Muốn chọn cái tốt thì phải thử, kể cả trong hôn nhân!

23/07/2015 09:59 GMT+7

Mọi thứ đều nên thử. Thử để làm gì? Để chắc rằng cái mà mình chọn là tốt, là thật sự phù hợp với mình, là cái mà mình sẽ hài lòng lâu dài với nó. Hôn nhân - một việc hệ trọng cả đời người, cớ gì người ta lại không có quyền thử để chọn đúng người?

Mọi thứ đều nên thử. Thử để làm gì? Để chắc rằng cái mà mình chọn là tốt, là thật sự phù hợp với mình, là cái mà mình sẽ hài lòng lâu dài với nó. Hôn nhân, một việc hệ trọng cả đời người, cớ gì người ta lại không có quyền thử để chọn đúng người?

Sống thử là quyền của mỗi người - Ảnh: ShutterstockSống thử là quyền của mỗi người - Ảnh: Shutterstock
Khi nói về việc sống chung trước khi kết hôn, chúng ta mất quá nhiều thời gian để tranh luận về tên gọi của nó: sống thử hay sống thật?
Bầu chọn
Theo bạn, có nên chung sống trước hôn nhân?
Nhiều người trẻ ra sức chống đối khi bị gọi là "sống thử". Họ cho rằng đó là một cách gọi thiếu tôn trọng. Không bàn đến bản chất thử hay thật, tôi cho rằng nếu quả đúng là "sống thử" thì cũng chẳng có gì là sai. Mua một ít trái cây giá vài chục ngàn đồng người ta còn nhón tay bốc thử một trái ăn xem thơm ngọt ra sao. Chọn một cái áo, dù là hàng chợ đêm, người ta cũng có quyền ướm thử năm ba chiếc để chọn được một chiếc có phom dáng đẹp nhất, màu sắc hài hòa nhất. Và trước những kỳ thi lớn, các sĩ tử vẫn được nhà trường tổ chức cho thi thử đó thôi?
Thử để làm gì? Để chắc rằng cái mà mình chọn là tốt, là thật sự phù hợp với mình, là cái mà mình sẽ hài lòng lâu dài với nó. Vậy cớ gì trong hôn nhân - một việc hệ trọng cả đời người, người ta lại không có quyền thử để chọn đúng người?
Cuộc sống chung dưới một mái nhà giúp người ta thấu suốt những góc khuất ở người bạn trai, bạn gái của mình. Đó là thứ mà ở những buổi hẹn hò ngắn ngủi, những chuyến đi chơi lãng mạn họ không bao giờ bộc lộ.
Chỉ có ở chung mới biết con người hằng ngày ra ngoài với áo quần thẳng thớm, nước hoa thoang thoảng thanh lịch có thật là người chỉn chu tươm tất trong mọi việc hay chỉ chăm chút ngoại hình để khoe thiên hạ. Chỉ có ở chung mới biết những lúc ốm đau bệnh tật, người kia có sẵn lòng nấu cho tô cháo giải cảm, hay chỉ "quan tâm" bằng một câu gọn lỏn không hơn không kém "Nghỉ ngơi cho mau khỏe nha!" rồi biến mất vào những cuộc bù khú vui vẻ ngoài kia.
Sống chung, để biết mình có đủ bản lĩnh để quản lý chi tiêu cho sinh hoạt gia đình hay không, hay sự túng thiếu sẽ biến ta thành những con người cáu bẳn và suốt ngày chì chiết lẫn nhau vì đồng tiền?
Nói về vấn đề giới tính, người ta vẫn hay bảo rằng phụ nữ là người thiệt thòi nhất trong những cuộc sống thử. Điều này đúng chứ không sai, ít ra là trong một xã hội còn quá nhiều định kiến như Việt Nam hiện tại.
Nhưng thử so sánh mà xem, liệu những người phụ nữ bước ra sau những cuộc hôn nhân chính thống (được pháp luật thừa nhận, được họ hàng chứng kiến) đổ vỡ có ít thiệt thòi hơn chút nào không? Trong cả hai trường hợp ấy, phụ nữ vẫn là người bị tổn thương và ám ảnh vì lỡ một lần đò, như chim sợ cành cong. Chưa kể, nếu có con thì đa số sẽ trở thành những bà mẹ đơn thân, vật vã nuôi dạy con trước cái nhìn ái ngại và thương cảm của xã hội.
Kính thưa quý vị, xin đừng ngây thơ bảo rằng người chồng, người cha theo pháp luật có nghĩa vụ chu cấp để cùng người phụ nữ nuôi dưỡng con cái cho đến lúc trưởng thành. Sự chăm sóc của người cha dành cho đứa con xuất phát từ tình thương chứ không phải là nghĩa vụ được quy định trong bản án ly hôn. Đó là chưa kể hệ thống luật pháp tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có đủ những chế tài cứng rắn cần thiết để buộc những người đàn ông thực hiện nghĩa vụ một khi họ cố tình trốn tránh. Vậy thì phụ nữ, sống thử hay sống thật trong hôn nhân, có ai sướng hơn ai khi điểm khác nhau chỉ là một tờ giấy đăng ký kết hôn?
Và, đã bao nhiêu người kết hôn, ly hôn, rồi tái hôn. Vậy lần kết hôn đầu rốt cuộc có khác gì một lần "sống thử"? Thử hay thật hóa ra lại nằm ở một tờ giấy hay sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.