Tìm giải pháp thu hút giáo viên tiểu học ở TP.HCM

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/02/2023 07:27 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức các buổi làm việc lấy ý kiến, xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học tại TP.HCM trước thực trạng thiếu nhiều giáo viên và trong khi lại tăng giáo viên nghỉ việc.

TUYỂN GIÁO VIÊN CHỈ ĐẠT GẦN 10% SO VỚI NHU CẦU

Buổi lấy ý kiến đầu tiên cho đề án diễn ra hôm 7.2 do Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam chủ trì. Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, dẫn ra báo cáo sơ bộ, cho thấy chỉ tính riêng trong năm học 2022 - 2023, TP đã thiếu 1.758 phòng học và 3.643 giáo viên (GV) tiểu học.

Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 GV rời khỏi ngành giáo dục (do ảnh hưởng dịch bệnh, đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ việc). Song việc tuyển GV gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là GV mỹ thuật, tin học và tổng phụ trách hằng năm (tuyển dụng được chỉ đạt xấp xỉ 10% so với nhu cầu cần tuyển). Riêng lượng GV ngoại ngữ tuyển dụng được chỉ đạt được xấp xỉ 25% so với nhu cầu.

TP.HCM tìm giải pháp thu hút giáo viên tiểu học - Ảnh 1.

TP.HCM còn thiếu 3.643 giáo viên tiểu học

NHẬT THỊNH

HIẾN KẾ THU HÚT GIÁO VIÊN

Bên cạnh việc chia sẻ những khó khăn về tình trạng thiếu GV, khó tuyển được GV bộ môn, thu nhập thấp khiến đời sống GV khó khăn… nhiều thầy cô đã đóng góp các ý kiến để xây dựng, hoàn thiện đề án thu hút GV tiểu học của Sở GD-ĐT TP.HCM.

Các giải pháp tập trung ở các nhóm như điều chỉnh khối lượng và áp lực công việc; cải thiện thu nhập và đãi ngộ cho GV tiểu học; khuyến khích thừa nhận, vinh danh sự đóng góp và đảm bảo cơ hội thăng tiến đối với GV tiểu học; thu hút nhân lực vào ngành giáo dục tiểu học…

Cô Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.12, đóng góp ý kiến cần có thêm chính sách cụ thể hỗ trợ cán bộ quản lý, GV của trường tiên tiến hội nhập quốc tế, cũng như chính sách cho tổng phụ trách của trường tiểu học. Theo cô Châu, ở Q.12 có nhiều trường 60 tới 90 lớp học, công việc của các tổng phụ trách này rất vất vả…

Cô Lê Thị Xinh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, TP.HCM, hiến kế như ngành giáo dục đặt hàng các trường đại học đào tạo về ngành sư phạm, làm sao để thu hút GV tiểu học, cho các sinh viên thấy chế độ đãi ngộ để thu hút được các sinh viên giỏi từ các trường này về công tác trong ngành giáo dục…

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, TP.HCM, đề xuất trong đề án có thể thêm giải pháp hỗ trợ GV được thuê nhà ở giá rẻ. Bởi nhiều GV tiểu học ở tỉnh xa, thu nhập thấp, cộng thêm chi phí cao cho việc thuê nhà trọ thì khó có thể an tâm công tác.

Ông Thanh cũng nêu có tình trạng thầy/cô vừa trúng tuyển thi tuyển ở quận này, vừa về làm được 1 - 2 tháng thì thấy quận khác tuyển GV lại đăng ký thi tuyển. "Khi trúng tuyển ở trường mới là nghỉ việc luôn khiến trường cũ rất chới với", ông Thanh tâm tư và đề xuất nên chăng có cơ chế, nếu ai trúng tuyển GV quận/huyện nào thì ít nhất phải công tác hết năm học đó, để nhà trường không gặp khó.

QUAN TRỌNG NHẤT LÀ CHÍNH SÁCH VỀ TÀI CHÍNH

Theo Phó giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam, việc xây dựng đề án chính sách hỗ trợ GV tiểu học, nhằm thu hút GV cấp học này tại TP.HCM là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

1 giáo viên đánh giá cho 805 học sinh/tháng

Báo cáo của Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ ra áp lực công việc rất cao của GV tiểu học. Đối với các GV bộ môn như mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, ngoại ngữ thì mỗi GV nhận nhiệm vụ 23 tiết nghĩa vụ/tuần. Thầy cô được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo. Cá biệt, có GV phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng.

Song, lương của GV tiểu học chưa tương xứng. Theo điều 8 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, ở trường công lập thu nhập từ lương của GV mới tuyển dụng có hệ số lương khởi điểm là 1,86. Tổng thu nhập sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì mỗi GV mới ra trường chỉ nhận được khoảng 3.367.251 đồng.

Ông Lê Hoài Nam cho biết để giữ chân, thu hút được đội ngũ GV tiểu học rất cần phải có đề án với chính sách cụ thể, mà quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính. Những ý kiến đóng góp từ các thầy cô rất quan trọng, Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục thực hiện các buổi làm việc khác, lắng nghe, ghi nhận các ý kiến để hoàn thiện được đề án. Đề án sau khi hoàn thiện, sẽ được Sở GD-ĐT TP.HCM trình HĐND TP.HCM để thông qua nghị quyết hỗ trợ GV tiểu học, tương tự như các nghị quyết hỗ trợ GV mầm non đã được TP.HCM thực hiện trong thời gian qua.

CỐ GẮNG XÂY THÊM ĐƯỢC NHIỀU TRƯỜNG HỌC

Tại hội nghị ngày 15.2, sơ kết năm học 2022 - 2023 của giáo dục tiểu học, trước thực tế thiếu trường lớp, phòng học, thiếu GV, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết theo kế hoạch năm, UBND TP.HCM có nhắc đến 12 nội dung mong muốn Sở GD-ĐT triển khai thực hiện tốt, trong đó có chỉ tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân.

TP.HCM thu hút giáo viên tiểu học bằng cách nào? - Ảnh 3.

TP.HCM thiếu hơn 1.700 phòng học

THÚY HẰNG

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, trong tuần này Sở sẽ làm việc với các quận, huyện, TP.Thủ Đức về rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung, định hướng, cố gắng đạt được số lượng trường học tối đa.

Trong thời gian này, ông Nguyễn Bảo Quốc đề nghị các quận, huyện, TP.Thủ Đức linh động, chủ động giải quyết, điều chỉnh, có nhiều biện pháp sáng tạo như "lớp học động", dạy học trực tuyến.

Trước thực tế nhiều trường tiểu học thiếu máy tính để học môn tin học, Sở cũng đang đề xuất trao đổi về cố gắng làm sao xem xét, rà soát đưa máy tính ra khỏi danh mục phải đấu thầu, mua sắm tập trung, tạo cơ sở để quận, huyện chủ động hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.