Liệu pháp nào cho nạn trộm chó?

09/01/2015 12:36 GMT+7

Có đến hai cái chết liên quan đến nạn trộm chó chỉ trong bốn ngày, từ hôm 30.12.2014 đến 2.1.2015: một án tử hình do TAND TP.HCM dành cho kẻ trộm chó giết người truy đuổi và một từ cuộc vây bắt và đánh chết người trộm chó tại Quảng Ninh. 'Liệu pháp' xử nặng đã được áp dụng nhưng nạn trộm cướp gây loạn này dường như chưa có dấu hiệu suy giảm…

Có đến hai cái chết liên quan đến nạn trộm chó diễn ra trong bốn ngày, từ hôm 30.12.2014 đến 2.1.2015: một án tử hình do TAND TP.HCM dành cho kẻ trộm chó giết người truy đuổi và một từ cuộc vây bắt và đánh chết người trộm chó tại Quảng Ninh. “Liệu pháp” xử nặng đã được áp dụng nhưng nạn trộm cướp gây loạn này dường như chưa có dấu hiệu suy giảm…

Những con chó tội nghiệp bị bắt nhốt chờ vào lò mổ - Ảnh: Xuân Bùi
Tại phiên tòa lưu động hôm 30.12.2014 tại sân vận động Củ Chi, Hồ Văn Hiếu đã bị TAND TP.HCM kết án tử hình vì tội giết 3 người truy đuổi khi Hiếu cùng đồng bọn trộm chó vào tháng 6.2014, những người còn lại lãnh mức án từ 10 - 12 năm tù.
Bốn ngày sau, ngày 2.1.2015, tại Đông Triều, Quảng Ninh, một đám đông lại đánh chết một trong hai tên trộm chó khi nhóm đạo tặc này dùng súng hoa cải chống trả không thành.
Những cuộc chiến giữa dân làng quá khích và những nhóm trộm chó hung hãn xem ra vẫn chưa có hồi kết.
Theo ước tính của Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA), mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó. Nếu tính bình quân đầu người thì cứ khoảng 20 người thì tiêu thụ một con chó trong một năm. Số lượng chó “khủng khiếp” này lấy từ đâu ra?
Trước hết là từ nguồn buôn lậu. Phóng viên Kate Holdal của tờ The Guardian (Anh) năm ngoái đã đưa ra con số, chỉ riêng Thái Lan thôi đã có khoảng 300.000 chú khuyển mỗi năm bị bắt trộm và xuất khẩu sang nước ta bằng con đường buôn lậu có hơi hướng “mafia”. Rõ ràng, đồng thời với việc nhập lậu chó, những tay buôn lậu đã “xuất khẩu” nạn trộm chó sang các nước láng giềng.
Nguồn thứ hai là từ mua bán, trao đổi. Ngày trước, thỉnh thoảng người ta lại thấy những người hàng rong chở nồi niêu, xoong chảo dạo quanh các vùng thôn quê và rao đổi chó. Nhưng giờ việc trao đổi đó cũng hiếm vì những đồ gia dụng ấy không còn có giá trị cao như những năm trước.
Nguồn còn lại và là chủ yếu cung cấp cho những quán thịt cầy mọc lên khắp cả nước, tất nhiên là từ trộm chó. Đó cũng chính là lý do vì sao những vụ án đánh hội đồng đến chết kẻ trộm chó không chỉ xuất hiện ở một hai địa phương mà lan ra khắp mọi tỉnh thành trên cả nước. Ngược lại, phía những người bảo vệ chó cũng có nhiều người phải thiệt mạng hay lãnh án tù nặng nề do các hành vi trả đũa vượt quá luật định...
Không chỉ gây thiệt hại người và của, các vụ án này còn tạo ra nguy cơ bạo hành và bất tuân thủ luật pháp mang tính tập thể, gây ra mầm bất ổn ở nhiều vùng quê.
Phân tích những số liệu thống kê trên để có thể thấy rằng những miếng “đặc sản” thịt cầy “thơm ngon bổ dưỡng” ở các quán nhậu, nhà hàng kia đa phần là từ các hành vi trộm cướp mà có. Và đương nhiên là đa số những lò mổ, những quầy bán thịt chó tươi là những nơi tiêu thụ đồ gian. Có thể chắc chắn một điều là các nơi tiêu thụ ấy có biết hoặc có liên hệ mật thiết với nguồn cung của mình, những băng nhóm chuyên trộm chó. Báo chí cũng đã từng phản ảnh nhiều đường dây trộm chó, trong đó những kẻ tiêu thụ là những người “chăn dắt” và cung cấp những dụng cụ để giết và bắt chó cho những tay trộm chó.
Thế nhưng trong những cuộc chiến thực sự đã diễn ra và những cuộc chiến pháp lý giữa kẻ trộm chó và người bảo vệ các con vật thường được mệnh danh là “bạn của con người” này, các tay đầu nậu, người tiêu thụ, đều được “miễn trừ trách nhiệm”. Chưa có một cuộc điều tra và xử án nào mà những người tiêu thụ đồ gian ấy được cùng đem ra xét xử trước vành móng ngựa.
Đã đến lúc người dân nước ta nên theo xu thế hòa nhập vào dòng chảy văn minh toàn cầu mà hạn chế thứ “đặc sản” có khi đẫm máu con người này. Cạnh đó, cần có những quy định và chế tài chặt chẽ về nguồn gốc, về vệ sinh an toàn thực phẩm của thịt chó giống như những quy định về thịt heo, thịt bò hay gia cầm hiện hữu.
Đi đôi với những quy định trên là việc tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ cũng như xử lý nghiêm minh trong việc tiêu thụ thịt chó để ngăn chặn nguồn cung bất minh và làm giảm đi nguồn cầu loại hàng hóa đặc biệt này là những biện pháp căn cơ để hạn chế đại dịch trộm chó như hiện nay...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.