Trung Quốc liên tục tập trận trên biển

01/08/2023 06:26 GMT+7

Truyền thông chính thống của Trung Quốc liên tục đưa tin về các hoạt động tập trận của quân đội nước này trên biển, bao gồm Biển Đông.

Nhiều cuộc tập trận

Theo thông báo của Cục An toàn hàng hải Trung Quốc, quân đội nước này tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn ở Biển Đông, diễn ra từ ngày 29.7 - 2.8.

Khu vực tập trận trải rộng từ đảo Hải Nam đến một phần Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield, bãi ngầm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 75 hải lý. Trong thời gian tập trận, Trung Quốc ngăn cấm tàu bè đi vào phạm vi tổ chức diễn tập. Khu vực tập trận trên khá rộng, nhưng Trung Quốc chưa công bố chính thức về nội dung tập trận.

Trung Quốc liên tục tập trận trên biển - Ảnh 1.

Khinh hạm Toại Ninh (551) di chuyển sau khinh hạm Miên Dương (528) trong cuộc tập trận vào tháng 7

Bên cạnh đó, tờ Hoàn Cầu thời báo, thuộc Nhân dân Nhật báo, ngày 30.7 đưa tin tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc vừa tiến hành một loạt cuộc tập trận đã "tạo ra những bước đột phá mới". Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, một đoạn video đi kèm với thông cáo báo chí cho thấy ít nhất 6 tàu chiến bổ sung, bao gồm 1 tàu khu trục Type 055, 2 tàu khu trục Type 052D, 2 khinh hạm Type 054A và 1 tàu hỗ trợ đã hộ tống tàu sân bay Sơn Đông trong nhóm tác chiến tàu sân bay để tiến hành hoạt động trên.

Tờ báo dẫn lời một số chuyên gia nước này cho biết tàu Sơn Đông có thể sớm bắt đầu hải trình xa bờ mới vượt qua chuỗi đảo thứ nhất. Việc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất được hiểu là tiếp cận vùng tây Thái Bình Dương - khu vực mà gần đây hải quân Trung Quốc tìm cách mở rộng hoạt động, bao gồm cả việc điều động tàu sân bay đến tập trận.

Mới đây, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng đăng tải một số hình ảnh về cuộc tập trận của 2 tàu chiến mang tên lửa là khinh hạm Miên Dương (loại Type 053H3) và khinh hạm Toại Ninh (loại Type 056A) vừa hoàn thành một cuộc tập trận hồi giữa tháng 7.

Tờ báo không thông tin khu vực tập trận nhưng cho biết 2 khinh hạm trên nằm trong biên đội tàu của Chiến khu Nam bộ thuộc quân đội Trung Quốc. Chiến khu Nam bộ là lực lượng phụ trách các hoạt động bao trùm cả Biển Đông. Theo các hình ảnh trên, nội dung tập trận còn bao gồm cả việc xuất kích máy bay không người lái từ khinh hạm. Cùng ngày 30.7, Cổng thông tin điện tử của Quân ủy T.Ư Trung Quốc đăng hình ảnh máy bay chiến đấu đa nhiệm J-10 của Chiến khu Nam bộ vừa tiến hành cuộc tập trận, nhưng không nêu rõ khu vực tập trận. Những năm qua, Trung Quốc thường xuyên điều động J-10 hiện diện ở Biển Đông.

Trung Quốc liên tục tập trận trên biển - Ảnh 2.

Xuất kích máy bay không người lái trên khinh hạm Miên Dương trong cuộc tập trận vào tháng 7

Chinamil.com.cn

Ẩn ý của Bắc Kinh

Cuộc tập trận từ ngày 29.7 - 2.8 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc lẫn Mỹ cùng đồng minh liên tục có nhiều hoạt động quân sự ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Gần 3 năm trước, vào tháng 8.2020, giữa lúc nhiều hoạt động quân sự diễn ra ở Biển Đông, Trung Quốc cũng tiến hành cuộc tập trận với khu vực phong tỏa rộng. Liên quan cuộc tập trận trên, tối 26.8.2020, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc cùng ngày đã bắn 2 tên lửa đạn đạo chống hạm, gồm tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và Đông Phong 26 (DF-26), về Biển Đông. Cả 2 tên lửa được cho là đều hướng vào mục tiêu ở khu vực biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

Với tầm bắn lên đến 4.000 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, DF-26 còn có phiên bản dùng để tấn công tàu sân bay nên được Bắc Kinh giới thiệu bằng các danh xưng như là "sát thủ diệt hạm", "sát thủ tiêu diệt tàu sân bay". Còn DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800 km và truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả phiên bản DF-21D là tên lửa đạn đạo diệt hạm đầu tiên trên thế giới hay "sát thủ diệt tàu sân bay".

Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) từng chỉ ra: "Tên lửa đạn đạo chống hạm là một phần trong chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc nhằm đẩy Mỹ ra khỏi tây Thái Bình Dương".

Vì thế, trong lúc Washington tăng cường hoạt động của các tàu chiến ở khu vực, thì việc khai hỏa DF-21, DF-26 hoặc tên lửa đối hạm được xem như một thông điệp răn đe từ Bắc Kinh. 

Tướng Mỹ hé lộ cách đối phó Trung Quốc ở Thái Bình Dương

AFP ngày 31.7 dẫn lời thiếu tướng Joseph Ryan, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 25 gồm 12.000 quân ở đảo Oahu thuộc bang Hawaii (Mỹ), hé lộ cách đối phó với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Ông Ryan cho rằng Bắc Kinh có lợi thế "rất rõ ràng" trong khu vực, nêu ra việc Trung Quốc mở rộng phòng thủ quân sự, khả năng tên lửa tầm xa và khả năng dễ dàng triển khai các lực lượng và thiết bị ở Thái Bình Dương. Ngược lại, trong trường hợp xảy ra xung đột, Mỹ và các đồng minh sẽ phải di chuyển qua vùng biển quốc tế hoặc khu vực thuộc chủ quyền của nhiều quốc gia, cần có sự cho phép của họ cũng như huy động các phương tiện giao thông đường không, đường bộ và đường biển.

Vì thế, Mỹ sẽ dựa vào các đồng minh thay vì mở rộng quy mô lớn các lực lượng của mình để chống lại mọi nguy cơ quân sự từ Trung Quốc ở Thái Bình Dương. 

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.