Nhân chuyện ông Nguyễn Sự nghỉ hưu sớm

10/06/2015 08:10 GMT+7

Mấy ngày qua, việc Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nghỉ hưu sớm đã thành chuyện thời sự trên trang báo, cả ngoài đời và trong Quốc hội.

Mấy ngày qua, việc Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nghỉ hưu sớm đã thành chuyện thời sự trên trang báo, cả ngoài đời và trong Quốc hội.

Nghe ông Nguyễn Sự ‘bàn chuyện’… nhân sự - ảnh 2
Ông Nguyễn Sự đi xe đạp đến nơi làm việc - Ảnh: Nguyễn Tú
Chuyện bình thường, quá bình thường ở nhiều nước thành chuyện lạ ở Việt Nam. Anh Nguyễn Sự xem việc về làm dân nhẹ tênh như bản tính chân chất vốn có, nhưng thiên hạ hình như cứ muốn đó là chuyện trọng đại. Tôi biết và quý mến anh từ lâu, qua bạn bè Quảng Nam lẫn Sài Gòn nhưng chưa có duyên gặp mặt. Trong bài “Hội An - hồn xưa phố cổ” đăng trên Thanh Niên tuần san 2012, tôi từng mong muốn Hội An có đường mang tên anh và những người hết lòng vì phố cổ như anh.
Dẫu rằng, không phải việc nào của anh và Hội An tôi cũng ủng hộ, dù được nhiều người khen. Chẳng hạn việc tăng giá vé tham quan, việc xin nhà nước hỗ trợ cư dân. Hay việc buộc tất cả khách vào phố cổ phải mua vé. Chẳng nước nào làm vậy. Không ai bán vé khi khách vào thành phố. Chỉ bán vé khi vào tham quan từng điểm cụ thể. Mỗi nhà trong phố cổ là mỗi cơ sở dịch vụ kinh doanh cá thể. Nếu không có tiền đầu tư hoặc sửa chữa, có thể vay ngân hàng. Nếu để xuống cấp, nhà nước sẽ hùn vốn hoặc mua lại chứ không như Việt Nam. Nghe đâu, trong phố cổ, có không ít nhà của cán bộ lãnh đạo nên mới có chuyện bao cấp như vậy. Tôi biết, có nhiều việc, anh không thể làm khác.
Theo hiểu biết của tôi, thì việc nghỉ hưu sớm (tôi không muốn dùng từ xin), hay từ chối làm lãnh đạo ở Việt Nam chưa phổ biến nhưng không quá cá biệt, nhất là ở phía Nam. Các tỉnh phía Bắc, nhiều người sống chết cũng cố chạy tiền để vào biên chế nhà nước, dù là bảo vệ, tạp vụ hay chị nuôi… Phía Nam thì khác, dân không mặn mà làm cho nhà nước, dù khối người là con ông cháu cha. Họ thích tự khẳng định mình, khoái làm cho liên doanh, nước ngoài và cả tư nhân đàng hoàng hơn. Hoặc tự lập. Chẳng thế mà một loạt các phó giám đốc những Sở béo bở như Kế hoạch, Thương mại, Du lịch… từng nghỉ việc ra làm riêng. Đó là những người giỏi, có giỏi mới dám từ chối vị trí mà nhiều người có muốn cũng không thể, từ bỏ con đường hoạn lộ thênh thang để ra riêng tự lập.
Luật sư Huỳnh Quý, nghỉ làm Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP (quy hoạch Tổng biên tập) ra mở văn phòng luật sư J&Q để được hành nghề mình yêu thích vì Pháp lệnh công chức cấm viên chức nhà nước hành nghề luật sư. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Vĩnh Nghiệp đương nhiệm, xin nghỉ, ra làm Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo; mô hình sáng tạo và hiệu quả, được nhân rộng khắp nơi. Nhờ cương vị mới, ông được phong Anh hùng Lao động, được nhân dân cả nước biết và mến mộ. Anh hùng Lao động, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, nhất quyết không chịu làm Giám đốc Sở Y tế, dù thành phố đã có quyết định và báo chí đã thông tin. Trước đó, khi đang làm Phó chủ tịch Quốc hội, chị nằng nặc xin nghỉ vì nếu tiếp tục, phải làm chuyên trách, rời xa vị trí chuyên môn. Chị tâm sự: “Ai cũng tưởng Phó chủ tịch Quốc hội nhiều quyền lực. Dân oan đến thỉnh cầu, mình chỉ biết ghi nhận và đề nghị lên trên, chẳng làm được gì. Còn chị làm ở bệnh viện, ai cần là chị mổ ngay, giúp ngay được”.
Anh Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư thường trực Thành Đoàn, Phó tổng giám đốc thường trực Saigontourist, được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời ra là Tổng cục phó Tổng cục Du Lịch (quy hoạch Tổng cục trưởng) đã từ chối vì “Em đi làm cách mạng chứ không thích làm chính khách”. Đang làm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư TP, anh xin nghỉ hưu trước 2 năm, nhường sân chơi cho đàn em. Nhà báo Võ Như Lanh, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (tôi hay trêu anh là đệ ngũ Tổng biên tập) cũng xin nghỉ hưu trước 2 năm để nhường lại cho các bạn trẻ. Ngoài Bắc có GS-TS Nguyễn Kế Hào, từ chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT vì bất đồng quan điểm, vì kiến nghị không được lắng nghe.
Cảm kích nhất là việc anh Tư Dò, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Phong, Bình Thuận vào thập niên 1990. Là cán bộ có năng lực, được tín nhiệm, anh đã nhất quyết từ chối tham gia Thường vụ Tỉnh ủy vì không muốn xa mẹ. Anh bảo: “Tôi đi theo cách mạng, xa mẹ mấy chục năm. Giờ mẹ già, chỉ muốn ở gần chăm sóc mẹ”. Thượng tá TS-BS Lê Công Tấn “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên 1984”, tốt nghiệp bác sĩ ở Pháp, không muốn làm quan chức bác sĩ ở Viện 175 nên xin nghỉ hưu non về làm dân và dạy học. Cách đây mấy năm, một trưởng phòng trong công ty báo tin: “Ba em nghỉ việc ra chạy xe rồi. Ba bảo không thích hợp với môi trường đó”. Ông là trung tá công an, Phó phòng Hậu cần của một tỉnh...
Đó chỉ là những trường hợp tiêu biểu mà tôi biết. Còn rất rất nhiều người đầy ắp lòng tự trọng, biết từ chức và cả từ chối lộc quyền nhưng báo chí chưa có dịp nêu danh. Rất nhiều bạn trẻ đã dũng cảm, vượt qua cám dỗ và thử thách, quyết chí chọn con đường riêng, lý tưởng trong veo của tuổi đôi mươi hừng hực. Lòng tự trọng, biểu hiện cụ thể qua việc từ chức, nhường chức là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt từ xưa; đang ngày càng mai một. Hy vọng, qua việc anh Nguyễn Sự nghỉ hưu sớm 2 tuổi, mở đầu cho chuyện lớn hơn, là phục hồi những giá trị căn bản đạo đức và văn hóa của cha ông, mà lòng tự trọng là cấp bách nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.