“Cuộc chiến” của xe tăng Nga

03/05/2011 08:18 GMT+7

(TNTS) Mặc dù đang là nước dẫn đầu trong xuất khẩu xe tăng trên thị trường vũ khí, nhưng thế mạnh này của Nga đang bị cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia khác. Bởi, trong một vài cuộc đấu thầu gần đây, Nga đã thất bại đầy cay đắng.

Những trái đắng đầu tiên 

Vào ngày 14.4.2011, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ Nga - ông Konstantin Makienko phát biểu: Một trong những nguyên nhân khiến Nga mất vị trí số 1 trong xuất khẩu xe tăng là do trang thiết bị đang trở nên lạc hậu và không có sự mềm dẻo trong việc điều chỉnh thị trường. Xuất khẩu xe tăng Nga, trong đó chủ yếu là loại T-90 tăng trưởng trong vài năm gần đây là do nhu cầu thị trường từ Ấn Độ và Algeria. Ngoài hai quốc gia này, Nga chưa cho thấy ưu thế hơn hẳn của mình so với các đối thủ ở những nơi khác.

 
Loại T-90S diễu hành tại Ấn Độ - Ảnh: tank-t-90.ru 

Xuất khẩu tăng của Nga trong những năm qua quả là ấn tượng. Từ năm 2006 đến 2009, theo đánh giá của Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí quốc tế, Nga bán được 482 chiếc tăng với tổng giá trị 1,57 tỉ USD. Vị trí thứ 2 thuộc về Đức với 292 chiếc (3,03 tỉ USD) và Mỹ là 209 chiếc (1,5 tỉ USD). Nhìn vào doanh số bán hàng, có thể thấy Nga chiếm ưu thế vì giá bán khá rẻ.

Dự báo sơ bộ trong những năm 2010 - 2013, lượng xuất khẩu xe tăng Nga trên thế giới sẽ tăng lên 859 chiếc, đạt tổng giá trị 2,75 tỉ USD. Đây là con số được thực hiện theo các hợp đồng quân sự giữa Nga với vài quốc gia cũng như thỏa thuận chuyển giao quyền sản xuất cho đối tác. Trong đó Ấn Độ là bạn hàng lớn nhất của Nga.

Bộ binh Ấn Độ có kế hoạch sẽ trang bị khoảng 2.000 chiếc tăng T-90. Trong đó 310 chiếc loại này Ấn Độ đã nhận theo hợp đồng được ký kết từ năm 2001. Đến năm 2007 đất nước đông dân thứ hai thế giới lại nhận thêm 347 chiếc. Còn từ năm 2014 đến năm 2019, Ấn Độ sẽ mua thêm 600 chiếc T-90S nữa.

 
Tăng PT-91M của Ba Lan tại Malaysia - Ảnh: klsreview.com

Về phía mình, từ năm 2006 đến 2009, thông qua Ấn Độ, Nga còn bán tăng cho Algeria, Ajerbaizan, Síp, Uganda và Turkmenistan. Những quốc gia này mua tổng cộng 413 tăng các loại T-55, T-72M1M, T-80U và T-80S. Một số tăng đã được chuyển giao cho các khách hàng này.

Sau khi kết thúc hợp đồng với Ấn Độ và Algeria, Nga hầu như sẽ không còn những khách hàng lớn, vì thế lượng xe tăng và vũ khí khí tài xuất khẩu nhiều khả năng sẽ giảm. Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng Nga khá chậm trễ trong việc thiết kế các mẫu tăng mới và cả trong nâng cấp, cải tiến các loại tăng hiện hành. Trong khi đó, các quốc gia khác rất tích cực hoàn thiện các loại tăng của Liên Xô trước đây và đang trở thành đối thủ cạnh tranh với các nhà sản xuất tăng Nga. 

Theo lời ông Konstantin Makienko, ngay cả loại tăng VT1A của Trung Quốc cũng "qua mặt" chiếc T-90 để thâm nhập thị trường Ma-rốc. Bộ Quốc phòng quốc gia châu Phi này đã đặt mua của Trung Quốc 150 tăng VT1A. Quả là trái đắng đối với Nga, vì VT1A chính là chiếc tăng được cải tiến trên nền tảng loại T-72 của Nga và có tính năng tương đương với chiếc T-80UM2 của Nga.

Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực mời chào xuất khẩu loại tăng giá rẻ T96 và trong tương lai gần sẽ có thêm loại T99 thiết kế dựa trên chiếc VT1A/MBT 2000. Tựu trung, Trung Quốc hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu. Nếu muốn tăng rẻ, xin mời mua VT1A hay loại T96, còn muốn chất lượng hơn, xin mời mua T99. Tất cả đều tuân theo quy luật thị trường.

Thực tế, xe tăng Nga hiện nay vẫn đáp ứng các chuẩn hiện đại, nhưng nếu không liên tục đầu tư, loại vũ khí này sẽ lạc hậu với thời cuộc. Những tín hiệu đầu tiên như thế đã xuất hiện từ lâu. Ngoài Ma-rốc, Nga còn thua Ba Lan trong cung cấp tăng cho Malaysia. Đấy là vào năm 2002, Bộ Quốc phòng Malaysia đặt mua 48 chiếc tăng PT-91M do Ba Lan sản xuất. Đáng nói là RT-91M cũng được thiết kế dựa trên nguyên mẫu chiếc T-72.

