Tôi có là Charlie?

15/01/2015 10:37 GMT+7

Sự kiện quốc tế gợi nhiều suy ngẫm nhất trong tuần qua chắc hẳn là những tin tức về vụ xả súng tại Pháp. Đáp lại tiếng súng và hận thù, cả triệu người dân và nhiều nhà lãnh đạo từ các quốc gia trên thế giới đã xuống đường với khẩu hiệu "Tôi là Charlie".

Sự kiện quốc tế gợi nhiều suy ngẫm nhất trong tuần qua chắc hẳn là những tin tức về vụ xả súng tại Pháp. Đáp lại tiếng súng và hận thù, cả triệu người dân và nhiều nhà lãnh đạo từ các quốc gia trên thế giới đã xuống đường với khẩu hiệu "Tôi là Charlie".

Biển người tham gia cuộc tuần hành tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát tại Paris, Pháp
 trong tuần qua - Ảnh: Reuters
Khi tâm chấn bớt xung động tại Paris, tôi đã thấy các bạn trẻ Việt Nam, thẳng thắn và gai góc, đưa ra góc nhìn của mình. Ở cách xa hàng ngàn cây số, chấn động tư duy đã lan đến một đất nước từng cùng với nước Pháp tương tác trong một giai đoạn lịch sử mà không một người dân Việt Nam nào quên được.
Tôi không phải Charlie
Nhà triết học Anh John Stuart Mill đã khẳng định trong tiểu luận Bàn về tự do, rằng chỉ có một lý do duy nhất cho phép quyền lực được áp đặt một cách chính đáng để chống lại ý chí của một thành viên nào đó trong một xã hội văn minh, đó là để ngăn anh ta làm tổn thương người khác.
Bản thân sự ra đời của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo cũng là một sự kiện liên quan đến tổn thương và bị tổn thương, sau khi tạp chí tiền thân của nó là Hara-Kiri bị cấm xuất bản vì cười nhạo cái chết của cựu tổng thống Charles de Gaulle năm 1970. Với những nét vẽ trần trụi nhất có thể trong khả năng của cây bút, Charlie Hebdo không tha một ai cả, từ Giáo hoàng cho đến chúa Jesus và đương nhiên cả đấng tiên tri Muhammad. Những lần Charlie Hebdo bị khủng bố và bị kiện đã cho thấy có lẽ Charlie Hebdo cũng là một thực thể cực đoan đứng ở lằn ranh giữa tự do biểu đạt và gây tổn thương cho người khác, ngay tại nước Pháp tự do.
Sự kiện xảy ra ở nước Pháp nhưng nó gợi rất nhiều suy ngẫm cho chính xã hội Việt Nam, không chỉ về giá trị của tự do, của lòng dũng cảm mà còn là sự khác biệt văn hóa và thái độ ứng xử với sự khác biệt.
Trong xã hội Việt Nam, đức Chúa, đức Phật, đức Thánh và tổ tiên đều là những bậc chí tôn không ai được phép báng bổ. Ranh giới châm chọc trong văn hóa Việt Nam ở rất xa cái ranh giới mà nước Pháp đang cho phép Charlie Hebdo biểu đạt. Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều bạn thông cảm với cộng đồng Hồi giáo bị tổn thương dưới ngòi bút của Charlie Hebdo. Nếu để châm chọc giáo lý nhà Phật chẳng hạn, tôi sẽ chọn cách khác chứ không bao giờ lột truồng biểu tượng của cả một tôn giáo mà cả dân tộc đang tôn thờ, như các bạn.
Tôi không phải là Charlie Hebdo còn bởi lẽ, tôi hoàn toàn không biết vẽ và càng không đủ dũng cảm để sẵn sàng đứng ở lằn ranh giữa đúng và sai, giữa tốt và xấu, để bảo vệ đến cùng niềm tin và hệ giá trị của mình. Bởi văn hóa của chúng tôi đặt nhiều sự tôn trọng hơn vào những người biết sống ôn hòa, biết lựa lời mà nói chứ không đề cao những biểu hiện cực đoan. Tôi tự nguyện lựa chọn một ranh giới khác, cách xa cái ranh giới chung của xã hội Việt Nam. Một vị trí không phải tiên phong giúp tôi tránh khỏi những hậu quả về thể xác và tinh thần mà mọi người đi tiên phong phải gánh chịu. Tôi an toàn, trong một sự an toàn không lấy gì làm tự hào.
