Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 sẽ chính thức áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường sư phạm vẫn chưa xác định sẽ đổi mới như thế nào.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 sẽ chính thức áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường sư phạm vẫn chưa xác định sẽ đổi mới như thế nào. 

Giờ học của sinh viên một trường ĐH sư phạm - Ảnh: Đào Ngọc ThạchGiờ học của sinh viên một trường ĐH sư phạm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giáo sinh không có thông tin còn giáo viên dường như đứng ngoài với những đổi mới đang diễn ra.
Trường địa phương tự... bơi
Từ nhiều năm nay, các trường CĐ sư phạm (SP) địa phương hoạt động khá chật vật khi nguồn tuyển ngày càng cạn. Vì thế các trường thu hẹp chỉ tiêu tuyển mới, trọng tâm cho hoạt động chuyên môn được chuyển dần sang đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay các trường chưa biết đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên (GV) những gì khi nội dung chương trình mới còn chưa rõ. Hầu hết các trường vẫn sử dụng các tài liệu cũ để đào tạo sinh viên cũng như bồi dưỡng GV.


Các trường sư phạm địa phương vẫn đang chờ. Trường tôi cũng chỉ đạo giáo viên tự tìm hiểu trên mạng, nhưng anh em nói là vẫn mông lung lắm

