Trái tim tỏa nắng

Trần Đức Sơn
(Quảng Ngãi)
16/09/2023 06:43 GMT+7

Sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc đời mà con người luôn dành cho nhau xuất phát từ lòng yêu thương và chân thành. Yêu thương là cội nguồn của sự gắn kết và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, được duy trì, gìn giữ từ bao đời nay.

Nói đến yêu thương, chúng ta không nên phân biệt thân quen hay xa lạ, một khi điều ấy xuất phát từ trái tim, từ sự đồng cảm, chở che. Từ khi lật trang sách đầu tiên, hẳn ai cũng thấy được những câu tục ngữ, những lời ca dao chứa chan tình cảm yêu thương, nồng ấm: "Lá lành đùm lá rách", "Bầu ơi thương lấy bí cùng..." hay "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"...

Trái tim tỏa nắng - Ảnh 1.

Thầy giáo Bùi Anh Hy

Nhân vật cung cấp

Thật vậy, giữa bộn bề cuộc sống, con người ta luôn nghĩ về bản thân khi sự mưu sinh và kiếm tìm hạnh phúc đã ngốn hết thời gian và công sức, khiến họ không để tâm đến những điều xung quanh, những mảnh đời bất hạnh. Điều ấy cũng rất tự nhiên, không có gì đáng trách. Nhưng rồi giữa dòng chảy bất tận của cuộc đời, chúng ta đã nhận ra và bắt gặp những con người mang trái tim thiện lành, nồng ấm để lan tỏa yêu thương đến những số phận thua thiệt. Một trong những người ấy là thầy giáo Bùi Anh Hy của Trường THPT Thu Xà (xã Nghĩa Hòa, H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục thì nhiều năm qua thầy đã gửi trọn yêu thương cho người dân và học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương mình.

SẺ CHIA TỪNG MẢNH ĐỜI THUA THIỆT

Tôi và anh là đồng nghiệp, gặp nhau qua những lần chấm thi, bồi dưỡng chuyên môn. Tính anh hiền, điềm đạm nhưng lại hay cười. Đặc biệt, đôi mắt của anh sâu thẳm, chất chứa điều gì đấy khiến người đối diện tò mò, muốn biết.

Một hôm, tôi hẹn anh cà phê. Trong quán nhỏ ven con sông Trà, sau mấy lời thăm hỏi và tâm sự về chuyên môn, về trường lớp là chuyện về những mảnh đời khó khăn anh từng kết nối, hỗ trợ. Trong nhiều năm gặp gỡ và trao yêu thương, anh không thể đếm xuể bao nhiều hoàn cảnh mình đã giúp đỡ. Anh kể lại, như cái duyên lành được sắp đặt, rất tình cờ, lướt Facebook anh thấy tài khoản người bạn kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ một trường hợp thương tâm. Thật bất ngờ, bài chia sẻ của anh được người thân, bạn bè, học sinh cũ ủng hộ, khích lệ. Nhiều bình luận tích cực, nhiều lượt chia sẻ mong được lan tỏa nghĩa cử cao đẹp này. Thế là anh bắt đầu "dấn thân" vào hành trình kết nối yêu thương.

Anh đã không giấu được sự xúc động khi kể lại chuyện mới xảy ra, lúc đấy đã khuya, anh vừa xếp lại trang giáo án chuẩn bị cho năm học mới thì bỗng nghe tiếng gọi nghèn nghẹn kèm theo sau là tiếng thở dài đầy nỗi niềm: "Thầy ơi !Giúp em với...". Anh im lặng để nghe trọn câu chuyện của em Võ Thị Hồng Anh, lớp 12C1 Trường THPT Thu Xà. Nhà em thuộc hộ nghèo. Bốn mẹ con tá túc nhà ông bà ngoại. Ba em đi làm thuê tận Gia Lai, mẹ lại không có việc làm ổn định. Bù lại, ba năm cấp 3 em đều là học sinh giỏi. Em từng đoạt giải nhì cấp tỉnh môn ngữ văn lớp 12. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, điểm ba môn xét tuyển của em lần lượt là: văn 9,5, toán 8,4, tiếng Anh 8,4.

Nhưng như bao hoàn cảnh khó khăn khác, giấc mơ giảng đường đại học có nguy cơ đóng sầm trước mắt nên em đã cầu cứu thầy Hy. Và dĩ nhiên, bằng những dòng chữ đầy nỗi niềm sẻ chia của anh trên Facebook, phép màu đã đến với cô học trò ấy, cánh cửa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được mở ra để đón em.