Tôi là Charlie
Có thể Charlie Hebdo đã không lựa chọn đúng khi châm chọc cực đoan và làm tổn thương một bộ phận Hồi giáo. Nhưng các bạn cũng đã không sai, các bạn không vi phạm pháp luật và cách châm chọc của các bạn vẫn không bị nền văn hóa Pháp đào thải. Người Pháp và rất nhiều người trên thế giới đã cầm trên tay tấm biển Tôi là Charlie. Tôi, sau khi đã cân nhắc mọi quan điểm khác biệt, vẫn sẽ cầm trên tay tấm biển như vậy.
Ranh giới người Việt và người Pháp chọn cho mình là không giống nhau, các chuẩn mực ứng xử giữa hai xã hội cũng có nhiều khác biệt, nhưng có một điều bất di bất dịch ở mọi xã hội, đó là sự tôn trọng chuẩn mực. Những kẻ xả súng đã dùng thù hận và súng đạn để tước đoạn mạng sống của các bạn, họ đã dùng cái sai để đối thoại với cái không sai. Tôi đứng về phía các bạn, bởi tôi cũng cần sống trong một xã hội nơi không có những kẻ dùng súng để tranh luận với người khác, nơi mà luật pháp, chứ không phải phán xét mang màu sắc cảm tính cá nhân, mới là chuẩn mực duy nhất để phán xét xem bạn có gây tổn thương cho người khác hay không.
Tôi là Charlie, cũng bởi tôi chia sẻ nhiều giá trị phổ quát mà nước Pháp vẫn theo đuổi. Tôi tin vào giá trị của tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, tại nơi mà Bác Hồ đã từng ra báo và viết bài châm chọc vua Khải Định - điều mà lúc bấy giờ có lẽ cũng nằm ở lằn ranh giữa văn hóa giễu nhại của người Pháp và truyền thống tôn thờ đức vua của người Á Đông. Nếu như số đông những người nằm sâu phía trong lằn ranh giúp cho xã hội tồn tại ổn định thì những người dám tiên phong thách thức ranh giới mới chính là động lực để xã hội vận động và phát triển. Kính trọng sự dấn thân của các bạn, tôi tin rằng tấm biển Tôi là Charlie là một điều tối thiểu để tôi còn tự nhận là mình có lương tri và tôi sẽ căm hận chính mình nếu như không làm được điều tối thiểu đó.
Tôi là tôi
Ahmed là người cảnh sát bảo vệ tòa soạn Charlie Hebdo, và là một người Hồi giáo. Anh ta đã chết khi làm nhiệm vụ bảo vệ những kẻ nói xấu bậc chí tôn của chính mình, và tấm biển mang tên anh cũng đã trở thành một biểu tượng kết nối. Đối với nhiều người, anh chính là biểu tượng của tinh thần Voltaire “tôi không đồng tình với những gì bạn nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của bạn”.
Sự kiện xảy ra ở nước Pháp nhưng nó gợi rất nhiều suy ngẫm cho chính xã hội Việt Nam, không chỉ về giá trị của tự do, của lòng dũng cảm mà còn là sự khác biệt văn hóa và thái độ ứng xử với sự khác biệt. Theo dõi các cuộc thảo luận, tôi rất mừng khi thấy sự đầu tư rất lớn về trí tuệ và tư duy của nhiều người Việt mới trong thảo luận. Chỉ có một điều hơi nghi ngại, một số bạn dường như cảm thấy hả hê trước cái giá mà Charlie Hebdo nói riêng và phương Tây nói chung đang chấp nhận trả để theo đuổi giá trị tự do của mình.
Việc chúng ta không là ai cũng đáng để suy ngẫm, nhưng không bao giờ quan trọng hơn việc chúng ta tự khẳng định giá trị của mình. Dù không đồng ý với hệ giá trị phương Tây, dù bảo vệ văn hóa Việt Nam trước làn sóng phương Tây đến thế nào, đừng nuôi dưỡng lòng hận thù với bất kỳ hệ giá trị nào. Đến ngày mai, khi cất đi những tấm biển mang tính biểu tượng, chúng ta lại trở về là chính chúng ta. Đến cả đấng tiên tri Muhammad cũng cầm tấm biển và tha thứ tất cả cơ mà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.