Tiên trách kỷ…

04/03/2015 12:24 GMT+7

Khi mà lễ hội trở thành nguồn thu không nhỏ thì người ta sẵn sàng lao vào cơn lốc xây dựng, tu bổ đền chùa, di tích và khuyếch trương lễ hội địa phương để thu hút du khách. Và mục đích thế nào tất sẽ cho… ‘kết quả’ thế đó.

Khi mà lễ hội trở thành nguồn thu không nhỏ thì người ta sẵn sàng lao vào cơn lốc xây dựng, tu bổ đền chùa, di tích và khuyếch trương lễ hội địa phương để thu hút du khách. Và mục đích thế nào tất sẽ cho… ‘kết quả’ thế đó.

Cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau luôn lặp lại trong lễ Khai Ấn đền Trần ở Nam Định - Ảnh: Hoàng Long
Mùa xuân, nhất là tháng giêng tháng hai là thời điểm lễ hội tưng bừng của người Việt ở khắp các vùng quê. Ngay sau Tết nguyên đán là hàng loạt lễ hội lớn như: hội chùa Keo (Thái Bình); hội Đống Đa, hội chùa Hương, hội Cổ Loa, hội Đền Gióng (Hà Nội); hội hát Xoan (Phú Thọ); hội chợ Viềng (Nam Định); hội Yên Tử (Quảng Ninh); hội Chùa Bà (Bình Dương); hội Bà Chúa Kho, hội Lim (Bắc Ninh)…
Trước, lễ hội vùng nào thì thường chỉ người dân trong vùng tụ họp, tham gia. Nay, nhờ giao thông thuận lợi, tin tức truyền thông cập nhật dễ dàng, các lễ hội từ phạm vi khu vực, thậm chí phạm vi một làng, một xã có cơ hội trở thành những lễ hội lớn có tính lan tỏa mạnh cả về mặt tâm linh lẫn sự hấp dẫn về hình thức hội hè. Người dân từ khắp mọi miền ùn ùn kéo tới vừa là để lễ bái, cũng tiện tham dự hội. Và thế là nhiều nơi đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, khuyếch trương thanh thế cho lễ hội địa phương về mọi mặt để thu hút khách.
Tiền công đức cũng từ đó mà ra. Tính riêng mùa lễ hội năm 2012, theo thống kê của ngành văn hóa, số tiền công đức từ các lễ hội trên cả nước lên tới gần 300 tỉ đồng. Có lẽ tới nay đã không còn dừng lại ở con số đó. Chỉ một cụm đền chùa ở thôn Viêm Xá, Hòa Lạc, tỉnh Bắc Ninh, tiền công đức trong hai mùa lễ hội thu về đã hơn 6 tỉ đồng. Đáng nói là số tiền đó người ta không biết nó đã được sử dụng thế nào bởi không hề được dùng để tu bổ di tích.
Cứ thế, những cuộc hội hè lễ lạt ấy từ chỗ là nét đẹp văn hóa đang có triệu chứng chuyển màu, trở thành nỗi lo của các nhà quản lý và sự bức xúc của người dân.
Quê tôi ở Nam Định, ngay phủ Thiên Trường lừng lẫy một thời. Hội đền Trần vào tháng 8 âm lịch hằng năm nườm nượp người về chiêm bái. Chúng tôi, những người luôn tự hào là con cháu nhà Trần cũng chỉ biết có một ngày hội Trần ở Nam Định - “Tháng 8 giỗ cha”, ngày giỗ của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng nay, người dân cả nước dường như lại biết nhiều hơn về một lễ Khai Ấn đền Trần vào ngày rằm tháng giêng. Người ta biết tới lễ hội này cùng với lời đồn đại về lá ấn linh thiêng có thể mang lại nhiều lợi lộc, công danh cho người có nó. Người ta biết về lễ hội này với những hình ảnh giẫm đạp, tranh giành nhau đến đổ máu để cướp ấn. Thật kinh sợ! Tại sao một lễ hội cấp làng do người dân địa phương phục dựng lại có sức mạnh làm con người ta mê muội tới vậy?
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, người nhiều năm nghiên cứu về Vương triều nhà Trần, từng khẳng định: Tư liệu từ chính sử và các nghiên cứu đều nói lễ khai ấn đền Trần chỉ là một nghi thức truyền thống đánh dấu thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết của các đơn vị hành chính thời phong kiến đời Trần. Lá ấn chưa từng có giá trị phong chức tước hay ban lộc…
Quan chức địa phương chắc cũng biết điều này, nhưng rồi những kế hoạch, những hội thảo, những đề án phục dựng lễ hội cho thêm hoành tráng, màu sắc vẫn được tổ chức. Và lễ hội làng ấy nay trở nên nổi đình nổi đám, an ninh trật tự khu vực trong những ngày hội vượt khỏi tầm tay quản lý của địa phương. Lễ khai Ấn năm ngoái, Nam Định phải huy động tới hơn 2.000 người lo việc giữ gìn trật tự mà vẫn không quản nổi.
Không ai phản đối việc gìn giữ những di sản văn hóa của cha ông, nhưng giữ như thế nào để những giá trị văn hóa ấy được bảo tồn theo đúng nghĩa của nó thì không dễ dàng. Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường tổ chức và quản lý lễ hội của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 5.2.2015 đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương phải đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội phù hợp thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Chỉ đạo đã rõ ràng, nhưng nhiều lễ hội diễn ra đầu năm nay vẫn phơi bày những hủ tục mang tính phản giáo dục, những hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục, và cái cách mà nhiều quan chức địa phương thể hiện trong vấn đề này vẫn đi ngược lại với tinh thần của chỉ thị.
Tôi thấy dường như các địa phương đang lao vào cơn lốc khôi phục, mở rộng đền, chùa hoặc khuyến khích người dân thực hiện việc này để thu hút du khách, coi đó như một nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Cách họ đang làm không giống với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Có được bao nhiêu người trong dòng người nườm nượp đổ về các lễ hội hiểu rõ nguồn gốc văn hóa của lễ hội đó, biết được mình đang cầu khấn vị thánh thần nào? Khi mà người ta không biết được mình đang chiêm bái ai, ý nghĩa của lễ hội đó là gì thì cũng dễ có những hành xử không phù hợp. Đó là điều mà chúng ta đã thấy tại nhiều lễ hội đầu năm. Đó cũng là điều mà những người có trách nhiệm quản lý, tổ chức lễ hội chưa làm được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.