đó có điểm nào tương đồng với chiếc F-22 Raptor của Mỹ hay T-50 của Nga hay Mig 1.44, nhưng đây quả là bước tiến dài của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Có lẽ không còn bao lâu nữa, đất nước đông dân nhất thế giới sẽ có vị thế trên thị trường mua bán máy bay tiêm kích của thế giới.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.