Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2:

Tôn vinh sách, người làm sách và phát triển phong trào đọc sách

22/04/2023 07:14 GMT+7

Tối 21.4, Bộ TT-TT phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Hội Xuất bản VN long trọng tổ chức lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc VN lần thứ 2.

Tham dự có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan T.Ư; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và các địa phương.

Tôn vinh sách, người làm sách và phát triển phong trào đọc sách  - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày tư liệu, sách quý triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế

Lê Hoài Nhân

Phát biểu khai mạc buổi lễ diễn ra trong không gian cổ kính của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế (trước đây là Quốc Tử Giám, biểu tượng cho tinh thần "tôn sư, trọng đạo, yêu chữ, quý sách" của truyền thống dân tộc), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để phát triển sách, phát triển xuất bản thì sách phải có nhiều người đọc, tức là có thị trường lớn. Muốn vậy, phải khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Trong khuôn khổ chương trình, Bộ TT-TT đã tặng 3.000 cuốn sách cho huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế) nhằm khuyến khích và thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ TT-TT đề nghị các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, Sở TT-TT các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông… có các hoạt động thiết thực để phát triển văn hóa đọc nước nhà. Đồng thời, các nhà xuất bản tạo ra các phiên bản sách đa nền tảng; các đơn vị phát hành ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh hoạt động đưa sách đến mọi vùng miền; các báo đài có chuyên mục về sách...

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh trong những năm qua, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, thư viện, doanh nghiệp, cá nhân đã nhiệt tình tham gia, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc VN, giúp ngành xuất bản có bước phát triển nhanh, làm cho văn hóa đọc có sự khôi phục đáng ghi nhận. Phó thủ tướng tin tưởng các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc VN tại TP.Huế lần này cũng như trong những ngày tới trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống: tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách.

Tọa đàm, giao lưu giới thiệu tác phẩm mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 21.4 tại TP.HCM, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc VN lần 2, Đảng ủy Khối Dân chính Đảng TP.HCM, Sở TT-TT TP.HCM và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức buổi tọa đàm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, giới thiệu tác phẩm mới Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các bạn trẻ và độc giả còn tham gia giao lưu với các diễn giả khách mời: PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Phó ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM)...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng khẳng định: "Tọa đàm là hoạt động vừa có ý nghĩa về mặt chính trị, vừa có ý nghĩa về mặt văn hóa, đặc biệt trên phương diện văn hóa đọc. Quyển sách không chỉ là cẩm nang đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta mà còn là một tác phẩm chính luận có giá trị. Khẳng định mạnh mẽ quan điểm của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đạt hiệu quả cao nhất. Trước hết, phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng - là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố bảo đảm sự phát triển đúng đắn của đất nước. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Coi đây là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng".

Bà Phạm Phương Thảo chia sẻ: "Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát bức tranh phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua với nhiều đột phá, cũng là dấu ấn nổi bật và giúp hoàn thiện thể chế, ngăn chặn chặt chẽ không để tham nhũng có cơ hội, đồng thời biến nhận thức thành quyết tâm hành động cao, đặc biệt là huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân".

Lê Công Sơn

Phó thủ tướng đề nghị Bộ TT-TT quan tâm xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa; Bộ VH-TT-DL tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như xây dựng văn hóa, khuyến học... Phó thủ tướng yêu cầu các cấp tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà...

Thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay là "Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo"; "Sách cho tôi, sách cho bạn"; "Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới". Tức là đổi mới trong nhận thức, đổi mới trong sáng tạo, đổi mới trong phương thức xuất bản, đổi mới trong cách tiếp cận bạn đọc để sách vẫn là sách nhưng đa dạng hình tướng, đến được với hàng triệu người... Hoạt động xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn, theo hướng dân tộc hóa nhưng vẫn phải hiện đại hóa (bằng công nghệ số) và đại chúng hóa (thông qua đa nền tảng số).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.