Mặt trái của từ thiện tự phát

11/11/2015 11:34 GMT+7

Gần đây, trên báo chí và các trang mạng xã hội diễn ra tranh luận về những câu chuyện từ thiện. Có hay không việc chi tiêu mờ ám ở các quỹ từ thiện tự phát, từ thiện không đúng cách có giúp được người nghèo?

Gần đây, trên báo chí và các trang mạng xã hội diễn ra tranh luận về những câu chuyện từ thiện. Có hay không việc chi tiêu mờ ám ở các quỹ từ thiện tự phát, từ thiện không đúng cách có giúp được người nghèo?

Hoạt động từ thiện luôn luôn được cộng đồng hưởng ứng. (Trong ảnh: các ca sĩ quyên tiền ủng hộ người bệnh nghèo tại BV Từ Dũ, TP.HCM) - Ảnh: Thành CôngHoạt động từ thiện luôn luôn được cộng đồng hưởng ứng. (Trong ảnh: các ca sĩ quyên tiền ủng hộ người bệnh nghèo tại BV Từ Dũ, TP.HCM) - Ảnh: Thành Công
Tạo thêm tệ nạn xã hội
Rất nhiều các hội nhóm từ thiện tại Việt Nam đang hoạt động tự phát, không phải là quỹ từ thiện, không có giấy phép hoạt động từ thiện được quy định theo pháp luật Việt Nam. Cũng khó đòi hỏi những hội nhóm này được kiểm toán minh bạch.
Ở rất nhiều hội nhóm từ thiện mà tôi biết, công khai tài chính luôn là vấn đề nhạy cảm mà nhiều thành viên quan tâm nhưng ít ai dám lên tiếng vì ngại đụng chạm. Họ bị rào cản tâm lý: “Đã từ thiện còn quan tâm đến chuyện tiền nong” hoặc vì tin vào cái “tâm sáng” của những người đứng ra thành lập hội nhóm từ thiện.
Gần đây, trên mạng xã hội Facebook đang rộ lên chuyện tố qua lại giữa các thành viên và những người tham gia từ thiện về một facebooker ở Nghệ An, là sáng lập viên của Nhóm từ thiện TT. Đó là việc thu chi khuất tất của người này cùng những cáo buộc chèn ép người được nhận từ thiện nhằm quản lý tất cả số tiền từ các nhà hảo tâm để lo cho đứa con bị bệnh nan y của mình được sống những ngày cuối đời viên mãn.
Chúng ta từ thiện bằng cách đem cho ai đó một chút tiền, rồi mặc kệ cuộc đời họ với số tiền đó, miễn mình cảm thấy thoải mái là được. Đó là sự ích kỷ. Làm từ thiện là cả một quá trình thể hiện sự cứu rỗi, không phải chỉ đơn giản là hành vi đem tiền đi cho.
Hẳn chúng ta không còn lạ với những câu chuyện về em Hào Anh, nhận tiền từ thiện rồi tiêu xài hoang phí, hắt hủi bố mẹ, hết tiền thì ăn cắp. Là câu chuyện về anh Tuấn sống cùng hai con gái trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7 – TP. HCM), tiêu hết số tiền từ thiện thì lại trở về sống cảnh bần hàn hòng cầu mong lòng thương xót. Là người mẹ cõng đứa con trai 20 tuổi dặt dẹo đứng trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu xin tiền người đi đường mua chiếc xe lăn với câu nói “còn thiếu 200.000 nữa thôi là đủ mua xe”. Biết bao nhiêu lần người đi đường rút túi cho 200.000 đồng nhưng chiếc xe lăn thì vẫn bặt vô âm tín. Còn nhiều lắm những câu chuyện như thế cho thấy nếu từ thiện không đúng cách không những không giúp được người nghèo, còn đẩy họ tới việc lười biếng chỉ biết trông chờ lòng thương hại của người khác; xấu hơn là ăn cắp, cướp giật để có tiền xài.
Ông bà ta đã dạy: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, đi cửa trước, ra cửa sau rồi tan biến hết. Tiếc rằng, chúng ta vì sự hào nhoáng của hai chữ “từ thiện” mà bỏ qua. Chúng ta từ thiện bằng cách đem cho ai đó một chút tiền, rồi mặc kệ cuộc đời họ với số tiền đó, miễn mình cảm thấy thoải mái là được. Đó là sự ích kỷ. Làm từ thiện là cả một quá trình thể hiện sự cứu rỗi, không phải chỉ đơn giản là hành vi đem tiền đi cho.
Cả xã hội ta đang hoạt động từ thiện một cách tự phát, mất kiểm soát, không có phương pháp, không có mục đích rõ ràng và đang gây ra những hệ luỵ tiêu cực cho xã hội.
Ngày 10.11.2015, báo Thanh Niên có bài viết “Cướp cơm từ thiện ở Sài Gòn” phản ánh việc nhiều người tới lấy cơm từ thiện trước cổng bệnh viện một cách chuyên nghiệp. Lấy xong, họ chọn cơm ngon để ăn, còn thừa thì bán lại với giá 10.000 đồng/hộp, cơm không ngon hoặc cơm chay họ đem về cho heo ăn, một số dân nhậu thì lấy thịt, đồ ăn làm mồi nhậu, cơm trắng thì vứt vung vãi trước cửa bệnh viện. Tệ hại hơn, không ít thành phần là con nghiện, người vô gia cư, lười lao động cứ vật vờ trước cửa bệnh viện chờ lấy cơm từ thiện. Họ chẳng làm gì, chỉ nhậu, hút chích hoặc tán dóc trước cổng bệnh viện từ sáng tới tối, cứ có ai đến cho cơm là họ xông ra giành lấy. Có người còn đem cơm lấy được về bán lại một ngày cũng được mấy chục ngàn đồng.
Cần lắm những chế tài cho hoạt động từ thiện
Hoạt động từ thiện nở rộ ngoài việc thể hiện sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội còn thể hiện sự nhân văn và ý thức vì cộng đồng của một số người dư giả. Tuy vậy, hoạt động từ thiện mất kiểm soát lại đưa xã hội đứng trước những hiểm hoạ khó lường khi nó làm mất đi ý thức lao động trong một bộ phận người nghèo, đẩy họ vào hoàn cảnh dễ dàng phạm tội. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những chế tài rõ ràng, cụ thể và sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng để chấn chỉnh các hoạt động từ thiện nhằm đạt được những giá trị cao đẹp vốn có của nó.
Chúng ta đã có các quy định khi thành lập quỹ từ thiện. Tuy nhiên, người viết chưa tìm thấy những quy định hoặc chế tài xử phạt những người hoạt động từ thiện tự phát hoặc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ các hoạt động từ thiện. Chúng ta cũng chưa tuyên truyền, giáo dục kèm hướng dẫn pháp luật về việc tổ chức thực hiện từ thiện. Do vậy, cả xã hội ta đang hoạt động từ thiện một cách tự phát, mất kiểm soát, không có phương pháp, không có mục đích rõ ràng và đang gây ra những hệ luỵ tiêu cực cho xã hội.
Nếu không có sự can thiệp chấn chỉnh kịp thời và đủ tính răn đe từ pháp luật, e rằng hoạt động từ thiện mất kiểm soát sẽ biến tướng thành các hình thức lừa đảo, và đẩy lùi ý thức lao động của xã hội hoặc chỉ tạo thêm tệ nạn cho xã hội mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.