Triệt phá kho thuốc giả dùng điều trị bệnh trĩ bán trên Shopee, Facebook

15/02/2023 18:49 GMT+7

Lực lượng quản lý thị trường và Công an Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá kho thuốc giả dùng để điều trị bệnh trĩ dán nhãn MR.DAFLON có tổng trị giá trên 381,7 triệu đồng. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự.

Ngày 15.2, Đội Quản lý thị tường số 1 và số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệt phá thành công cơ sở kinh doanh thuốc giả, không có nguồn gốc xuất xứ.

 Cơ sở kinh doanh này có địa chỉ tại số nhà 11, ngách 2, ngõ 12 phố Trần Cung (Q.Bắc Từ Liêm), do bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ.

Hà Nội: Triệt phá kho thuốc giả dùng điều trị bệnh trĩ bán trên Shopee, Facbook - Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường xác định bà Hiền sử dụng sàn thương mại điện tử Shopee và mạng xã hội Facebook để kinh doanh thuốc giả

LƯU QUYÊN

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này có 2.020 tuýp thuốc dán nhãn hiệu MR.DAFLON, nhưng chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.

Trên thị trường, MR.DAFLON là loại thuốc chuyên dùng điều trị bệnh trĩ của hãng Biofarma (Pháp), đã được đăng ký bảo hộ. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường xác định, toàn bộ lô hàng tại cơ sở kinh doanh của bà Hiền đều là thuốc giả.

Cơ quan chức năng cũng phát hiện bà Hiền đã sử dụng mạng xã hội Facebook và sàn thương mại điện tử Shopee để bán thuốc giả dùng trong điều trị bệnh trĩ. Theo giá bán trên Shopee, mỗi tuýp thuốc giá 189.000 đồng, tổng lô hàng vi phạm có giá trị trên 381,7 triệu đồng.

Bà Hiền bước đầu khai nhận mua trôi nổi trên thị trường toàn bộ số thuốc này để kinh doanh qua Facebook, Shopee nên không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa. Cơ sở này chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Triệt phá kho thuốc giả dùng điều trị bệnh trĩ bán trên Shopee, Facbook - Ảnh 2.

Sản phẩm thuốc trĩ giả mạo thương hiệu MR.DAFLON thu giữ tại cơ sở kinh doanh của bà Hiền

LƯU QUYÊN

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết đây là vụ việc điển hình trong lợi dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội kinh doanh thuốc giả mạo nhãn hiệu; thuốc không có số đăng ký lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; người kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, không có đăng ký kinh doanh…

Cũng theo ông Nghĩa, theo quy định của điểm đ khoản 1 Điều 190 và khoản 1 Điều 226 của bộ luật Hình sự, vụ việc này có dấu hiệu tội phạm hình sự và đang được các cơ quan chức năng điều tra để hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.