Trẻ mầm non trên thế giới có phải học trước chương trình lớp 1?

12/05/2023 11:17 GMT+7

Khung chương trình giáo dục mầm non (3-6 tuổi) trên thế giới nhìn chung được thiết kế giống nhau, tập trung vào phát triển kỹ năng sống, làm quen con số, mặt chữ. Tuy nhiên, trẻ mầm non ở các nước châu Á như Trung Quốc chịu nhiều áp lực, học trước chương trình lớp 1.

Giáo dục mầm non phân chia theo độ tuổi và giai đoạn 5-6 tuổi thường được gọi là "tiền tiểu học" (ở Việt Nam là lớp Lá). Trong giai đoạn này, khung chương trình từ các nước phương Tây cho đến phương Đông có một đặc điểm chung là phát triển "khả năng sẵn sàng đi học".

Khác với những nước phương Tây, trẻ mầm non châu Á như ở Việt Nam và Trung Quốc phải đối mặt nhiều áp lực, nhất là phải học trước chương trình lớp 1. Các chuyên gia và giáo viên cho rằng áp lực đó xuất phát từ yêu cầu của khung chương trình lớp 1, khiến phụ huynh không còn lựa chọn nào khác, phải cho con đi học thêm.

Phụ huynh Trung Quốc gây áp lực cho con

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc nhiều lần thay đổi chính sách, liên tục cập nhật các quy định, nhấn mạnh giáo dục mầm non chỉ tập trung phát triển kỹ năng, học thông qua chơi, kích thích sự sáng tạo, khám phá, không gây áp lực về mặt kiến thức cho trẻ. Tuy nhiên, sau giờ học ở trường mầm non, không ít phụ huynh Trung Quốc cho con đi học thêm nhiều thứ từ ngoại ngữ, đàn, vẽ cho đến học viết chữ, học trước chương trình lớp 1.

Trẻ mầm non trên thế giới có phải học trước chương trình lớp 1? - Ảnh 1.

Học sinh Trung Quốc trong một lớp học thêm ngoại ngữ ở TP.Thượng Hải

REUTERS

Theo quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc, giáo viên mầm non không được phép dạy trước kiến thức lớp 1 nhưng vẫn có các bậc cha mẹ đến nhờ dạy thêm hoặc dạy kèm. "Phụ huynh thường khó chịu vì quy định này. Giáo viên mầm non không được phép dạy bất kỳ kiến thức nào ở bậc tiểu học như viết chữ và làm toán. Tuy nhiên, chương trình lớp 1 lại yêu cầu học sinh cần có kiến thức và kỹ năng này. Thế là cha mẹ phải cho con đi học thêm, đồng thời tự dạy thêm ở nhà", cô giáo đề nghị không nêu tên của một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.Thượng Hải (Trung Quốc) nói với tạp chí Foreign Policy.

Một nghiên cứu của ĐH Sư phạm Bắc Kinh công bố trên tạp chí quốc tế về sức khỏe cộng đồng IJERPH năm 2022 chỉ ra rằng phụ huynh lẫn học sinh phải chịu đựng áp lực lớn nhất về mặt tâm lý trong giai đoạn chuyển tiếp từ trường mầm non lên tiểu học.

Tờ China Daily năm 2019 dẫn lại khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quốc gia về trẻ em cho thấy hơn 60% trẻ em Trung Quốc (từ 3-15 tuổi) đi học thêm sau giờ học chính khóa. Trước thực trạng đó, chính phủ Trung Quốc năm 2021 ban hành lệnh cấm dạy thêm, nhưng nhu cầu phụ huynh cho con em học thêm từ bậc mầm non không hề giảm, theo China Daily. Gia sư vẫn "dạy chui" và trung tâm dạy thêm "lách luật" bằng cách mở lớp kỹ năng sống. Tờ Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc) đưa tin, vào đầu năm 2022, ít nhất 2 trung tâm kỹ năng sống ở thủ đô Bắc Kinh bị phạt hành chính, buộc phải ngừng hoạt động vì tổ chức "dạy thêm lén" cho trẻ mầm non.

Do đó, chuyên gia giáo dục Linyuan Guo-Brennan, từng làm việc tại Bộ Giáo dục Trung Quốc trước khi sang định cư Canada, kiến nghị điều chỉnh khung chương trình để tạo sự kết nối nhịp nhàng giữa giai đoạn tiền tiểu học và lớp 1. Bà Linyuan nói: "Ở trường mầm non Trung Quốc, giáo viên không được phép dạy đọc viết hay làm toán mà phải dành nhiều thời gian hơn cho phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc. Tuy nhiên, bước vào lớp 1, học sinh phải đối mặt với áp lực học tập".

Trẻ mầm non trên thế giới có phải học trước chương trình lớp 1? - Ảnh 2.

Phụ huynh lẫn học sinh phải chịu đựng áp lực lớn nhất về mặt tâm lý trong giai đoạn chuyển tiếp từ trường mầm non lên tiểu học

REUTERS

Trẻ em ở Úc học nhẹ nhàng từ mầm non đến bậc tiểu học

Ở các nước phương Tây như Úc, môi trường mầm non được thiết kế dựa trên nhiều hoạt động vui chơi để chuẩn bị cho trẻ chuyển tiếp sang trường tiểu học. Ở trường mầm non, trẻ em học các kỹ năng xã hội và cảm xúc cơ bản, chẳng hạn như chia sẻ...

Dù trẻ mầm non ở Úc không bị buộc phải có "trình độ học vấn" hay "khả năng sẵn sàng đi học" nhất định trước khi vào lớp 1 như các nước châu Á, nhưng vẫn được khuyến khích có sự hiểu biết cơ bản về bảng chữ cái và các con số. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều kiện tiên quyết để vào trường tiểu học.

"Trong giai đoạn chuyển tiếp lên lớp 1, vợ chồng tôi không chút lo lắng, không cần phải cho con học trước chương trình lớp 1. Vào lớp 1, con mới học viết chữ, đa số ghép từ đơn giản, nhớ quy luật nguyên âm, phụ âm, không phải rèn chữ, viết một từ nhiều dòng trong vở", chị Thanh Nguyen, một người Úc gốc Việt có con đang học lớp 2 ở thủ đô Canberra (Úc), chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên.

Đến lớp 2, con của chị Thanh Nguyen thậm chí còn viết và đọc sai nhiều từ. "Học sinh tiểu học được đánh giá theo tỷ lệ phần trăm trong quá trình học, không dựa vào điểm số. Chẳng hạn, nếu môn tiếng Anh dưới 50%, giáo viên đặt lịch hẹn gặp riêng phụ huynh để trao đổi nhằm giúp con cải thiện. Giáo viên hướng dẫn phụ huynh cho con đọc thêm những mẫu câu, đoạn văn ngắn ở nhà, không phải đi học thêm", chị Thanh Nguyen chia sẻ.

Điều này phần nào cho thấy sự thống nhất về khung chương trình giữa bậc mầm non và tiểu học giúp học sinh không bị sốc hay chịu áp lực trong giai đoạn chuyển tiếp, tránh tình trạng học trước chương trình lớp 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.