TP.HCM chi 3 tỉ đồng tiền thưởng cho ý tưởng quy hoạch Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
18/04/2024 07:22 GMT+7

Sáng 17.4 tại TP.HCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM có buổi gặp gỡ với đại diện Sở VH-TT TP, Hội Kiến trúc sư TP, Ban Quản lý Khu công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (CVLS - VHDT) giới thiệu và mời đăng ký tham gia cuộc thi tuyển quốc tế Ý tưởng quy hoạch CVLS - VHDT (ảnh).

Tiếp nối thành công của ý tưởng xây đền thờ các vua Hùng năm 2001, TP.HCM tiếp tục tổ chức cuộc thi ý tưởng mới mang tầm quốc tế. Theo đó, cơ quan tổ chức thi tuyển là Sở QH-KT thông báo rộng rãi và mời các nhà tư vấn thiết kế quy hoạch đô thị trong và ngoài nước, có uy tín và kinh nghiệm đăng ký tham gia, nộp hồ sơ xét tuyển, nếu thấy phù hợp với năng lực và đủ điều kiện hành nghề theo quy định.

TP.HCM chi 3 tỉ đồng tiền thưởng cho ý tưởng quy hoạch Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc- Ảnh 1.

QUỲNH TRÂN

Cuộc thi tuyển dành cho đơn vị tư vấn là công ty, tổ chức hoặc liên danh (2 hay nhiều công ty) hoặc cá nhân am hiểu lĩnh vực thiết kế quy hoạch, kiến trúc, có kinh nghiệm phát triển dự án, quản lý vận hành công viên, có đủ năng lực hoạt động, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này…

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (CVLS - VHDT): "CVLS - VHDT có diện tích gần 400 ha, có địa hình đẹp, tọa lạc P.Long Bình, TP.Thủ Đức và một phần ở TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây tập trung nhiều di tích kiến trúc đẹp cấp quốc gia và TP.HCM, trong đó chùa cổ Hội Sơn trên 300 năm. Việc triển khai đường vành đai 3 xuyên qua công viên buộc phải thu hồi 13 ha, vì vậy việc tổ chức thi tuyển ý tưởng là thực sự cần thiết để kết nối đồng bộ giao thông, phù hợp với quy hoạch chung, phát huy giá trị di sản".

Hiện sau 20 năm triển khai, dự án vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, chưa tận dụng triệt để và thu hút đầu tư các nguồn lực từ xã hội hóa, đầu tư ngoài ngân sách. Trong khi đó, định hướng đến năm 2040, CVLS - VHDT được quy hoạch với chức năng chính là công viên công cộng, công viên chuyên đề, đan xen với một số khu chức năng dịch vụ hỗn hợp (không bố trí chức năng ở). Khai thác tối đa vị trí giáp sông Đồng Nai kết nối phát triển du lịch đường thủy.

Nghi thức rước kiệu Giỗ tổ Hùng Vương tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP.HCM (ảnh chụp tháng 4.2023)

Nghi thức rước kiệu Giỗ tổ Hùng Vương tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP.HCM (ảnh chụp tháng 4.2023)

NHẬT THỊNH

Về giải pháp tổ chức không gian, cuộc thi lưu ý bố trí lấy khu vực Đền Hùng làm trung tâm. Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển mới cần ưu tiên giải pháp tôn tạo, hướng tầm nhìn và mở rộng không gian cảnh quan về phía Đền Hùng nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và quần thể kiến trúc công trình hiện hữu. Khu đền tưởng niệm các vua Hùng cao 16 m được bố trí trên quả đồi cao 21 m (chiều cao tối đa 37 m), được xác định là công trình điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng. Chiều cao của các công trình mới cần được cân nhắc khống chế, không vượt quá chiều cao của Đền vua Hùng hiện hữu, đảm bảo hài hòa cảnh quan kiến trúc khu vực.

Góp ý với cơ quan tổ chức thi tuyển, ông Nguyễn Thanh Long, đại diện Sở VH-TT TP.HCM, cho rằng: "Cần thực hiện tốt luật Di sản văn hóa trong việc khoanh vùng nghiêm ngặt không chỉ nguyên trạng mà còn cảnh quan, bởi CVLS - VHDT tập trung nhiều di tích rất quan trọng cần phải bảo vệ".

Tổng giải thưởng của cuộc thi tuyển quốc tế Ý tưởng quy hoạch CVLS - VHDT dự kiến là 3 tỉ đồng, gồm: 1 giải nhất 1 tỉ đồng; 1 giải nhì 800 triệu đồng; 1 giải ba 600 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 300 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.