Xem lại việc kết nối 2 nhà ga của sân bay Nội Bài

27/02/2015 15:59 GMT+7

Sau khi nhà ga T1 và T2 của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội (sân bay Nội Bài) được đưa vào sử dụng trong tháng 1.2015, bên cạnh nhiều tiện ích mang lại cho hành khách, việc kết nối giữa hai nhà ga này với khoảng cách khá xa nên còn bất tiện.

Sau khi nhà ga T1 và T2 của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội (sân bay Nội Bài) được đưa vào sử dụng trong tháng 1.2015, bên cạnh nhiều tiện ích mang lại cho hành khách, việc kết nối giữa hai nhà ga này với khoảng cách khá xa nên còn bất tiện.

san-bay-noi-baiHành khách than phiền về những phiền phức, bất tiện trong kết nối giữa hai nhà ga T1 và T2
tại sân bay Nội Bài
Tôi có dịp đáp chuyến bay từ Singapore đi Hà Nội và có dịp “mục sở thị” diện mạo mới của các nhà ga này ngay sau khi được đưa vào sử dụng. So với trước, các tiện ích phục vụ tại sân bay Nội Bài sau khi khánh thành nhà ga T1 và T2 được tăng lên, chất lượng dịch vụ được cải thiện, giảm tải cho các cửa làm thủ tục xuất/nhập cảnh và khu vực lấy hành lý tại sân bay.
Tồn tại đáng kể nhất ở thời điểm này là việc kết nối 2 nhà ga T1 và T2. Khác với sân bay Tân Sơn Nhất với 2 nhà ga quốc tế và nội địa khá gần nhau, có lối đi và mái che dành cho người đi bộ, 2 nhà ga T1 và T2 của sân bay Nội Bài nằm khá xa nhau. Giữa hai nhà ga hiện không có lối đi và mái che để tránh mưa, nắng dành cho hành khách và thân nhân đi bộ.
Bên cạnh đó, xe bus di chuyển giữa 2 nhà ga chỉ tiếp nhận hành khách có thẻ lên tàu để nối chuyến đi ngay, tất cả các hành khách khác và thân nhân hành khách không được sử dụng xe bus này (dù xe vẫn còn trống rất nhiều chỗ).
Loay hoay một lúc, tôi và một số khách quốc tế cùng một số thân nhân hành khách Việt Nam khác cùng cảnh ngộ mới được biết ở phía cuối nhà ga T2 có xe điện đưa khách sang nhà ga T1 (phải trả phí). Sau khi hỏi bộ phận an ninh sân bay (vì không có biển báo chỉ dẫn cụ thể), chúng tôi tìm được 1 chiếc xe điện ở bãi đỗ nhưng tài xế từ chối đưa chúng tôi sang nhà ga T1 vì xe đã… hết điện. Cuối cùng một số hành khách, trong đó có người già, phải đi bộ sang nhà ga T1.
Một số hành khách khác, trong đó có tôi, cố gắng thuyết phục tài xế xe điện vì có người thân đang đợi ở T1 và nghĩ đi xe sẽ nhanh hơn. Tài xế xe điện sau đó đưa chúng tôi ra khỏi sân bay Nội Bài, về trụ sở của công ty (xa hơn hẳn so với suy nghĩ của chúng tôi), đợi đổi sang một chiếc xe điện khác, rồi mới di chuyển đến nhà ga T1 của sân bay (có báo trước về việc đổi xe).
Kết quả là, dù có mặt tại nhà ga T2 lúc 11 giờ 40 trưa nhưng đến gần 13 giờ chiều (sau hơn 1 tiếng đồng hồ), tôi mới được gặp người thân của mình tại nhà ga T1.
Vài khách quốc tế bày tỏ không hài lòng và cho tôi biết đây là lần đầu họ phải di chuyển vất vả thế giữa hai nhà ga trong cùng một sân bay. Cá nhân tôi là người đã từng đến rất nhiều sân bay quốc tế cũng có thể xác nhận điều này.
Đối với các nhà ga cách xa nhau và không thuận tiện cho người đi bộ, sân bay các nước thường bố trí tàu, hoặc xe bus phục vụ toàn bộ các đối tượng hành khách và thân nhân, bất kể những người đó có thẻ lên tàu không. Đối với các nhà ga gần nhau và có thể đi bộ, sân bay các nước thường có lối đi với mái che và chỉ dẫn rõ ràng cho người đi bộ.
Nếu điều kiện hiện tại chưa cho phép tổ chức tàu điện hoặc xây lối đi bộ với mái che, sân bay Nội Bài có thể cân nhắc mở cửa xe bus phục vụ tất cả hành khách và thân nhân hành khách có nhu cầu di chuyển giữa hai nhà ga. Việc này là hoàn toàn khả thi, vừa giảm những phiền hà và vất vả không cần thiết cho hành khách và thân nhân, vừa tránh các sự cố có thể xảy ra nếu hành khách hoặc thân nhân tự đi hoặc di chuyển giữa hai nhà ga không đúng cách, vừa góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp cho hành khách, trong đó có hành khách quốc tế, về sân bay Nội Bài (khách xuống nhà ga, chưa kịp vui vì những tiến bộ của sân bay lại “cụt hứng” và ái ngại về việc kết nối giữa hai nhà ga).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.