Em Trần Thị Trang cùng lớp 12C1 với Hồng Anh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gia đình thuộc hộ cận nghèo, mẹ em mất từ khi em vào lớp 1. Mấy năm sau, ba đi thêm bước nữa bỏ lại ba chị em cho ông bà nội. Mấy anh em lớn lên bằng những đồng tiền mà hằng ngày bà nội gói bánh chưng thuê cho người ta. Ba năm cấp 3 anh đã giúp đỡ em Trang trọn vẹn. Đáp lại công ơn của thầy giáo, em là học sinh giỏi 3 năm liền và điểm thi tốt nghiệp khá cao: toán 8,2, văn 8,25, lý 8,25, tiếng Anh 8,4. Thế nhưng tiền đâu em đi học? Con đường vào giảng đường đại học của em gập ghềnh và lắm gian nan. Anh nhìn những chiếc lá thu rơi xào xạc, nhìn con đường trôi trong vắng lặng mà lòng nhói đau. Và anh đã thực hiện thao tác như bao lần trước. Trang Facebook được mở ra, yêu thương dâng đầy. Anh thầm gọi, trong niềm xúc động: "Chờ thầy em nhé! Hy vọng cánh cửa trường đại học sẽ đón em cũng như ba năm học cấp ba thầy đã cưu mang em để em trưởng thành".

Không chỉ dành sự sẻ chia cho những học sinh nghèo, hiếu học, anh Hy còn để trái tim mình tỏa nắng tình người sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh như bà Ngô Thị Mạnh, 81 tuổi, hơn mười năm nay sống quạnh hiu trong căn nhà cũ, với đôi mắt mù lòa, dù bà nương tựa cùng vợ chồng con trai. Nhưng họ cũng nghèo, con dâu thì bệnh hiểm nghèo cứ ba tháng tái khám một lần nên hoàn cảnh càng thêm khốn khó. Chị Đặng Thị Thanh Dung, 38 tuổi, tính tình khờ khạo bị lừa mang thai, sinh hai đứa con thì một đứa bị tật nguyền ở thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà. Bà Trần Thị Thanh Vân, 76 tuổi và đứa con trai Nguyễn Thanh Tuấn, 37 tuổi, ở thôn La Châu, xã Nghĩa Trung, H.Tư Nghĩa. Bà Vân quá lứa, kiếm đứa con để nương tựa tuổi già. Nhưng oái ăm là đứa con trai bị mắc hội chứng Down làm giấc mơ mong đợi của bà lâu nay hoàn toàn tan vỡ...

MIỄN SAO NHẬN ĐƯỢC NỤ CƯỜI

Quan niệm thật giản đơn nhưng vô cùng nhân văn. Bởi lâu nay việc làm thiện nguyện rất khó hài lòng nhiều người. Việc khảo sát đối tượng, việc công khai, minh bạch tài chính... Hơn hết là sự cân bằng giữa việc chăm lo gia đình, việc giảng dạy ở trường. Nhưng may mắn, anh được vợ đồng thuận, giúp đỡ để chồng yên tâm làm việc nghĩa. Tiếng lành đồn xa, người thầy tận tụy với học trò, chuyên tâm với công việc giảng dạy và người đàn ông chẳng ngại đường xa, mưa nắng, rong ruổi khắp nơi tìm hiểu, sẻ chia những hoàn cảnh khó khăn đã trở thành hình ảnh quen thuộc, gần gũi với mọi người.

Chị Nguyễn Thị Bích Liên ở xã Nghĩa Hòa khi trả lời phỏng vấn báo chí đã không ngần ngại "Thầy Hy là ông bụt". Chị ở Đồng Nai, gá nghĩa với người đàn ông quê Quảng Ngãi và về sống gần chục năm. Khi chồng chết, chị phải lên chùa Ông ăn xin và kiếm kế sinh nhai bằng việc nhặt ve chai. Anh Hy biết chuyện, tìm hiểu làm nhà vệ sinh, mua vật dụng, mỗi tháng hỗ trợ 1 triệu đồng và 2 thùng sữa. Anh bảo ấn tượng với người mẹ khờ này là bởi "chị thương con, luôn nhịn đói để dành tiền cho con ăn học".

Anh Hy đã sưởi ấm, đã vực dậy nhiều hoàn cảnh, giúp họ tự tin nở nụ cười trên môi và luôn nghĩ về điều tích cực trong cuộc sống.

TỰ HÀO VỀ HÀNH ĐỘNG ĐỂ LAN TỎA YÊU THƯƠNG

Đến nay, tên tuổi thầy Bùi Anh Hy đã lan rộng khắp tỉnh. Nhiều bài báo viết về anh. Anh được đồng nghiệp nể trọng và học sinh tin yêu. Anh còn là giáo viên phụ trách mảng tư vấn tâm lý học đường. Chính điều này giúp anh thêm thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc. Nói về anh, Hiệu trưởng Trần Thanh An không tiếc lời khen ngợi và tự hào. Cô giáo Trần Thị Thanh Trà, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hòa, phụ họa thêm: "Không có từ ngữ nào để nói hết về thầy Hy. Tôi là đồng nghiệp của thầy 20 năm, thầy luôn tận tâm giúp đỡ từng học sinh nghèo, bà con khó khăn. Uy tín của thầy rất lớn".

Chia tay anh, tôi trở về trên con đường quen thuộc. Trời chiều ngả bóng, những sợi nắng còn buông óng ả, vàng mơ. Tôi cảm giác yêu hơn màu nắng ấy, bởi hơi ấm bất chợt thấm sâu vào lòng để trái tim thêm nồng nàn, để mọi người xích lại gần hơn bởi những yêu thương. 

Trái tim tỏa nắng - Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.