Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM đã được trình lên Chính phủ

Mai Phương
Mai Phương
09/02/2023 14:52 GMT+7

Đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM đã được lãnh đạo thành phố thông qua và trình lên Chính phủ.

Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) cho biết tại tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 9.2. HFIC là đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM .

Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM đã được trình lên Chính phủ

Hiện Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu để hình thành Ban chỉ đạo để sớm đưa đề án vào triển khai. Ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ, đề án có 3 trụ cột chính. Đó là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. 

Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM đã được trình lên Chính phủ - Ảnh 1.

Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tại TP.HCM đã trình lên Chính phủ

ĐỘC LẬP

Đề án hướng đến việc tạo ra thị trường vốn linh hoạt, uyển chuyển để thu hút các định chế tài chính, nhà đầu tư lớn trên quốc tế tham gia. Quan trọng nhất, Việt Nam đi sau nên cần phải xác định được năng lực lõi là gì để có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư tài chính lớn. Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định, muốn có thị trường tài chính linh động thì đầu tiên cần đầy đủ và linh hoạt hành lang pháp lý, tiệm cận với các trung tâm tài chính quốc tế đã có. Song song đó, Ban chỉ đạo cần nghiên cứu để xác định năng lực lõi mang tính cạnh tranh, hấp dẫn của Việt Nam và kế đến là đồng bộ hạ tầng kỹ thuật từ công nghệ thông tin, cơ sở vật chất đến cả nơi vui chơi giải trí... 

Nếu sớm được ra đời, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng đây là cơ hội để mở ra làn sóng thứ ba thu hút đầu tư trong và ngoài nước của TP.HCM và tạo ra nguồn lực về vốn cho các doanh nghiệp, phục vụ cho những dự án quy mô lớn hơn, sâu hơn và đóng vai trò đòn bẫy. 

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định TP.HCM đã được xem là một trung tâm tài chính từ lâu. Nhưng để thật sự hình thành được Trung tâm Tài chính quốc tế thì phải xác định được ngay từ đầu đây là nơi giải quyết được câu chuyện về vốn cho cả khu vực và cả những quốc gia lân cận. Nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu là ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. Thị trường vốn ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần sớm có Trung tâm Tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền đề xuất cần có chính sách đủ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo cơ hội sinh lời và cuối cùng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Do đó, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt có chính sách thuế tiệm cận với chính sách thuế của các trung tâm tài chính trong khu vực và thế giới đang áp dụng...

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiều giải pháp, chiến lược đột phá, trong đó có ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM. Đây cũng là điều kiện để sớm thúc đẩy Trung tâm Tài chính quốc tế đi vào hoạt động



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.