Yêu nhau, chỉ để làm đau người mình yêu thương

15/12/2014 15:00 GMT+7

Đọc câu chuyện mẹ em bé bỏ rơi con trên taxi, cô ấy kể rằng: 'Vì bé Bo nên gia đình chồng mới tạo áp lực cho tôi. Vào bước đường cùng, nên đành phải bỏ bé trên taxi. Tôi không bao giờ muốn bỏ rơi con ruột của mình'.

Đọc câu chuyện mẹ em bé bỏ rơi con trên taxi, cô ấy kể rằng: 'Vì bé Bo nên gia đình chồng mới tạo áp lực cho tôi. Vào bước đường cùng, nên đành phải bỏ bé trên taxi. Tôi không bao giờ muốn bỏ rơi con ruột của mình'.

Bo ngơ ngác khi thấy có người chụp ảnh - Ảnh: Minh Phong 
Không thể kết tội ai trong câu chuyện buồn cho bé Bo rất kháu khỉnh đó, ai cũng rất thương thằng nhỏ. Ông dượng Liêm đã tha thiết đến tìm nhận thằng bé, mẹ cậu bé cũng xuất hiện để nhận con. Nhưng xét cho cùng, vẫn có một tội đã xảy ra: cậu bé bị bỏ trên xe taxi.

May mắn, bé được những người tốt và chính quyền địa phương chăm sóc. Nhưng nếu không may mắn, thằng bé sẽ rơi vào cái vòng xoáy nào đó của bóng tối không ai có thể ngờ được. Thằng bé Bo, có thể là hình ảnh khá rõ để thấy rằng, đôi khi có rất nhiều cách để người ta làm đau chính người mình yêu thương.

Tôi từng phỏng vấn một chị phải nuôi con một mình, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Chị kể rằng anh chị yêu nhau, nhưng ba mẹ anh không chấp nhận. Khi chị sinh con xong thì anh bị tai nạn xe và chết. Chị nuôi con một mình. Vài năm sau, tôi gặp lại chị, chị cười bảo cuối cùng cha mẹ chồng chị đã đến gặp và nói muốn nhận cháu, muốn chị về chung sống và dành căn nhà lại cho chị trước khi ông bà quá già. Ông bà có đứa con trai một thì đã mất rồi, giờ dành cả cho chị và con của anh. Chị nói rồi bật khóc, chẳng biết là buồn hay vui.

Tại sao những người đó, cùng yêu thương một người, lại cuối cùng phải đợi người mình yêu chết đi thì mới nhìn vào mắt nhau? Chị cũng yêu anh. Bố mẹ anh cũng yêu anh. Họ biến nhau thành thù địch, và buộc anh phải chọn lựa là bỏ nhà ra đi theo cô gái.

Anh phải cực khổ sớm nắng chiều mưa trong căn nhà trọ, và chết vì tai nạn khi đang đẩy xe lên dốc cầu ngày mưa thì bị xe tải húc vào. Lúc chết đi chắc anh đang nghĩ sẽ đẩy xe hết dốc cầu, kiếm 200 ngàn đồng về mua sữa cho thằng con trai và trả tiền nhà trọ, đỡ đần người vợ mới sinh nở của mình.

Trong một câu chuyện khác, hai người bạn (họ không cùng tôn giáo) của tôi đã từ bỏ ý định cưới nhau. Họ về sống chung trong một căn nhà trọ, vì cả nhà nội lẫn ngoại không ai nhường ai, đều quyết buộc “đứa kia” phải theo tôn giáo của nhà mình thì mới cho cưới. Cuộc gặp mặt đầu tiên của hai dòng họ kết thúc bằng trận cãi vã, cô dâu bỏ chạy khỏi buổi làm quen trong nước mắt. Bạn trai không đủ can đảm xin bố mẹ đến hỏi cưới cô thêm lần nào nữa. Họ sinh đứa con thân yêu trong sự quay lưng của hai gia đình.

