Bên lề chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama: An ninh 3 D

08/11/2010 09:26 GMT+7

Kể từ thời vua Pharaon của Ai Cập cổ đại hay thời các vị hoàng đế La Mã, chưa có vị nguyên thủ quốc gia nào đi công cán ở nước ngoài hoành tráng và tốn kém nhiều như chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo nhận xét của nhật báo Daily Mail.

Thông thường, khách quý đến thăm thường giao chủ nhà lo chuyện bảo vệ an ninh và phương tiện vận chuyển. Trường hợp của tổng thống Mỹ là một ngoại lệ, không phải dành riêng cho ông Obama mà nhiều vị tiền nhiệm khác cũng vậy. Mỹ thường chủ động tạo ra một "nước Mỹ thu nhỏ” ở nước chủ nhà với những biện pháp bảo vệ người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới rất riêng. Và lần này, FBI (Cảnh sát Liên bang Mỹ) và CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) cho thấy sức mạnh và sự "chi bạo"của họ đến mức nào.

Có hay không 34 tàu chiến ?
 
Từ ngày 6-11, ngày đầu tiên Tổng thống Obama có mặt trên đất Ấn Độ, bộ máy an ninh 3 D (trên biển, trên không và trên bờ) đã luôn trong tư thế sẵn sàng hóa giải thế "thập diện mai phục" của các tổ chức khủng bố nội địa và quốc tế.
 
Trên biển, hãng tin PTI và kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ cho biết Mỹ đã triển khai 34 tàu chiến, trong đó có một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, cùng với tàu của hải quân và lực lượng tuần duyên Ấn Độ tuần tra 24/24 giờ vùng bờ biển bao quanh Mumbai nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố giả định bằng tên lửa từ phía biển nhắm vào vợ chồng ông Obama đang nghỉ tại khách sạn 5 sao Taj Mahal Palace có mặt tiền hướng ra biển. Năm 2008, khách sạn này từng bị một toán khủng bố tấn công từ hướng biển gây hư hại nặng.
 
Con số 34 tàu chiến quá ấn tượng khiến Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) phải lên tiếng phủ nhận. Geoff Morrel, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, tuyên bố: "34 tàu chiến tương đương với 11,8% lực lượng hải quân Mỹ. Đây là một con số phi lý và hài hước".
 
Có thể không có đến 34 tàu chiến nhưng theo tờ Indian Express, ngày 4-11 có tàu đổ bộ USS Peleliu kèm theo vài chiến hạm Mỹ hộ tống đã vào hải phận cảng Mumbai. Trên tàu có nhiều máy bay tiêm kích AV-8B Harrier; 4 loại trực thăng vũ trang AH-1W, CH-46, CH-53 và UH-1N.
 
Trong thời gian Tổng thống Obama lưu trú ở Mumbai, tàu bè bị cấm lưu thông trong vùng biển bao quanh thành phố cảng Mumbai, kể cả những chiếc thuyền gỗ chở khách du lịch tham quan tượng đài Gateway of India, nằm kế bên khách sạn Taj Mahal Palace, cũng bị cấm lui tới.
 
Ám ảnh bưu kiện bom
 
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin quan chức sân bay cho biết đêm 4-11, một chiếc máy bay của hãng Delta đến từ Amsterdam (Hà Lan) đã bị lục soát rất kỹ sau khi có tin trong khoang hành lý có bưu kiện khả nghi chứa bom. Dù không tìm thấy gì song chuyện này càng làm các quan chức sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji của Mumbai thêm căng thẳng.
 
Trưa 6-11, trước giờ phái đoàn tổng thống Mỹ đến, sân bay chính thức đóng cửa 6 phút để đón chuyên cơ Không lực Một chở vợ chồng Tổng thống Barack Obama. Đồng thời, 3 chiến đấu cơ và 5 trực thăng làm nhiệm vụ hộ tống chuyên cơ cũng đáp xuống đường băng.
 
Kế tiếp là đội máy bay 3 chiếc Boeing 747 chở đoàn tháp tùng tổng thống lên đến 500 người, bao gồm nhân viên, đặc vụ phủ tổng thống. Do đó, theo tờ Times of India, trên thực tế, thời gian đóng cửa sân bay kéo dài ít nhất 54 phút.
 
Trong khoảng thời gian đó, các chuyến bay thương mại không được léo hánh đến sân bay. Vài ngày trước, đã có 13 máy bay cùng 4 trực thăng Mỹ chở xe đặc chủng của Nhà Trắng và các thiết bị hỗ trợ đáp xuống sân bay này. Theo tờ India Today, tổng cộng trước sau có đến 40 máy bay phục vụ chuyến đi của Tổng thống Obama.


Thành phố Mumbai chào mừng Tổng thống Obama. Ảnh: AFP

Mướn trọn khách sạn lớn nhất
 
Do khoảng cách từ sân bay đến khách sạn Taj Mahal Palace khá xa, để bảo đảm an toàn, tổng thống và phu nhân Obama di chuyển về khách sạn qua hai bước. Bước đầu, trực thăng Marine One chở tổng thống và phu nhân về bãi đáp trực thăng INS Shikra của hải quân Ấn Độ ở Colaba, miền Nam Mumbai. Bước hai, tổng thống và phu nhân dùng chiếc Lincoln Continental, xe riêng của tổng thống, về khách sạn.
 
Có 6 chiếc Lincoln Continental trong đoàn xe 45 chiếc mang từ Mỹ sang, tất cả đều bọc thép. Riêng chiếc của tổng thống Mỹ có vỏ thép dày 15,3 cm, không đạn nào bắn thủng, kể cả đạn đặc biệt chế tạo riêng cho súng bắn tỉa. Khi 6 chiếc Lincoln di chuyển, không thể biết chiếc nào chở ông bà Obama và chiếc nào đóng vai "cò mồi". Đặc vụ và nhân viên đi trên 39 chiếc còn lại giống nhau như đúc, trong đó quá nửa là xe "cò mồi".
 
Taj Mahal Palace là khách sạn 5 sao nổi tiếng đắt nhất ở Mumbai, có 570 phòng, hàng chục nhà hàng và phòng tiệc. Để bảo đảm an ninh, Mỹ mướn trọn gói khách sạn này cho vợ chồng Tổng thống Obama và nhân viên thân tín, trong đó có 35 lính thủy đánh bộ ở trên tầng năm.
 
Nhân viên an ninh và các bộ phận hậu cần trong đoàn chia nhau ở trong 125 phòng của khách sạn Taj President và 180 phòng của khách sạn Grand Hyatt và The Oberoi.
 
Trước đây, cũng có nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác mướn một hoặc hai tầng lầu của khách sạn Taj Mahal Palace. Nhưng mướn trọn cả "cung điện" này như Tổng thống Obama là chưa từng có.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.