TP.HCM trình Thủ tướng xem xét đề án xây dựng cảng Cần Giờ

23/08/2023 18:51 GMT+7

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến khai thác từ năm 2027, tạo ra hàng ngàn việc làm và đóng góp cho ngân sách TP.HCM lên tới 40.000 tỉ đồng/năm khi đầu tư hoàn chỉnh.

Ngày 23.8, UBND TP.HCM trình Thủ tướng xem xét tờ trình về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ). Khu vực dự kiến xây cảng Cần Giờ tại cù lao Con Chó (xã Thạnh An, H.Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép – Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.

TP.HCM đánh giá vị trí này có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc. Hiện hàng hóa tại các khu vực trên chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia. Nếu hàng hóa trung chuyển tại Cần Giờ thì cự ly vận chuyển giảm khoảng 30-70% so với đến Singapore.

TP.HCM trình Thủ tướng xem xét đề án xây dựng cảng Cần Giờ - Ảnh 1.

Việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ dự kiến mang lại hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm cho ngân sách TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Thống kê sản lượng hàng container trung chuyển quốc tế thông qua các cảng khu vực Đông Nam Á năm 2021 khoảng 53,8 triệu Teu. Tờ trình của UBND TP.HCM cũng nêu dự báo đến năm 2030, nhu cầu trung chuyển container toàn cầu khoảng 338 triệu Teu, đến năm 2040 khoảng 417 triệu Teu, khu vực Đông Nam Á chiếm lần lượt là 84,6 triệu Teu và 104,3 triệu Teu.

Thời gian qua, hãng tàu MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn hợp tác đầu tư tại cảng Cần Giờ. Doanh nghiệp này cũng đang phối hợp Công ty CP Cảng Sài Gòn nghiên cứu đầu tư.

UBND TP.HCM đánh giá khi có hãng tàu lớn như MSC tham gia sẽ bảo đảm hàng hóa cho cảng từ nguồn hàng hiện có của hãng tàu, và là thời cơ thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.

Kỳ vọng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang về 40.000 tỉ đồng/năm

Có thể khai thác từ năm 2027

Dự án cảng Cần Giờ dự kiến có tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km và bến sà lan dài 2 km. Tổng diện tích xây dựng khoảng 571 ha, cảng có khả năng khai thác siêu tàu container, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà lan 8.000 tấn. Việc đầu tư cảng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có thể khai thác từ năm 2027, và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính.

Cảng Cần Giờ sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, người lao động làm việc tại cảng, đóng góp trực tiếp cho ngân sách khoảng 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm khi đầu tư hoàn chỉnh.

TP.HCM trình Thủ tướng xem xét đề án xây dựng cảng Cần Giờ - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác khảo sát khu vực dự kiến làm cảng Cần Giờ hồi giữa tháng 7.2023

VGP

Ngoài khu cảng, TP.HCM cũng đầu tư các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác cảng như khu nhà ở cán bộ, người lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 68 ha. Khu nhà làm việc cơ quan nhà nước về cảng biển như cảng vụ hàng hải, hải quan, biên phòng cửa khẩu và cơ quan kiểm tra chuyên ngành rộng khoảng 4 ha. Ngoài ra còn có trung tâm đào tạo chuyên ngành hàng hải, trung tâm dịch vụ tư vấn hàng hải quy mô khoảng 10 ha.

Hiện hạ tầng giao thông kết nối từ trung tâm TP.HCM về Cần Giờ chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy, đề án cũng lên danh sách nhiều công trình cầu, đường phải đầu tư để nâng cao hiệu quả khai thác.

Cụ thể, từ nay đến năm 2030 sẽ làm cầu Cần Giờ nối H.Nhà Bè với H.Cần Giờ, xây dựng nút giao thông Rừng Sác với cao tốc Bến Lức – Long Thành, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.

Sau năm 2030, TP.HCM tiếp tục làm đường kết nối từ vị trí xây cảng với đường Rừng Sác, làm đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, nghiên cứu hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại H.Nhà Bè.

Về nguồn vốn, việc đầu tư cảng, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhà nước tự bỏ kinh phí hoặc huy động vốn hợp tác công tư để làm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng.

Điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược

Tờ trình của UBND TP.HCM cũng xác định một số tiêu chí yêu cầu đối với nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng cảng. Trong đó, nhà đầu tư phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng trở lên và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỉ trở lên.

Nhà đầu tư cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; không được chuyển nhượng dự án trong thời gian đầu tư, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề...

TP.HCM trình Thủ tướng xem xét đề án xây dựng cảng Cần Giờ - Ảnh 3.

Khu vực đề xuất xây cảng nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ

NGUYÊN VŨ

Qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, UBND TP.HCM nhận thấy khu vực đề xuất xây cảng nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của khu dự trữ.

Dù vậy, việc đầu tư cảng Cần Giờ dự báo sẽ tác động đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn; phát sinh chất thải, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn lợi thủy hải sản…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.