Phía sau câu khẩu hiệu

17/04/2015 08:40 GMT+7

Một câu khẩu hiệu được đưa ra đúng thời điểm, có ý nghĩa sẽ có tác dụng hiệu triệu, khơi dậy ý chí quyết tâm của một cộng đồng, người dân của một quốc gia, bất kể già trẻ lớn bé.

Một câu khẩu hiệu được đưa ra đúng thời điểm, có ý nghĩa sẽ có tác dụng hiệu triệu, khơi dậy ý chí quyết tâm của một cộng đồng, người dân của một quốc gia, bất kể già trẻ lớn bé.

Phía sau câu khẩu hiệuMặc dù khẩu hiệu là Khu phố văn hóa nhưng thực tế có lẽ không phải vậy - Ảnh: Thanh Thùy
Từ cuối tháng 3 đến nay, đi trên đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận, TP HCM) ai cũng thấy một dãy các câu khẩu hiệu được treo lên cột điện nhằm cổ xúy cho việc tiết kiệm điện, hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2015.
Những câu khẩu hiệu này hầu hết đều mang tính chất kêu gọi, như “Người người tiết kiệm điện, nhà nhà đều có điện”, “Hãy tắt điện khi không cần, để khi cần sẽ có điện”… Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến câu khẩu hiệu: “Điện nhiều dân khỏe, điện rẻ dân an”.
Tôi thấy câu khẩu hiệu hay, vì nó giản dị, dễ nhớ dễ đọc, dễ đi vào lòng người bởi chất “biền ngẫu”, có tính đối xứng của nó. Mỗi lần đi qua nó, tôi lại nghiệm ra thêm nhiều điều. Nó vừa nhắn nhủ người dân về ý nghĩa quan trọng của nguồn điện đối với đời sống con người, vừa có ý nhắc nhở ngành điện rằng: “Ông EVN ơi, điện mà không rẻ là dân bất an đấy nhé”. Việc nâng tầm ý nghĩa cảnh báo đối với một ngành năng lượng “xương sống” của quốc gia bằng một câu khẩu hiệu như vậy, tôi cho là rất đột phá, thú vị.
Tuy nhiên, trong số hằng hà những câu khẩu hiệu được giăng mắc đầy trên các ngả đường thành phố, rất nhiều khẩu hiệu khiến người người nào đã trót đọc không khỏi thấy “chướng”.
Một câu khẩu hiệu đọc được cách đây không lâu trên một con đường thuộc quận phía nam TP HCM đã khiến tôi phải bận tâm: “Nhân dân khu phố X, phường Y, quận Z quyết tâm phòng chống và bắt giữ bọn cướp giật có phương tiện”.
Một bác xe ôm đứng đón khách gần đó đã giải thích về ý nghĩa của câu khẩu hiệu này: “Vì đoạn đường này thường có bọn đi xe gắn máy cướp giật túi xách, dây chuyền của người đi đường”.
Ra thế, câu khẩu hiệu này là nhằm cảnh báo với người dân về một địa bàn có nạn cướp giật, đồng thời thể hiện quyết tâm phòng chống đối với bọn cướp giật có phương tiện của các quan chức địa phương. Còn việc quyết tâm hay không, và độ quyết tâm của người dân ra sao thì…cũng rất khó mà đo đếm.
Câu khẩu hiệu này thoạt nhìn không có gì sai, nhưng nó lại khiến nhiều người phì cười rồi hỏi ngược lại: “Vậy bọn cướp giật không có phương tiện thì không phòng chống à?” Thế là tác dụng và ý nghĩa của câu khẩu hiệu đã bị giảm đi rất nhiều phần.
Một câu khẩu hiệu được đưa ra đúng thời điểm, có ý nghĩa sẽ có tác dụng hiệu triệu, khơi dậy ý chí quyết tâm của một cộng đồng, người dân của một quốc gia, bất kể già trẻ lớn bé.
Ví dụ như khi đất nước có nguy cơ bị xâm lăng, bị đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ, thì câu khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết!” chẳng khác nào một phát pháo hiệu kinh hồn thức dậy sức mạnh của cả một dân tộc.
Hoặc như trong những ngày biển Đông dậy sóng, đứng trước sự an nguy về chủ quyền lãnh hải của đất nước, câu khẩu hiệu “Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông” đã trở thành một câu cửa miệng đối với bất cứ ai là con dân nước Việt. Và từ đó, trở thành một nguồn lực mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự cường, thấm đến tận tâm can mỗi một người dân…
Vì vậy, mỗi một câu khẩu hiệu khi được nhắc đến thường làm người ta liên tưởng đến một sự kiện vào một thời điểm nào đó, có thể là ở một khu vực và có ý nghĩa với một cộng đồng dân cư, hoặc là rất lớn đối với một quốc gia, một dân tộc với hàng chục triệu người. Điều đặc biệt là câu khẩu hiệu ấy nhất định không phải là dòng chữ ngô nghê, sai cả về ngữ pháp lẫn từ vựng.
Một câu khẩu hiệu nếu được phát ra đúng thời điểm, ý nghĩa của nó sẽ tăng gấp bội phần, bởi khẩu hiệu chỉ được áp dụng và có ý nghĩa trong một giai đoạn nhất định mà thôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.