Mới đây nhất, vào tháng 3.2011, lãnh đạo bộ binh Thái Lan đã quyết định mua 200 chiếc tăng T-84U do Ukraine sản xuất với tổng giá trị là 231,1 triệu USD. Quyết định này đưa ra sau khi Thái Lan mở cuộc đấu thầu mà trong đó có chiếc T-90S của Nga tham gia. Chiếc T-90S có tính năng vượt trội so với chiếc T-84U nhưng nó vẫn bị thua tại thị trường Thái Lan. Ngoài các yếu tố về kỹ thuật, giá bán… thì Thái Lan lâu nay đã mua vũ khí của Ukraine. Vào năm 2007, nước này mua của Ukraine 96 chiếc thiết giáp loại BTR-3E1 và đến cuối năm 2010 còn muốn mua thêm 121 chiếc nữa.

 
Tăng T-90A của Nga - Ảnh: topwar.ru

Cần sự bứt phá 

Vào đầu năm 2011, Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga (Rosoboronexport) thông báo: Ả Rập Xê-út đang thử nghiệm các loại tăng: T-90 (Nga), Leclerc (Pháp), M1A1 Abrams (Mỹ) và Leopard 2A6 (Đức). Trong khoảng thời gian 10 ngày, các loại tăng nêu trên chạy 1.300 km trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và bắn thử các loại đạn. Kết quả là T-90 thắng, còn các loại tăng khác không hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên với khách hàng không phải là truyền thống như Ả Rập Xê-út, thì chiếc T-90 còn cần các điều kiện khác để thắng thầu. Đó là chất lượng và giá bán. Về hai điểm này chưa có loại tăng cạnh tranh nào có thể so với T-90. Thử làm phép so sánh: T-90A (loại xuất khẩu) có giá từ 2 - 2,5 triệu USD/chiếc. Rẻ hơn chỉ có chiếc VT1A (Trung Quốc) từ 1,4 - 1,8 triệu USD. Chiếc PT-91M của Ba Lan giá từ 2,7 - 3 triệu USD, còn T-84U của Ukraine từ 2,5 - 4 triệu USD. Tuy nhiên cũng tính đến chuyện nếu khách hàng mua thường xuyên và mua nhiều sẽ được giảm giá. Vì thế Thái Lan mua T-84U chỉ với giá 1,2 triệu USD/chiếc.

Trong tình thế đó, ông Konstantin Makienko cho rằng, Nga phải tạo ra những bước đột phá lớn về chất lượng. Cần phải nhanh chóng đưa hai loại T-90A và T-90AM cải tiến ra thị trường vũ khí quốc tế. Bởi đây là hai loại tăng được trang bị hệ thống nạp đạn pháo tự động, thấu kính quan sát tối tân, vỏ bọc cũng tối ưu…

Ngoài ra, hiện Nga còn có chiếc T-95, chế tạo hoàn toàn mới, từ thiết kế chỗ ngồi riêng cho ê-kíp lái, hệ thống quan sát và hệ thống điều khiển vũ khí hiện đại, động cơ mới… Tuy vậy, vào năm 2010, Bộ Quốc phòng Nga ngừng tài trợ cho chương trình này với lý do giá thành quá đắt và các giải pháp kỹ thuật là khá phức tạp.

Mặc dù vậy, ông Oleg Shilenko - Giám đốc "Uralvagonzavod", hãng chế tạo chiếc T-95 tuyên bố vẫn tiếp tục bỏ tiền của hãng này để cải tiến thêm chiếc T-95. Ông Oleg Shilenko nói: "Mọi việc đang thuận lợi hơn là khó khăn". Cũng trong năm 2010, đã có tin đồn là để thay thế chiếc T-95, một chiếc tăng mang code "Armata" sẽ được thiết kế đơn giản với giá thành rẻ hơn và vẫn kế thừa hàng loạt các yếu tố kỹ thuật của T-95. Nếu đúng như thế, "Armata" sẽ được đưa vào chương trình quốc phòng Nga từ 2011 - 2020.

Ngoài ra, còn một giải pháp mà Nga mới bắt đầu tiến hành để giữ vững thị phần xuất khẩu xe tăng nói riêng cũng như vũ khí nói chung của mình. Đó là liên doanh với một quốc gia khác để cùng thiết kế, sản xuất vũ khí. Vừa đáp ứng nhu cầu nội địa, vừa phục vụ cho xuất khẩu. Nga và Ấn Độ hiện hợp tác trong sản xuất tên lửa hành trình "BraMos" và máy bay tiêm kích FGFA. Về lý thuyết có thể hợp tác sản xuất xe tăng, xe thiết giáp, hệ thống tên lửa đạn đạo, trực thăng… Nhưng điều chính yếu là cần thực hiện nhanh chóng để chiếm lĩnh thị trường.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.