Nhân trường hợp Hào Anh, nghĩ về từ thiện 'ném tiền'

08/07/2015 14:02 GMT+7

Khi Hào Anh lâm nạn, người ta đua nhau gom tiền cho cậu ấy. Đến khi Hào Anh làm việc xấu, người ta nhảy vào nhiếc móc; người đã cho tiền thì hối tiếc: 'biết thế ngày xưa tôi đã chẳng giúp thằng này'.

Khi Hào Anh lâm nạn, người ta đua nhau gom tiền cho cậu ấy. Đến khi Hào Anh làm việc xấu, người ta nhảy vào nhiếc móc; người đã cho tiền thì hối tiếc: 'Biết thế ngày xưa tôi đã chẳng giúp thằng này'.

Làm từ thiện theo cách "ném tiền" không giúp giải quyết tận gốc rễ vấn đề - Ảnh: Shutterstock
Cách đây chừng 10 năm, một người bạn cùng lớp tôi gặp khó khăn. Không phải là một sự sụp đổ gì ghê gớm, chỉ là sau 5 năm tốt nghiệp đại học, hầu hết bạn bè đều có công ăn việc làm, có người rất thành đạt, riêng cậu này thì vẫn “ăn không ngồi rồi”. Kiến thức học được ở nhà trường trở về gần số 0, kinh nghiệm làm việc không tích lũy được chút nào. Một số bạn bè xin việc cho, chỉ là những việc “chân tay” đơn giản, cậu ấy làm dăm bữa nữa tháng rồi bỏ. Thế là cậu lớp trưởng cũ kêu gọi mọi người quyên góp tiền giúp anh chàng có chút vốn làm ăn, chẳng hạn mua chiếc xe gắn máy để đi làm.
Chuyện tưởng đơn giản, bởi với khoảng 50 người cùng lớp, mỗi người vài trăm ngàn đến một triệu đồng, thì chúng tôi đã có một số tiền không nhỏ. Thế nhưng tranh luận nảy lửa đã nổ ra khi những người có điều kiện về kinh tế nhất lại không ủng hộ kế hoạch quyên tiền. Hầu hết những người tại Việt Nam đều tán đồng, duy có một bạn ở Mỹ, một bạn ở Đức và tôi, lúc đó vừa sang Philippines, không tán thành. Cũng như hai người bạn kia, tôi thấy rằng quyên tiền theo kiểu ấy chỉ là một giải pháp ngắn hạn, chẳng thể giải quyết được vấn đề khó khăn của anh bạn kia. Không có sự ủng hộ của ba thành viên “ngoại”, kế hoạch vẫn được thực hiện và cậu bạn khó khăn kia nhận được một số tiền khoảng 30 triệu đồng.Hơn 4 năm trước, tôi trở về Việt Nam và đi nhậu với những người bạn cũ, hỏi về cậu bạn kia, mới biết tình hình lúc bấy giờ thậm chí còn bi đát hơn thuở trước. Số tiền “tài trợ” năm xưa đã được tiêu sạch, trong khi cậu bạn ấy chẳng thể kiếm được việc làm, suốt ngày chơi lô đề. Đến lúc bấy giờ, chúng tôi mới bắt đầu bàn kế hoạch “5 năm lần thứ hai” để giải quyết một cách căn cơ hơn khó khăn của bạn ấy.
Ngày nay, với sự phổ biến của mạng xã hội, báo mạng, thông tin về các trường hợp cần giúp đỡ nhanh chóng được báo chí và công dân mạng truyền đi. Một bản trên Tây Bắc không có cầu, cô giáo và học trò phải chui túi ni lông bơi qua sông, báo chí, dân mạng lên tiếng. Thế là công dân mạng khắp nơi ào ào góp tiền. Chỉ sau vài tháng, tiền quyên góp đã đủ để xây cầu qua suối. Một người đàn ông trẻ tuổi ở Sài Gòn bị giết chết, dân mạng lại kêu gọi quyên góp với những ngôn từ thống thiết, thế là người ta ào ào góp tiền giúp cho người vợ góa. Vài ngày sau, hình ảnh một facebooker tới trao tiền tận tay góa phụ được lan truyền trên mạng, chứng tỏ sự minh bạch và vô tư của hoạt động quyên tiền, cũng để tạo cảm hứng cho những cuộc quyên góp khác. 
Khi báo chí đưa tin Hào Anh trở thành nghi phạm trong một vụ trộm cắp mới đây tại Lâm Đồng, và trước đó là thông tin cậu ta đuổi cha mẹ ra khỏi nhà sau khi nhận được vài trăm triệu tiền từ thiện, chúng ta lại thấy một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát: cho tiền từ thiện và vấn đề vẫn không được giải quyết.
Có thể thấy nhiều mặt tích cực của hoạt động này, đó là khơi gợi thiện tâm của đám đông, mang đến niềm vui, niềm an ủi trong chốc lát cho đối tượng nhận được sự giúp đỡ, qua đó có thể tạo động lực cho họ vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống… Tuy nhiên, một cách thực dụng, giá trị của những hoạt động kiểu đó theo tôi là có nhiều điểm cần xem xét lại. Sau hơn hai tháng kể từ lúc khánh thành, cây cầu “từ thiện” trên miền Tây Bắc bị lũ cuốn trôi, tiền bạc và lòng hảo tâm của mọi người tan vào dòng nước lũ. Trường hợp góa phụ được giúp đỡ trên, rất ít ai biết rằng bên cạnh hoàn cảnh khốn khó, tình cảnh đau thương do mất chồng, bà ấy còn bị nghiện ma túy, theo như những gì mà về sau tôi được biết qua báo chí.
