Khán giả truyền hình đang sụt giảm

18/12/2014 19:22 GMT+7

(TNO) Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo quốc tế 'Truyền thông mới, những cơ hội và thách thức với các đài truyền hình trong kỷ nguyên số' ngày 18.12, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế).

(TNO) Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo quốc tế 'Truyền thông mới, những cơ hội và thách thức với các đài truyền hình trong kỷ nguyên số' ngày 18.12, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế).

Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Hội thảo 'Truyền thông mới, những cơ hội và thách thức với các đài truyền hình trong kỷ nguyên số' do Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) tổ chức trông khuôn khổ của Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 34.

Buổi hội thảo có sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của đại diện hai đài truyền hình lớn của châu Á là KBS World (Hàn Quốc) và TBS (Nhật Bản).

Ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc Đài THVN, chia sẻ: “Internet ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đối với truyền hình, internet phát triển là một sự cạnh tranh, điện thoại di động phát triển cũng là một sự cạnh tranh. Với sự phát triển của internet và viễn thông như hiện nay, việc làm sao để thu hút khán giả đến với truyền hình nhiều hơn, sử dụng công nghệ sản xuất truyền hình như thế nào là một vấn đề đang đặt ra với những người làm truyền hình. Trong tương lai, các đài truyền hình cần hướng tới sản xuất chương trình truyền hình truyền thống cùng lúc với sản xuất chương trình phát trên các phương tiện khác. Vì thế, việc đổi mới nội dung, cách thức sản xuất chương trình hay môi trường truyền dẫn cần thay đổi ra sao là những vấn đề đang đặt ra”.
TS. Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số (VTV Digital) của VTV, cho biết: “Bức tranh của truyền thông mới tại Việt Nam mà internet đang là cộng đồng lớn nhất với doanh thu hàng chục tỉ USD mỗi năm. Trong khi tỷ lệ khán giả xem truyền hình đang không tăng thì khán giả theo dõi internet tăng cả số lượng lẫn thời gian. Dẫn nguồn từ thống kê của Nielsens Report, từ tháng 1.2010 -  3.2012, thời gian online của mỗi khán giả truyền hình đã tăng bình quân 10%. Ngay cả khán giả ít quan tâm đến truyền hình nhất cũng đã dành gấp đôi thời gian cho các video online. Cùng với xu thế sụt giảm lượng người xem truyền hình, thị phần quảng cáo theo đó cũng đã dịch chuyển sang quảng cáo trực tuyến của truyền thông đa phương tiện". 

Theo ông Chiến, từ thực tế này, VTV đang phải định vị lại chiến lược phát triển nội dung và tầm nhìn về sản phẩm của mình để phát triển.

Không chỉ ở Việt Nam mà thách thức này cũng đã đến với các hãng truyền hình lớn của quốc tế. Ông Lee Dokyung, Giám đốc kênh và nội dung của Đài truyền hình KBS World, chia sẻ theo dự báo KBS World trong năm nay sẽ thua lỗ từ doanh thu quảng cáo truyền hình. Ông Lee đã đưa ra một hình ảnh được chụp trên tàu điện của Hàn Quốc. Trong đó hầu hết hành khác đều không trò chuyện với nhau mà chủ yếu dán mắt vào smartphone.

Ông Lee cho biết để đưa khán giả đến gần hơn với truyền hình, KBS World đã sử dụng chiến lược truyền thông chéo qua các sự kiện được đài phát động, ví dụ như để khán giả tự quay video về một chủ đề nhất định và gửi về đài, sau đó sẽ được đài chọn lọc phát sóng trên truyền hình. Hay, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, chúng tôi có đưa lên YouTube video nhóm nhạc nổi tiếng 2PM hát ca khúc kỷ niệm dành cho KBS và kêu gọi khán giả hát theo rồi đăng lại video. Chiến dịch này đã thu hút rất nhiều bạn trẻ và đó là một cách chúng tôi kéo khán giả tới gần hơn với truyền hình trong kỷ nguyên internet.

“Hiện nay, xu hướng phát triển thiết kế màn hình di động ngày càng rộng, kết nối truyền thông qua mạng điện thoại sẽ phát triển không ngừng nên con đường để truyền hình tồn tại là thiết kế nội dung chương trình phù hợp với việc chạy ứng dụng trên các thiết bị di động”, ông Lee nhận định.

Cùng với KBS (Hàn Quốc) ông Kato Tatsuhito, Giám đốc nội dung của hãng truyền hình TBS (Nhật Bản) cũng chia sẻ kinh nghiệm của TBS đó là kết hợp làm truyền hình với việc sử dụng mạng xã hội, nhắm vào giới trẻ, qua đó lôi kéo họ đến gần hơn với truyền hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.