Ông Vũ Văn Dương
Hiệu trưởng Trường CĐSP
Cao Bằng


Ông Vũ Văn Dương, Hiệu trưởng Trường CĐSP Cao Bằng, chia sẻ: “Bộ GD-ĐT nói các trường chủ động thay đổi chương trình đào tạo để GV ra trường là thích ứng được với chương trình mới nhưng chúng tôi thấy chưa có cơ sở để làm điều này. Chí ít chúng tôi phải thấy được nội dung chương trình mới thì mới làm được, nếu không thì Bộ cũng nên có một định hướng rõ hơn. 
Vì thế các trường SP địa phương vẫn đang chờ. Trường tôi cũng chỉ đạo GV tự tìm hiểu trên mạng, nhưng anh em nói là vẫn mông lung lắm”. Còn PGS-TS Cao Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), cho biết: “Với trình độ CĐ, chúng tôi vẫn duy trì việc đào tạo theo chuyên môn kép như trước đây, chẳng hạn SP văn - sử, hoặc hóa - sinh, toán - lý, lý - hóa…”.
Lãnh đạo Trường ĐH Thủ đô (tiền thân là Trường CĐSP Hà Nội) cho biết cái khó là Bộ vẫn tập trung quan tâm tới những trường trọng điểm, còn với các trường SP địa phương thì Bộ có quan điểm là triển khai ở phần sau - tức bồi dưỡng GV. “Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm cách tận dụng các mối quan hệ của mình để “đẩy” cán bộ, giảng viên tham gia tích cực vào việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa của Bộ”, TS Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô, thông tin. Đây cũng là một trong số rất ít trường SP địa phương thực hiện được chương trình đào tạo mới cho SV mới vào trường từ khóa 2015 - 2016 nhưng lại phải thực hiện trong cái vỏ cũ. “Chẳng hạn sẽ phải cấp bằng cử nhân SP vật lý trong khi chuẩn đầu ra là những sinh viên được trang bị khối kiến thức trong lĩnh vực khoa học tự nhiên”, ông Cường nói.
Giáo sinh chưa được chuẩn bị kỹ
Trong khi đó, giáo sinh dường như luôn nằm ngoài những chủ trương, dự án dạy học mới. “Những buổi hội thảo triển khai chương trình - sách giáo khoa, đổi mới giáo dục được tổ chức ở trường nhưng thường mang tầm vĩ mô dành cho nhiều quan chức, các thầy cô chứ hầu như sinh viên, những giáo viên tương lai không được tham gia để hiểu, chuẩn bị những kiến thức về chương trình mới”, D.L (sinh viên tốt nghiệp năm 2015 Trường ĐH SP TP.HCM) cho biết. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về chương trình sách giáo khoa mới, tích hợp, L. còn lơ mơ hơn và nói: “Em nghĩ tích hợp là trộn các môn học lại với nhau”.
L. cũng thẳng thắn: “Đó là những gì em nghe lỏm trong lúc làm tiếp tân cho những hội thảo ở trường chứ chưa từng chính thức được nghe giới thiệu hay phổ biến. Nghe nói 3 năm nữa sẽ dạy chương trình - sách giáo khoa mới nhưng ở trường chúng em chưa từng một lần được nghe giới thiệu hay học một chút gì liên quan”.
Nguyên phó hiệu trưởng một trường THPT công lập tại Q.10, TP.HCM cho biết, theo dõi sát việc thực tập của giáo sinh sư phạm thấy vẫn còn nhiều điều lo lắng, giáo sinh tiếp thu tốt, có năng lực nhưng kỹ năng ứng xử, kỹ năng SP còn thiếu nhiều. “Một sinh viên học khoa quản lý giáo dục, khi tôi hỏi học ngành này ra trường làm gì, các em bảo ra làm giám thị!”, vị này nói. Ông Trần Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cũng cho biết hiện nay các trường phổ thông đang chuẩn bị đổi mới toàn diện vào năm 2018, phương pháp dạy học thay đổi nhiều nhưng hình như sinh viên các trường ĐH, CĐ SP chưa được chuẩn bị kỹ lắm. “Nếu chỉ yêu cầu các em cầm cục phấn, đào tạo kỹ năng SP thì lại đi vào lối mòn của chúng tôi. Các em hiện nay đạo đức tốt, kiến thức giỏi, nhiệt tình, tham gia hoạt động tốt hơn ngày xưa. Được chuẩn bị tốt cho sự đổi mới, các em mới đáp ứng được nhu cầu của thời buổi này”, ông Hòa nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Giáo dục - Chính trị, Trường ĐH SP Đà Nẵng, cho biết: “Nói đúng ra là những năm gần đây các trường đào tạo SP có chuyển biến. Một số trường còn có hoạt động rèn luyện thường xuyên cho sinh viên, giúp đa số giáo sinh có sự tự tin, sử dụng hợp lý phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, điểm vênh nhau giữa trường SP và trường phổ thông vẫn còn nhiều. Nhất là những đổi mới trong giảng dạy thì phần lớn giáo sinh phải về trường mới được tiếp xúc. 
Riêng chương trình tích hợp, vừa qua 7 trường SP trọng điểm đều đã có chương trình cứng để giảng dạy, với 70% nội dung do Trường ĐH SP Hà Nội cung cấp, 30% do các trường chủ động. Tuy nhiên, sinh viên có thành thạo điều này hay không phải chờ kết quả trong thời gian tới”. (Còn tiếp)
Sinh viên chưa được học nhiều về nghiệp vụ sư phạm
Kết quả khảo sát về chương trình thực tập SP do thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Giáo dục - Chính trị Trường ĐH SP Đà Nẵng, công bố tại một cuộc hội thảo giáo dục vào tháng 8.2015 cho thấy có những bất cập: Trong 130 - 135 tín chỉ mà sinh viên SP phải tích lũy, học phần nghiệp vụ SP chỉ có khoảng từ 23 - 27 tín chỉ. 
Thời gian bố trí kế hoạch chương trình thực tập chưa phù hợp. Đáng lẽ phải thực tập từ năm thứ hai thay vì ở năm thứ ba như hiện nay. Kiến thức được học trong trường ĐH và thực tế ở trường phổ thông có khoảng cách, sự phối hợp giữa trường ĐH và trường phổ thông còn thiếu chặt chẽ, việc đánh giá thực tập SP của giáo sinh còn gặp nhiều điều bất cập, hệ thống cơ sở vật chất ở các trường THPT vẫn còn hạn chế...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.