TNO

Trung Quốc khó thắng ở Biển Đông và biển Hoa Đông

13/03/2015 09:51 GMT+7

(Tin Nóng) Ông David Archibald, giáo sư thỉnh giảng tại Viện chính trị thế giới ở thủ đô Washington, Mỹ có bài viết trên trang tin American Thinker ngày 12.3.2015 cho rằng Trung Quốc khó giành chiến thắng ở 2 cuộc chiến (nếu có) tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

(Tin Nóng) Ông David Archibald, giáo sư thỉnh giảng tại Viện chính trị thế giới ở thủ đô Washington, Mỹ có bài viết trên trang tin American Thinker ngày 12.3.2015 cho rằng Trung Quốc khó giành chiến thắng ở 2 cuộc chiến (nếu có) tại Biển Đông và biển Hoa Đông.


Đội tàu đổ bộ của hải quân Mỹ: USS Ashland, USS Green Bay (vận tải), USS Bonhomme Richard đang diễn tập trên biển Hoa Đông ngày 11.3.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo bài báo, tình hình bất ổn ở châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ dẫn đến cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước. Cuộc chiến do Trung Quốc tiến hành ở biển Hoa Đông và Biển Đông (nếu có) sẽ có hai chức năng đối với Trung Quốc. Thứ nhất, nó sẽ phục vụ tính hợp pháp của cuộc chiến là phương cách làm tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, Trung Quốc sẽ tự hào đã hạ nhục các nước láng giềng và Mỹ bằng cách đánh bại các nước này và tạo ra các vùng biển cấm mà các nước sẽ không thể qua lại nếu không có sự cho phép của Trung Quốc. Cuộc chiến này sẽ chẳng làm gì với các nguồn tài nguyên dầu khí dưới đáy biển và cũng không nhằm bảo vệ các tuyến đường biển. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra những lời bào chữa cho hành vi của họ.

Một số người đã dự báo về cuộc chiến này. Năm 2005, tác giả Robert Kaplan đã viết trên tạp chí The Atlantic bài viết tựa đề Chúng ta sẽ chiến đấu với Trung Quốc như thế nào.

Để giành phần thắng trong cuộc chiến, Trung Quốc sẽ chiếm lấy các lãnh thổ và sau đó giữ nó để chống lại cuộc phản công của Mỹ, Nhật Bản. Sẽ có hai kịch bản chiến trường chính, là chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư và Yaeyama ở Biển Hoa Đông; và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Trong vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở và lên tiếng về việc sở hữu hợp pháp các đảo Ryukyu và Yaeyama. Phần này rất phức tạp đối với Trung Quốc vì có các căn cứ của Mỹ trên đảo Okinawa trong nhóm đảo Ryuku.

Trung Quốc có thể loại trừ các căn cứ Mỹ ra khỏi cuộc tấn công của họ với hy vọng rằng Tổng thống Obama sẽ thất hứa về cam kết giúp đỡ Nhật Bản nếu Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tấn công các căn cứ Mỹ trong khu vực ở khoảng cách xa như Guam trên cơ sở rằng Mỹ sẽ tham chiến bằng mọi cách và Mỹ sẽ bất ngờ khi nhận lãnh một cuộc tấn công đầu tiên. Ngoài ra, Trung Quốc không thể trở thành số một trên trái đất cho đến khi đã đánh bại được Mỹ. Vì vậy, niềm tự hào của Trung Quốc (đánh bại Mỹ) sẽ là một phần của cuộc chiến.

Nếu Trung Quốc chiếm quần đảo Senkaku, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn một chút để đoạt được quần đảo Yaeyama cùng lúc. Một phần của khâu chuẩn bị cho hoạt động này là việc Trung Quốc xây dựng căn cứ không quân Shuimen trên một sườn núi, và gần đây là xây một căn cứ cho trực thăng ở đảo Nanji. Trung Quốc còn thường cho tàu đánh cá xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.


Tàu chỉ huy của Hạm đội 7, chiếc USS Blue Ridge đang tuần tra trên Biển Đông ngày 11.3.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc có khả năng bắt đầu cuộc chiến tranh với trực thăng đổ quân nhanh chóng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Yaeyama, theo sau là các nhóm tàu Bảo vệ bờ biển và tàu thương mại để pha loãng mục tiêu là các tàu hải quân trong số đó. Họ cũng có thể sử dụng tàu đánh cá để đổ bộ lực lượng đặc nhiệm ở phía đông quần đảo Osagawa. Những binh sĩ hy sinh này sẽ được sử dụng để làm giãn sự phản công chính của Nhật Bản. Đó là lý do Trung Quốc thường xuyên sử dụng các tàu đánh cá xâm nhập vùng biển gần Osagawa.

Trung Quốc cũng sẽ tấn công các căn cứ Mỹ và Nhật Bản bằng tên lửa đạn đạo tầm trung - tất cả mọi thứ nhằm loại Nhật Bản ra khỏi cuộc chiến và làm cho cuộc tấn công của Trung Quốc có vẻ áp đảo.

