Trai Bến Cầu

14/09/2023 15:00 GMT+7

Hôm ấy, anh dắt tôi vào phòng truyền thống lịch sử Lợi Thuận, chỉ một tấm ảnh phóng to treo trên tường: "Em có nhận ra anh không?". Tấm ảnh chụp 9 chiến sĩ trẻ, thuộc đơn vị vũ trang Bến Cầu năm 1969.

Hơn 50 năm trôi qua, chắc giờ họ thay đổi nhiều, làm sao tôi nhận ra được một chiến sĩ Lý Hồng Công năm 24 tuổi và một cựu Ðại úy Hai Công năm 78 tuổi. Anh chỉ vô tấm ảnh. "Anh nè! Ðứng ngoài cùng bên phải hàng sau đó". "Dạ! Nhìn cái miệng thấy giống giống anh Hai!". Anh chợt buồn: "Chín thằng hồi đó, giờ còn có hai "ngoe" là anh với Bảy Treo nè. Còn đi hết rồi!". Ðại đội trưởng Bảy Treo là người mang súng ngắn đứng ngay hàng đầu, hồi đó là một chàng trai trẻ đẹp, oai phong, giờ cũng già lụm cụm.

Trai Bến Cầu - Ảnh 2.

Anh Lý Hồng Công tại phòng truyền thống lịch sử văn hóa Lợi Thuận

TGCC

Hình như mắt anh đỏ hoe, khi nhìn lại những đồng đội cũ. Anh cảm ơn người chụp tấm ảnh này đã lưu giữ được và nay tặng cho phòng truyền thống của khu di tích. Lần theo từng khuôn mặt, ngón tay thô ráp vì lao động của anh như chạm vào ký ức của năm tháng chiến tranh, anh nhắc lại mỗi cái tên thân quen. "Ðây là thằng Sấu nè. Thằng Chảnh, thằng Vũ, thằng Khánh nè. Thằng Chẩm, thằng Ðáng nè… Thằng Vũ hy sinh tội lắm! Nó ôm M79 xâm nhập ấp chiến lược, ra khỏi hàng rào rồi còn bị lộ. Lính bắn Vũ bị thương, sau tụi Mỹ bắt mang đi rồi chết trong khám".

Những năm tháng trằn mình đánh giặc, các anh từ lúc nằm hầm, ẩn mình trong địa đạo, tìm cơ hội tiêu diệt sinh lực địch hoặc gồng mình chịu bom pháo khi chống càn, đến lúc thành lập lực lượng vũ trang địa phương, công khai chiến đấu, bảo vệ quê hương. Chín chiến sĩ trong tấm ảnh đó, đều là thương binh, liệt sĩ. Ðơn vị mỗi năm mỗi bổ sung, những khuôn mặt thanh niên trẻ trung, yêu đời và yêu cách mạng. Hai Công sau này là Ðại đội phó đơn vị pháo binh, nhiều lớp chiến sĩ được anh huấn luyện, sát cánh cùng đánh giặc. Chưa khuôn mặt nào anh dám quên trong những năm tháng hòa bình. Anh em chiến sĩ đa số là người địa phương nên cán bộ dễ nắm bắt, quản lý.

Cuốn sổ tay chiến đấu mà anh Hai Công có ý định tặng cho nhà truyền thống, tôi đã được xem. Những cái tên thoáng qua đầy ám ảnh" "Trần Văn Trụ, sinh năm 1952, ấp Rừng Dầu, Tiên Thuận. Xạ thủ số 1 cối 82 ly. Hy sinh 2 giờ chiều ngày 26 tháng 7 năm 1970. Chôn cất tại rừng Long Khánh"; "Trần Văn Ngao (Hoàng) sinh năm 1952, ấp Thuận Chánh - Lợi Thuận. Chuyển lên Tiểu đoàn 14 được một tuần thì hy sinh". Có những liệt sĩ ra đi còn rất trẻ, như chiến sĩ Hồ Văn Bo, sinh năm 1953, quê xã Lợi Thuận, nhập ngũ tháng 3 năm 1968, hy sinh năm 1970.

