Bí mật trực thăng tàng hình của Mỹ

27/05/2011 11:12 GMT+7

(TNTS) Trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden vừa qua, một chiếc trực thăng của Mỹ đã bị rơi. Những mảnh vỡ còn lại sau đó chưa xác định được chính xác đó là loại trực thăng nào. Tuy vậy, vài nguồn tin cho rằng, đó là chiếc MH-60 Black Hawk đa năng mà tính năng kỹ thuật được Mỹ giấu kín.

1. Xem xét ảnh chụp xác chiếc trực thăng tham gia chiến dịch tiêu diệt bin Laden do hãng thông tấn EPA thực hiện, đặc biệt là phần đuôi còn sót lại, các chuyên gia quân sự đều cho là chiếc máy bay này có hình dáng gấp góc. Nó có đuôi hình mũi tên, cánh quạt phần đuôi có 5 - 6 cánh, được bao bọc bởi một lớp kim loại phẳng. Bên ngoài bề mặt phần đuôi còn có một lớp phủ chống nóng tương tự như loại được phủ cho chiếc Bell-Boeing V-22 Osprey. Căn cứ vào cấu tạo của phần đuôi, các chuyên gia quân sự nhận định rằng, loại máy bay này không giống với bất kỳ loại trực thăng nào mà quân đội Mỹ từng thử nghiệm hay sử dụng. 

 
UH-60L Black Hawk - Ảnh: Wikipedia 

Trả lời phỏng vấn hãng Defense News, cựu phi công (giấu tên) của Lực lượng liên quân tác chiến Mỹ - USSOCOM, nói: Trong chiến dịch trên, quân đội Mỹ sử dụng loại trực trăng đa năng MH-60 Black Hawk, phiên bản đặc biệt. Theo nguồn tin mà Defense News dẫn lại, công nghệ được sử dụng cho chiếc trực thăng bí mật này được lấy từ chương trình thiết kế chiếc trực thăng tấn công MD Helicopters MH-6 Little Bird trong những năm 1980 và chiếc máy bay tiêm kích F-117 Night Hawk trong những năm 1990.

Nhân tiện cũng nói thêm, trong thập niên 1990, USSOCOM và phân đội Skunk Works thuộc hãng sản xuất máy bay Lockheed Martin cùng hợp tác nghiên cứu công nghệ "tàng hình" cho chiếc tiêm kích F-117 chuyển sang cho máy bay trực thăng. Theo dự tính lúc đó, chiếc trực thăng ứng dụng công nghệ tàng hình này là loại MH-60 thuộc trung đoàn 160 lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Còn hợp đồng để cung cấp loại trực thăng MH-60 tàng hình được USSOCOM ký với Boeing trong năm 1999 và năm 2000.

Kế hoạch ban đầu là những chiếc Black Hawk loại mới sẽ được thành lập riêng thành một trung đoàn dưới sự chỉ huy của một đại tá và đồn trú tại căn cứ quân sự ở bang Nevada nhằm đảm bảo sự bí mật. Trong biên chế của trung đoàn thuộc USSOCOM dự tính có từ 35 - 50 quân nhân với 4 chiếc trực thăng tàng hình và 2 chiếc Black Hawk loại thường. Theo nguồn tin của Defense News, kế hoạch cung cấp máy bay tàng hình MH-60 đã bị dừng lại cách nay 2 năm. Trong thời gian qua, đã có 3 chiếc hình mẫu loại trực thăng này ra đời.

Trước đây, loại Black Hawk Stealth không được lắp đặt thùng xăng phụ để có thể tiếp xăng trên không. Bởi loại trực thăng này thường bay ở tầm thấp, cự ly gần để tránh gây sự chú ý. Thế nhưng loại trực thăng sử dụng để tiêu diệt bin Laden chắc chắn có bình xăng phụ. Bởi từ Abbottabad, nơi trùm khủng bố sinh sống cách biên giới Afghanistan khoảng 200 km và cách biên giới Ấn Độ 30 km. Bán kính tác chiến của trực thăng MH-60 chỉ gần 550 km. Điều này có nghĩa là nếu chỉ đổ một lần xăng (nếu bay từ Afghanistan qua) nhiều khả năng là lượng xăng không đủ để tác chiến.

 

 
Phần còn lại của xác chiếc trực thăng bị rơi trong chiến dịch tiêu diệt bin Laden - Ảnh: Reuters

Hãng Defense News đã trực tiếp cử phóng viên gặp đại diện USSOCOM là đại tá Tim Nye để hỏi về vấn đề này, nhưng ông từ chối bình luận mọi thông tin về chiếc trực thăng mà ai cũng muốn biết.

Trước đây, Mỹ đã tiến hành một số thử nghiệm nhằm thiết kế sản xuất trực thăng tàng hình cho các chiến dịch đặc biệt. Chẳng hạn, vào những năm 1990, các hãng Boeing và Sikorsky nghiên cứu, thiết kế loại trực thăng RAH-66 Comanche dành cho quân đội Mỹ. Những yêu cầu cơ bản với loại trực thăng này là nâng cao tính tàng hình đối với các phương tiện dò sóng, kể cả về phần tiếng động. Ngoài ra còn có các yêu cầu về  tốc độ (khoảng 324 km/giờ), hay tính năng tác chiến để ngoài chức năng tiến công còn có thể sử dụng làm trực thăng trinh sát, do thám phục vụ cho các chiến dịch.