Tuy nhiên thủy quân lục chiến Mỹ tin rằng họ có thể chiếm lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một khi đảm bảo kiểm soát được các vùng biển và vùng trời. Lực lượng của Nhật Bản và Mỹ sẽ không mong muốn đặt chân vào lãnh thổ Trung Quốc. Sau cuộc tấn công ban đầu của Trung Quốc, chiến dịch của Mỹ - Nhật sẽ chuyển sang phong tỏa tuyến vận chuyển  hàng hải đến Trung Quốc ở khu vực vượt ngoài tầm với của máy bay Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ không thiếu hụt dầu vì đang xây kho dự trữ dầu mỏ lớn và có thể dễ dàng cắt giảm tiêu thụ xuống bằng mức sản xuất trong nước là 4 triệu thùng dầu/ngày. Nhưng 26% của nền kinh tế Trung Quốc là liên quan đến xuất khẩu, do đó hoạt động kinh tế của nước này sẽ sụp đổ. Hiệu quả của sự phong tỏa này đối với phần còn lại của thế giới sẽ là sự thúc đẩy lớn cho hoạt động kinh tế, khi các công ty khác sẽ cố gắng hơn để bù vào việc mất nguồn cung cấp từ Trung Quốc.


Tên lửa bờ biển Bastion của Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ - Ảnh: Quế Hà

Ở Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố áp đặt một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và sẽ thực thi hành động qua việc sử dụng căn cứ không quân đang xây dựng trên Đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng có thể cố gắng đánh chiếm các căn cứ của các nước khác ở quần đảo Trường Sa, hoặc đánh chìm tàu của các nước này và phong tỏa các đảo do các nước khác đóng giữ.

Vấn đề đối với Trung Quốc là Biển Đông chính là khu vực tử địa tự nhiên đối với tàu bè Trung Quốc. Về phía tây Biển Đông, Việt Nam đã nâng cấp hệ thống radar (với sự hỗ trợ từ công ty Thales của Pháp ) và có khoảng 500 tên lửa diệt hạm. Không quân Singapore cũng có khả năng hỗ trợ Việt Nam với 36 chiếc F-15 bố trí ở Cam Ranh.

Ở phía đông Biển Đông, Mỹ có nhiều cơ hội tấn công từ các căn cứ ở Philippines. Một khi sân bay trên Đá Chữ Thập bị hạ, tàu thuyền Trung Quốc sẽ phải dựa vào sự bảo vệ của không quân từ các căn cứ cách đó 1.000 km về phía tây bắc. Cuối cùng, hệ thống phòng không của Trung Quốc sẽ bị triệt hạ và các tàu của Trung Quốc sẽ mất đi sự bảo vệ. Sau đó các căn cứ mà Trung Quốc đã xây dựng sẽ bị bắn phá và họ sẽ mất tất cả. Thủy quân lục chiến Mỹ hiện có một căn cứ ở Oyster Bay, phía tây đảo Palawan ở Philippines là để chuẩn bị cho cuộc chiến này.

Nếu Trung Quốc vẫn còn hung hăng, Mỹ có thể tiếp tục đánh chiếm đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng). Việc này sẽ gây khó khăn hơn rất nhiều cho Trung Quốc vì đảo Phú Lâm chỉ cách đảo Hải Nam khoảng 300 km và không xa nội địa Trung Quốc.


Trung Quốc đã ồ ạt cải tạo đất, biến Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo, có cả đường băng dài 3 km, nhằm biến nơi đây thành "tàu sân bay trên cạn". Trong ảnh là việc xây cất đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập vào cuối năm 2014 - Ảnh: CSIS/Jane’s

Còn nếu bạn không thích ý tưởng về việc Mỹ tham gia vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, thì hãy ngừng mua bất cứ thứ gì làm tại Trung Quốc. Mỹ chiếm 17% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc và nếu mất thị trường Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm còn khoảng 4,5%, đủ gây ra những xáo trộn xã hội nghiêm trọng, theo tác giả David Archibald.

Anh Sơn

>> Reuters: Quân y Nhật hỗ trợ lính tàu ngầm Việt Nam
>> Pháo binh Việt Nam đặt mua loại UAV Orbiter 3 của Israel
>> Tư lệnh Hải quân Việt Nam thăm tàu sân bay George Washington
>> Tình báo Mỹ lo ngại các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa
>> Mỹ có thể diệt ‘tàu sân bay trên đảo’ của Trung Quốc ở Trường Sa
>> Ảnh vệ tinh mới nhất về đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa
>> Mỹ bố trí 29 tàu chiến giám sát Trung Quốc ở Biển Đông ?
>> Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là để đối phó với Mỹ ?
>> Cách thức Trung Quốc đánh cắp Biển Đông làm của riêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.