Anh Hai Công nhờ tôi chụp cho một pô ảnh cùng tấm ảnh cũ của đồng đội. "Anh em liệt sĩ còn trẻ trung cho tới bây giờ. Chỉ có những người như anh và Bảy Treo là đang già đi, sắp về với ông bà. Nhưng mà mình còn được hưởng hơn 50 năm hòa bình, được tận mắt nhìn thấy sự đổi thay đến không ngờ của quê hương. Cho nên phải luôn ghi nhớ xương máu đồng đội đã đổ xuống", anh nói.

Rồi anh bất ngờ đề nghị: "Em có thể in lại cho anh và Bảy Treo hai tấm hình như vầy hông? Hết bao nhiêu tiền anh cũng chịu hết. Anh muốn lưu lại tấm hình cho con cháu sau này nó biết, hồi trẻ ba, ông nó cũng… đẹp trai chứ bộ".

Vụ này dễ ợt. Tôi dám nhận với anh. Chỉ cần chụp lại tấm ảnh cũ, đem vô tiệm nhờ họ chỉnh sửa lại chút xíu rồi in ra tiếp là ổn. Nhưng nói là vậy, mà sau khi ra Bắc 3 tháng, tôi mới có điều kiện làm giúp anh. Hai tấm ảnh chụp lại, chỉ phóng được cỡ CP2 thôi, chứ phóng to hơn ảnh bị rạn nổ, nhìn không rõ. Chưa kịp về Tây Ninh, tôi gửi qua bưu điện ngay cho anh Hai Công vì thấy anh nôn quá. Trong sâu thẳm suy nghĩ, biết đâu anh muốn có được tấm ảnh này càng sớm càng tốt. "Hai tấm ảnh in lại, hết có mấy chục ngàn. Em tặng anh Hai và anh Bảy", tôi nói.

Một lần ghé thăm anh Hai Công tại nhà riêng tại thị trấn Bến Cầu, anh mừng quá, làm cơm rượu đãi khách, còn điện thoại kêu mấy em cháu công tác tại địa phương tới vui chung. Anh hồ hởi giới thiệu "thằng em Bắc Kỳ yêu quý của tao", rồi khoe ra tấm ảnh tôi làm tặng. Ông bí thư chi bộ ấp chỉ qua bên kia hàng rào nhà anh Hai Công, nói với tôi: "Đó là trường Tiểu học Lợi Thuận!". Đám học sinh đùa giỡn, chạy mù trời trong sân trường, thi thoảng có đứa ghé qua cái tiệm tạp hóa nhỏ xíu, kêu: "Bà Hai ơi! Bán cho con cây viết chì!". Ông bí thư chi bộ nói tiếp: "Trường học, nhờ ổng hiến cho hơn một ngàn mét vuông đất mới được khang trang vậy đó". Hỏi Hai Công, anh cười hê hê: "Có gì đâu em! Mình đi đánh giặc là để có hôm nay. Tao thấy tụi nhỏ có lớp học là sướng rồi. Chỉ xin nhà trường cho bà lão mở cái tiệm nhỏ kế bên, bán hàng cho vui, cũng để kiếm mấy đồng ăn trầu".

Đã lâu tôi không về Bến Cầu, cứ nhớ mãi mỗi lần tới chơi là anh Hai Công lội xuống ao bắt bằng được một con cá bự chà bá cho tôi mang về. Những ngày đầu tháng bảy này, trời nóng nực vô cùng. Gọi điện hỏi thăm, anh nói đang điều trị bệnh ở Củ Chi. "Nay thấy trong người cũng không được khỏe em ơi! Anh vẫn chừa cho em mấy con cá trê bự lắm. Nhớ về thăm Lợi Thuận và lấy cá. Bọn anh cũng rất nhớ em!".

Tôi lại mường tượng ra con đường từ quốc lộ 22B đoạn xã Cẩm Giang qua cầu Bến Ðình, sang Bến Cầu. Con đường ngày nào còn lầy bụi nay đã trải nhựa láng o, không còn phải qua phà nữa, nhưng thời gian thì khắc nghiệt vô cùng. Nỗi chờ mong ngày gặp mặt thôi thúc trong lòng tôi hướng về người cựu chiến binh vui tính Lý Hồng Công, ở thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Trai Bến Cầu - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.