TP.HCM có thêm 5 - 10 triệu liều vắc xin Covid-19 trong 6 tháng cuối năm 2021

21/06/2021 12:57 GMT+7

Trong thời gian tới, nguồn vắc xin Covid-19 về TP.HCM sẽ dồi dào hơn từ sự hỗ trợ của Chính phủ và chủ động đàm phán của thành phố, mục tiêu hướng đến là 5 - 10 triệu liều trong 6 tháng cuối năm 2021.

Trưa 21.6, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Ông Đức cho biết trong đợt này, Chính phủ phân bổ cho TP.HCM 836.000 liều vắc xin Covid-19, trong đó 786.000 liều dùng tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 và 50.000 liều thuộc đối tượng bộ đội, công an trên địa bàn.

TP.HCM tổng lực tiêm vắc xin Covid-19 gần 200 ngàn liều một ngày

Ông Đức thông tin nguồn cung vắc xin cho người dân TP.HCM thời gian tới sẽ được sử dụng từ 2 nguồn. Thứ nhất là nguồn Chính phủ cấp, từ nay đến cuối năm Việt Nam nhận hơn 100 triệu liều vắc xin. Tính bài toán quy mô dân số, TP.HCM chiếm khoảng 10% dân số cả nước thì có khoảng 10 triệu liều.

Hiện 75% dân số TP.HCM ở độ tuổi 18 - 65 nên số lượng người dân được chích sẽ ít hơn. Nguyên nhân là một số loại vắc xin yêu cầu về độ tuổi, như Astra Zeneca yêu cầu từ 18 tuổi trở lên, Pfizer thì từ 12 tuổi trở lên. “Riêng khoảng 10% vắc xin của Chính phủ thì TP.HCM tương đối đảm bảo”, ông Đức nhận định.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về tiêm chủng vắc xin

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Về nguồn TP.HCM chủ động, ông Đức cho biết khi triển khai thì tham mưu chuyên gia, thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và các nhà cung cấp. Hiện các hãng đều làm việc với Chính phủ và cả chính quyền địa phương (vì một số thông tin cho rằng chỉ làm việc với Chính phủ).

TP.HCM đã tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất chứ không phải thông qua trung gian. Ông Đức cho biết có một số thông tin chưa thể chia sẻ ngay thời điểm này vì đó là điều kiện ràng buộc khi thương thảo hợp đồng. Chỉ khi ký kết hợp đồng, những điều khoản nào được hợp đồng cho phép thì TP.HCM mới công bố.

“Hiện nguồn mà TP.HCM đang hướng đến là có khoảng 5-10 triệu liều trong năm nay”, ông Đức thông tin.

TP.HCM phong tỏa khu phố hơn 2.000 người ở quận 8 phòng chống Covid-19

Về kinh phí mua vắc xin, ông Đức cho biết sẽ sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa để tiếp cận nhanh nhất nguồn vắc xin và tổ chức tiêm chủng cho người dân bởi nếu sử dụng ngân sách thì phải thực hiện theo thủ tục đầu tư công tốn nhiều thời gian hơn.

Ông Đức cũng khẳng định tất cả người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu công nghệ phần mềm sẽ được tiêm vắc xin chứ không hề có sự phân biệt, chọn lọc giữa các doanh nghiệp.

Trong kế hoạch tiêm chủng vắc xin lần này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng, như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người. 

Lực lượng tuyến đầu chống dịch được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện có 2,385 triệu người của 10 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và tiêm miễn phí vắc xin phòng Covid-19 theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Ngoài nhân viên y tế tuyến đầu, các đối tượng sống ở vùng có dịch cũng được tiêm ưu tiên, gồm: người dân sống ở Q.Gò Vấp; người dân P.Tân Thới Nhất, P.Thạnh Lộc (Q.12) và công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 1,2 triệu liều. Riêng công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là hơn 320.000 liều. Người trên 65 tuổi là hơn 608.000 liều; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội là 202.443 liều; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục đào tạo là 205.000 liều...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.