Có rất nhiều cuộc hô hào làm từ thiện như vậy, và dù giá trị vật chất thu được rất lớn, thì giá trị tinh thần chỉ trong thoáng chốc, và mục đích lớn nhất của từ thiện, đó là tạo ra đổi thay thực sự cho vấn đề khó khăn đương thời thì đã không đạt được. Khi báo chí đưa tin Hào Anh trở thành nghi phạm trong một vụ trộm cắp mới đây tại Lâm Đồng, và trước đó là thông tin cậu ta đuổi cha mẹ ra khỏi nhà sau khi nhận được vài trăm triệu tiền từ thiện, chúng ta lại thấy một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát: cho tiền từ thiện nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết, thậm chí còn tệ hơn!
Nói thật, tôi đã phải bật cười khi thấy người ta sốt sắng kêu gọi quyên tiền mang tới cho một nam nghệ sĩ đang lâm vào cảnh khó khăn, bị ngân hàng siết nợ.
Ngoại trừ các hoạt động từ thiện giải quyết những nhu cầu cấp bách, chẳng hạn cứu đói, các kế hoạch từ thiện nên nhắm vào cung cấp giải pháp hơn là cho tiền bạc, vật chất - Ảnh: Shutterstock
Đám đông rất dễ bị kích động trước những câu chuyện bi thương và họ sẵn sàng cho đi, sẵn sàng ra tay giúp đỡ khi có cơ hội và trong khả năng của họ. Tôi nhớ đúc kết này của kinh tế gia Rubén Hernández-Murillo: “Dù hành vi cho đi ở một số người có thể xuất phát từ lòng vị tha, kinh tế học cho chúng ta thấy rằng động cơ chủ yếu của cho đi đó là sự thỏa mãn nội tại mà các cá nhân đó thu được từ chính hành vi cho đi. Cảm giác mà các cá nhân thu được từ hành vi cho đi cũng tương tự như sự thỏa mãn mà họ có khi mua một chiếc xe hơi mới hoặc đi ăn nhà hàng sang trọng; đặc biệt trong hoàn cảnh mà có nhiều người cho đi thì một cá nhân sẽ tìm thấy sự thỏa mãn khi xét đến số lượng (vật chất) mà anh ta đóng góp…”.
Tại sao bạn giúp đỡ người khác? Đừng nghĩ rằng giúp người khác là bạn có lòng vị tha, mà trước hết, giúp người khác là bạn đang tìm kiếm sự thỏa mãn của bản thân. Sự thỏa mãn đó có thể đến từ cảm giác ta đã làm một việc tốt, ta có điều kiện (nên ta có thể) giúp đỡ - một dạng khẳng định quyền lực, hay tìm được một chút thanh thản cho chính mình.
Tại sao bạn giúp đỡ người khác? Đừng nghĩ rằng giúp người khác là bạn có lòng vị tha, mà trước hết, giúp người khác là bạn đang tìm kiếm sự thỏa mãn của bản thân. Sự thỏa mãn đó có thể đến từ cảm giác ta đã làm một việc tốt, ta có điều kiện (nên ta có thể) giúp đỡ - một dạng khẳng định quyền lực, hay tìm được một chút thanh thản cho chính mình.
Chính vì xuất phát từ động cơ là cảm giác thỏa mãn nội tại nên người ta, sau khi đã tận hưởng sự thỏa mãn của cảm giác cho đi, lại chẳng quan tâm gì tới tính bền vững của các kế hoạch từ thiện mà họ tham gia. Hôm nay người ta ào ào cho đi rồi nhanh chóng quên lãng, đến khi thấy đối tượng được giúp đỡ không đổi thay như mình muốn, như trường hợp của Hào Anh, họ lại nhảy vào chỉ trích, hoặc than trách, hối tiếc.
Tôi đã về những miền quê ở Tây Nam Bộ, thấy những thư viện sách từ thiện nhện giăng nơi cánh cửa, thấy những người dân quê nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí còn nghèo hơn sau khi nhận tiền từ các tổ chức từ thiện nhà nước và phi chính phủ.
Trở lại câu chuyện của chúng tôi, gần hết thời hạn của “kế hoạch 5 năm lần hai”, cậu bạn cùng lớp giờ đang là công nhân một nhà máy trong nội thành Sài Gòn. Cậu vẫn ở nhà trọ, nhưng cậu chí thú với công việc của mình và còn đi học thêm để lấy lại những kiến thức đã hư hao sau những tháng ngày lụn bại mất hết niềm tin. Kế hoạch tái thiết một gã đàn ông lần này có sự tham gia cửa ba cựu thành viên đang sống ở hải ngoại, và mỗi ngày tất cả chúng tôi đều dõi theo những thay đổi của người bạn kia.
Nếu xét đây là hành động cho đi, thì chúng tôi đã không cho cậu ấy vật chất như kế hoạch lần thứ nhất. Cái mà chúng tôi mang tới cho cậu ấy là giải pháp. Giải pháp để thoát khỏi khó khăn, đó mới thực sự là cái cậu ấy cần. Hay như ông bà ta thường nói, hãy cho cậu ấy một cái cần câu, thay vì mang nồi cá kho đến tận nhà cậu ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.