Từ những yêu cầu nêu trên, chiếc RAH-66 Comanche đã ra đời và ứng dụng công nghệ tàng hình của chiếc tiêm kích F-117. Thân của chiếc máy bay này được làm từ sợi carbon, phủ lớp chống nóng và chống radar. Khung gầm và vũ khí hay các điểm để treo vũ khí được thiết kế chắc chắn trên thân máy bay.

Với chiếc RAH-66 Comanche, Mỹ đã ứng dụng kết cấu cánh quạt hoàn toàn mới, cho phép làm giảm tiếng ồn đáng kể khi vận hành. Tuy có nhiều tiến bộ trong việc thiết kế, sản xuất chiếc trực thăng, nhưng vào năm 2004, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ngừng chương trình này lại. Bởi, họ cho rằng, thay vì sử dụng RAH-66 Comanche, sẽ là hiệu quả và rẻ hơn khi sử dụng loại máy bay không người lái để tấn công đối phương hay làm nhiệm vụ do thám. Để đền bù cho các chi phí đã bỏ ra trong thiết kế sản xuất chiếc trực thăng RAH-66 Comanche, hai hãng Boeing và Sikorksy được nhận khoảng 700 triệu USD. Con số không lớn, nếu biết rằng tổng thể dự án RAH-66 Comanche tiêu tốn gần 8 tỉ USD.

Hiện nay, các công nghệ của Comanche được ứng dụng cho loại trực thăng tấn công thế hệ mới là Boeing AH-64D Apache Longbow Block III. Việc sản xuất hàng loạt loại máy bay này được bắt đầu ngay trong năm 2011.

2. Loại trực thăng nào được sử dụng trong chiến dịch tiêu diệt bin Laden? Ngay các nhà hoạt động quân sự Pakistan cũng không biết. Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Pakistan chỉ nói rằng, những chiếc trực thăng Mỹ không xuất phát tại bất kỳ căn cứ quân sự nào của đất nước Hồi giáo này mà bay từ lãnh thổ các nước láng giềng. Nhưng cụ thể là từ nước nào thì phía Pakistan cũng không nói rõ. Các chuyên gia quân sự cho rằng, phần nhiều đó sẽ là Afghanistan bởi các nước láng giềng khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran thì Mỹ không hề có căn cứ quân sự.

Theo lời cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama là ông John Brennan, việc thực hiện chiến dịch chỉ được thông báo cho phía Pakistan sau khi các trực thăng đã rời khỏi đất nước. Có lẽ do tính chất tuyệt mật của chiến dịch nên phía Mỹ đã hành động như vậy. Dù sao việc một chiếc trực thăng bị rơi, phần nào đã làm "hỏng" sự tuyệt mật đó.

Việc chiếc trực thăng tàng hình - Black Hawk Stealth bị rơi có hai giả thiết. Theo báo The Daily Mail chiếc trực thăng bị một tên lửa cầm tay phóng lên từ tòa nhà, nơi bin Laden cư ngụ bắn hạ. Kết quả là nó bị cháy hoàn toàn, chỉ còn lại phần đuôi. Giả thiết thứ hai là chiếc trực thăng hạ cánh với tốc độ cao, phi công lại không giữ được thăng bằng cho máy bay nên dẫn đến thảm họa.

Chiếc Black Hawk bình thường có trọng lượng 4,8 tấn, nhưng nếu ứng dụng một số yếu tố mới trong thiết kế hẳn phải nặng hơn vài trăm ký. Đây cũng là một trong những điểm hạn chế khi muốn phát huy tính cơ động của nó. Và quan trọng hơn, khi hạ cánh với tốc độ cao rất dễ gây ra những hư hỏng, khiến máy bay khó có thể cất cánh. Ngoài ra, nếu ca-bin cũng được lắp kính đặc biệt (chống sóng radar) hay phủ một lớp bảo vệ chuyên dụng thì sẽ làm hạn chế đáng kể tầm nhìn của phi công nếu người này sử dụng kính quan sát ban đêm. Để không làm lộ các bí mật về công nghệ, lính đặc nhiệm Mỹ khi đó đã dùng mìn để phá hủy chiếc máy bay bị rơi.

Dù có thế nào, thì tới đây, trong khoảng thời gian nhất định, quân đội Mỹ sẽ không sử dụng loại trực thăng mới, bí mật này. Họ phải xem xét, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc chiếc trực thăng bị rơi, đồng thời phải tiếp tục cải tiến nó để hạn chế những điểm yếu đã bộc lộ trong quá trình sử dụng để tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden. Một trong những điều cần làm đầu tiên là cải tiến lại hệ thống cánh quạt cũng như làm sao để giảm trọng lượng của chiếc trực thăng. Ngoài ra, nếu quả là nó bị tên lửa bắn rơi thì điều đó cho thấy các công nghệ hiện đại ứng dụng cho nó để làm nhiệm vụ tự phòng thủ đã không đạt hiệu quả như mong muốn.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.