Rồi một ngày, bạn tôi kể, chị bế em bé về nhà ngoại chơi, thằng bé lẫm chẫm chạy theo kéo quần ông ngoại, tự dưng lúc đó ông bảo: “Thôi, giờ có con rồi, muốn theo bên nào thì theo. Bố không cấm nữa!”. Lúc đó đã gần 4 năm trôi qua, 4 năm không ai nhìn vào mặt ai.

Tại sao hai bên bố mẹ kia, quyết bảo vệ một thành trì nào đó, ngoài máu thịt của mình, và để tình yêu bé nhỏ kia phải đến lúc biết đi mới được sum vầy cả hai bên nội ngoại?

Trong cuộc nói chuyện để đơm hoa một tình yêu trai gái, những người lớn đã đẩy đứa con mà mình cả đời nuôi nấng ra… “đầu đường”. Những gì họ tranh cãi chắc là sự hãnh diện của dòng họ, hoặc đơn giản là để khỏi “mất mặt” trước “nhà kia”. Không thể nào thỏa thuận, họ đẩy những đứa con bình thường yêu thương ra khỏi vòng tay gia đình.

Có những đôi trẻ, sau một đám cưới đầy hoa và hạnh phúc, phải cùng nhau căng tai ra hứng chịu những dèm pha của cả nhà nội và nhà ngoại. Nhà ngoại chê thằng rể không biết chào các cô. Nhà nội chê con dâu ngu quá không biết rửa chén cho cả dòng họ. Nhà ngoại bực mình vì thằng rể nghèo. Nhà nội bực vì cô dâu xấu mà điệu quá…

Cứ thế, cả cô dâu chú rể vừa nước mắt, vừa nụ cười, đón nhận hết bao nhiêu bình phẩm của cha mẹ, anh em nội ngoại. Nếu họ yêu nhau đủ nhiều, họ nuốt nước mắt vào tim để sống chung hạnh phúc. Nếu họ quá sĩ diện, sau ngày tân hôn, họ bắt đầu làm tổn thương nhau, phàn nàn nhau (bắt đầu từ những bình phẩm của dòng họ hai bên, không phải từ họ).

Đôi khi, vì những mong ước quá tròn vẹn, những người yêu thương nhau làm nhau đau đớn.

Vì sự yêu thương, hoặc cùng giành nhau để chứng tỏ mình yêu thương nhiều hơn, người ta làm tổn thương người mình yêu thương nhất.

Vì muốn điều khiển tình yêu theo cách mình muốn, người ta cũng đẩy người mình yêu vào bi kịch.

Hay giống như bé Bo, nếu không vì một tình huống bất ngờ xảy ra như thế, cả hai gia đình, mẹ và bố cậu bé, có bao giờ thực sự hiểu, hóa ra họ cùng nhau yêu thương thằng bé đến vậy?  

Họ cùng sẵn sàng đòi chứng minh để nhận con, nhận cháu. Họ cùng rơi nước mắt, cùng phải chạy vạy, cực khổ, đối mặt… để bất ngờ nhận ra tất cả những gì họ đang yêu thương thật ra vô cùng giống nhau: là 1 cậu bé chưa đến 2 tuổi.  

Hay như chị nhân vật của tôi, đợi đến khi người đàn ông kia đã chết thì bố mẹ chồng và chị mới nhận ra, thực lòng thì họ cùng yêu thương anh giống hệt nhau.

Như cặp người yêu bạn tôi, phải nhìn thấy thằng cháu bé nhỏ, họ mới chịu “nhượng bộ” nhau và hiểu rằng hóa ra mình yêu con trai và con gái mình biết bao nhiêu…

Đôi khi, để yêu thương thật lòng, người ta còn phải bớt đi một chút bực dọc, bớt đi chút “uy thế” nhà chồng, nhà vợ, hay bớt đi sĩ diện chồng, sĩ diện vợ.

Để nhìn thẳng vào mắt người mình yêu biết bao.

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhân viên văn phòng đang sống và làm việc tại TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.