Tháp truyền hình là biểu tượng thịnh vượng?

14/03/2015 09:26 GMT+7

VTV vừa công bố dự án xây dựng tháp truyền hình cao 636 m, cao nhất thế giới. Liệu đó chỉ đơn thuần là một cột tháp truyền dẫn tín hiệu hay sẽ là sức bật để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn?

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vừa công bố dự án xây dựng tháp truyền hình cao 636 m, cao nhất thế giới. Liệu đó chỉ đơn thuần là một cột tháp truyền dẫn tín hiệu hay sẽ là sức bật để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn?

Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở DubaiTòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai
Tất cả những công trình xếp vào hàng cao nhất thế giới theo thiển ý của người viết đều có một điểm chung: biểu tượng của thịnh vượng quốc gia và điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình của du khách thập phương.
Với vế thứ nhất, liên quan tới biểu tượng thịnh vượng của tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV, không cần phải dẫn chứng khi tại khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Đông Timor, Myanmar. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD/người, Lào 1.645 USD/người, Campuchia 1.007 USD/người; Myanmar 900 USD/người.
Mới đây, WB công bố bản đồ chỉ số nghèo ở Việt Nam mà chỉ cần bấm chuột vào mỗi tỉnh thành sẽ cho người đọc thấy được những con số. Tỉ lệ nghèo tại vùng núi phía bắc, nhất là khu vực cực bắc và biên giới Tây Bắc, là cao nhất.
Nhật Bản xây tháp truyền hình cao nhất thế giới hiện tại và là công trình cao thứ hai thế giới để giải quyết tình trạng tín hiệu hình ảnh truyền hình bị chặn bởi hằng hà sa số tòa nhà chọc trời ở Tokyo do tòa tháp cũ cao 333 m không thể đáp ứng.
Tôi có cơ hội tham quan nhiều công trình ở nhóm cao nhất thế giới. Đứng đầu là tòa nhà cao nhất hiện tại Burj Khalifa ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) với chiều cao 828 m tính cả ăng ten; thứ hai là Sky Tree ở Tokyo, Nhật Bản, 634 m; tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, Malaysia, cao 452 m đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách 10 tòa nhà cao nhất thế giới.
Tòa nhà Bitexco ở TP.HCM cao 262 m không phải là công trình cao nhất Việt Nam (có chi phí đầu tư 400 triệu USD, bằng ½ tháp truyền hình Sky Tree ở Nhật) gây được chút ít chú ý vì vẻ đẹp của cảnh quan xung quanh nó. Bitexco từng lọt top 5 trong danh sách 20 tòa tháp chọc trời ấn tượng nhất thế giới do kênh du lịch CNNGo của hãng tin CNN bình chọn. Thông thường, những bình chọn kiểu này là cách truyền thông cực tốt để du khách tìm tới.
Tiếc một điều, không có nhiều du khách nước ngoài và cả trong nước chịu bỏ tiền mua vé lên đây tham quan. Các công ty du lịch cũng không đưa Bitexco vào chương trình ngắm thành phố của mình.
Điều gì khiến Bitexco không thể là biểu tượng thịnh vượng quốc gia hay điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, như cách mà Petronas, Sky Tree, Burj Khalifa… đã thành công?
Sky Tree nằm cách đền Asakusa khoảng 10 phút đi bộ. Asakusa là điểm đến quen thuộc của du khách thập phương bởi nơi này không chỉ có ngôi đền cổ Asakusa nổi tiếng mà còn có nhiều trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí về đêm… Từ xa đã thấy Sky Tree sừng sững.
Tháp truyền hình cao nhất thế giới Sky Tree ở Tokyo
Vào những ngày không nắng, đỉnh tháp khuất trong mây và có thể hạn chế du khách lên độ cao 450 m, nơi có Observation Deck (tầng quan sát) số 2, để ngắm cảnh mà chỉ dừng ở 350 m ở Observation Deck số 1. Khắp nơi bên trong khuôn viên Sky Tree là một hệ thống nhà hàng, mua sắm, quán cà phê, bảo tàng… và đặc biệt còn có cả nhà ga điện ngầm ở bên trong. Cụ thể, ở độ cao 350 m có Sky Tree Cafe, Sky Tree Shop và Sky Restaurant 634 (Musashi); ở các tầng chân tháp có Thủy cung (Aquarium), Cung thiên văn (Planetarium), Bảo tàng Bưu chính cùng hàng loạt nhà hàng và trung tâm mua sắm hiện đại trải dài. Bởi thế, khách vào Sky Tree không đơn thuần là ngắm cảnh mà còn có thể giải trí.
Du khách có thể lang thang cả ngày ở bên trong Sky Tree mà vẫn không chán. Chính vì thế, hằng năm có khoảng 6 triệu lượt du khách đến tham quan Sky Tree với doanh thu bán vé và dịch vụ chừng 20 tỉ yen (trong khi kinh phí đầu tư là 65 tỉ yen, tương đương 800 triệu USD, do công ty đường sắt Nhật Bản - Tobu Railway và Đài truyền hình Nhật NHK đầu tư).
Tuy nhiên, khoản thu chính là từ việc cho thuê cột ăng ten của các đài truyền hình ở Nhật Bản để cải thiện việc tín hiệu hình ảnh cho người xem.
Tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur
Sắp tới, VTV có khả năng sẽ xây “tháp truyền hình cao nhất thế giới”, vượt qua Sky Tree, với chiều cao 636 m khiến không ít người ngưỡng mộ và tự hào. Nhưng tôi cũng chưa thể hình dung được VTV sẽ khai thác gì ở tòa tháp cao nhất thế giới đó, để biến nó trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến Việt Nam.
Thủy cung - điểm tham quan bên trong Sky Tree
Liệu VTV đã tính và có sẵn phương án “mở cửa” ngay từ lúc này để biểu tượng tháp truyền hình cao nhất thế giới (636 m) không chỉ là cột truyền dẫn tính hiệu đơn thuần mà còn trở thành một điểm du lịch đáng nhớ trong con mắt của các khách du lịch và cả công ty lữ hành thế giới?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.