Nên chấm dứt hình ảnh cảnh sát nằm úp trên nóc ca-pô

06/02/2015 12:07 GMT+7

Lâu lâu các báo lại đưa tin cảnh sát 'bị làm xiếc' trên nắp ca-pô kèm theo ảnh và video trông rất phản cảm. Đã đến lúc chấm dứt những hình ảnh như thế này.

Từ nhiều năm nay, lâu lâu các báo lại đưa tin cảnh sát “bị làm xiếc” trên nắp ca-pô kèm theo ảnh và video trông rất phản cảm do các ký giả, hoặc người đi đường quay, chụp được.

Khi cố gắng dừng xe vi phạm trên đường Tuệ Tĩnh, Hà Nội, cảnh sát đã bị lái xe húc văng lên nắp ca pô - Ảnh: Nhật Trường
Thí dụ mới đây một số báo đưa tin và ảnh: “Cảnh sát nằm nóc ca-pô” trên đường phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội, vào chiều 5.2.2015. Có bạn đọc báo đã nhận xét: “Chả ở đâu như cảnh sát Việt Nam, chuyên kiểu nhảy lên nắp ca-pô”…
Cách đây không lâu, đã có trường hợp một cảnh sát giao thông (CSGT) bị người lái xe ô tô kéo lê cả thân hình trên đường phố Hà Nội. Đặc biệt, năm 2009, một Thanh tra Giao thông (thuộc ngành Giao thông vận tải), đuổi bắt người lái xe ô tô vi phạm luật Giao thông ở Thủ đô đã bị người lái dùng xe ô tô đâm chết.
Hành động dũng cảm, kiên quyết của cảnh sát và thanh tra giao thông khi dừng xe vi phạm nhằm giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông được dư luận nhân dân ghi nhận. Người dân cũng lên án những lái xe vi phạm luật Giao thông ngoan cố, bỏ chạy. Tuy nhiên, về nghiệp vụ dừng xe vi phạm, tuần tra kiểm soát của cảnh sát, thanh tra giao thông nói chung và của lực lượng CSGT nói riêng đều phải được cơ quan chức năng huấn luyện kỹ cho các nhân viên của mình. Khi thừa hành công vụ phải thật tinh thông. Nhất là tình huống đuổi bắt, vốn khá nguy hiểm.
Là một cựu sĩ quan CSGT (đã từng trực tiếp cùng đồng đội đuổi bắt người lái xe ô tô vi phạm luật Giao thông bỏ chạy), qua những vụ việc cảnh sát “bị làm xiếc” trên nắp ca-pô ô tô, CSGT bị kéo lê trên đường phố, hay thanh tra giao thông hi sinh nêu trên, tôi cho rằng các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát nên:
Tuyệt đối không đứng trước chính diện đầu xe (kể cả xe ô tô và mô tô) khi người điều khiển xe chưa tắt máy, bước ra khỏi ca-bin (đối với người lái xe ô tô), hoặc bước chân xuống khỏi xe (đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy) để bảo toàn tính mạng...
Cần biết cách đuổi bắt lái xe vi phạm bỏ chạy. Ngoài các phương pháp nghiệp vụ, có một nguyên tắc đuổi bắt lái xe vi phạm luật Giao thông bỏ chạy là phải thực hiện an toàn cho chính mình (người đuổi bắt) cùng với những người đi đường không bị oan gia kiểu “tai bay vạ gió”, cũng như cả lái xe bỏ chạy (người bị đuổi bắt). Bởi vì thực tế đã xảy ra những trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy chỉ vì không đội mũ bảo hiểm mà bị mất mạng khi chạy trốn lực lượng chức năng.
Về một khía cạnh khác, cho dù người lái xe vi phạm luật Giao thông đường bộ bỏ chạy, cũng mới chỉ có bằng chứng họ vi phạm (luật Giao thông), chứ chưa là tội phạm. Do đó, nếu tình huống đuổi bắt không an toàn thì không cần truy đuổi tiếp mà nên gọi điện cho đồng đội hỗ trợ xử lý, hoặc ghi nhớ biển kiểm soát xe bỏ chạy, để xác minh, phạt “nguội”, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Nhân đây, cũng cần nói về hình thức xử lý đối với những lái xe vi phạm như trong trường hợp này. Thực ra, ngoài tội cố tình chống người thi hành công vụ, hành vi húc thẳng vào cảnh sát của tài xế taxi kia cần được gọi chính xác là tội cố sát, phải bị xử lý hình sự và tước bằng lái vĩnh viễn. Không thể vì chưa xảy ra tai nạn chết người mà chỉ xử phạt hành chính. Luật cũng nên đưa hành vi này vào khung hình phạt giết người. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên có những quy định khắt khe hơn đối với việc tuyển dụng lái xe nói chung, lái taxi nói riêng, cũng như việc cấp bằng lái xe ô tô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.