Lễ Giáng sinh... trông người mà ngẫm đến ta!

25/12/2014 16:25 GMT+7

Giáng sinh vốn là ngày lễ lớn nhất của các tín hữu Ki tô giáo, nhưng nay dần trở thành ngày hội lớn của mọi người. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng cách đón nhận mỗi nơi mỗi khác.

Giáng sinh vốn là ngày lễ lớn nhất của các tín hữu Ki tô giáo, nhưng nay dần trở thành ngày hội lớn của mọi người. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng cách đón nhận mỗi nơi mỗi khác.


Người dân TP.HCM đổ về khu trung tâm thành phố, nơi có nhà thờ Đức Bà trong đêm Noel
 - Ảnh: Hoài Nhơn

Trong nhà và ngoài đường

Người phương Tây rất hào hứng khi chuẩn bị cho lễ Noel. Thường là các bạn dành dụm thời gian cùng gia đình trang trí cây thông, đi chợ mua đồ cho đêm Giáng sinh. Nhưng, người Việt chúng ta thì đi đến siêu thị chìa tiền ra và bê về cây thông đã trang trí sẵn phủ đầy dây tráng kim với đèn nhấp nháy, vai khoác bánh kẹo, hạt dưa,... Cũng chả khác gì các cụ ngày xưa cứ chiều ba mươi tết thì đánh cá ao, làm thịt lợn rồi gói bánh chưng, đêm ngồi quanh bếp củi lửa nấu sôi sình sình chờ lúc giao thừa; thì bây giờ, người ta ra siêu thị chỉ một tiếng đồng hồ là sắm đủ đồ tết.

Đêm Noel, người phương Tây hầu như ở nhà. Đường phố vắng hoe hoắt, ai ai cũng ở trong nhà cùng với gia đình mình. Họ chỉ có khái niệm đi lễ Noel thành kính trước tượng chúa Hài đồng, Đức mẹ Maria, Thánh Giuse, những con cừu nhỏ, máng cỏ và hang đá nhân tạo,… lấp lánh trong ánh sáng màu hồng rực rỡ và tiếng nhạc lời ca ấm áp linh thiêng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương…”, chứ ít có chuyện đi chơi đêm Noel. Nhưng, một bộ phận người Việt thì... trên từng cây số, khắp mọi nẻo đường. Đêm Noel nào cũng tắc đường. Nhà thờ lớn Hà Nội và Nhà thờ lớn Sài Gòn đông đúc, chen chúc, người ta đi chơi vui vẻ, đi xem nhiều hơn là đi lễ. Cái sự vui vầy này lâu dần trở thành nếp sống cũng khá thú vị và trở thành nhu cầu thật sự trong đời sống.

Lúc nửa đêm Giáng sinh, người phương Tây quây quần cùng gia đình ăn bữa tiệc "reveillon" gồm cá chép, ngỗng, thịt lợn tích hợp của biểu tượng: thủy - khí - mộc, rồi lắng nghe giai điệu chầm chậm của bài hát “Đêm thánh vô cùng”: “Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng. Ðất với trời se chữ Ðồng. Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa...”. Còn người Việt gọi nhau ngồi ở vỉa hè, con gái nhấp nhẳng món nướng, con trai vây quanh nồi lẩu bốc khói nghi ngút, hoặc sà vào bãi bia hơi khuya khoắt mỗi lần cụng ly là một lần... dô... dô...dô; chỉ ít gia đình giàu có đi nhà hàng sang trọng, lặng lẽ ngồi ăn. Một bộ phận nữa thì dạt vào bar uống rượu, nhảy đến tận sáng, ai biết dừng lại đúng lúc thì đêm Noel thú vị tưng bừng; ai quá đà thì sặc hơi men, mệt dỉu dả, hôm sau đến công sở làm việc ngáp ngắn ngáp dài. Giáng sinh với tết Nguyên đán càng mang hơi hướng văn minh công nghiệp rõ nét thì hồn vía cổ truyền càng mai một. Chẳng biết lo hay mừng?

Cũng đêm Noel, người phương Tây “hôn nhau dưới nhánh thường xuân thì sẽ yêu nhau suốt đời", và yêu nhau ở căn nhà của mình, họ muốn đứa con của mình ra đời trong thời khắc Chúa giáng sinh linh thiêng thì mình cũng đúc được đứa con của Chúa thiêng liêng. Nhưng đêm Noel ở nước Việt ta? Không hiếm các cặp trai gái dắt nhau đi đến nhà nghỉ và đến nhà nghỉ nào cũng... hết phòng! Vốn ngày thường đã không ai thống kê được bao nhiêu cô gái đáng thương cả tin dại dột mất trinh vì những tay đàn ông bợm già, thì đêm Chúa ra đời cũng chẳng ai biết sẽ có bao nhiêu giọt sống được hình thành vạ vật trong các nhà nghỉ tồi tàn, nhếch nhác cho đến hotel sang nhã. Và, sau đó bao nhiêu cái thai bị sổ ra trong các phòng sản tư nhân, trong bệnh viện? Bao nhiêu được làm người, để rồi sau này lớn lên lại náo nức đi chơi trong lạnh giá đêm Noel phải tìm hơi ấm của nhau như bố mẹ chúng ngày xưa?
 
Quà Noel

Theo truyền thuyết ngày xưa xa lăng lắc, ông già Noel cưỡi cỗ xe có bốn con tuần lộc kéo, phóng như bay trên trời, ông ghé vào các nhà có cây thông Giáng sinh, lặng lẽ leo qua ống khói, lấy món quà nhỏ xinh xắn, đặt bên đầu giường cho các em nhỏ đang ngủ mê man trong giấc mơ. Quà giáng sinh mang ý nghĩa tinh thần ở phương Tây, chỉ là cái thiệp chúc, món quà nhỏ xinh xắn: đôi dép nhỏ đính cái nơ đỏ; cái gương tròn thắt giải băng màu hồng; đôi tất trắng điểm hoa nhỏ li ti...
 
Trong khi đó, ở nước Việt Nam bây giờ quà giáng sinh đã thiên biến vạn hóa. Các chàng nàng sinh viên nghèo dù còn nợ tiền học phí thì cũng đủ lãng mạn mua bông hoa tươi tặng bạn, tặng người yêu. Người chồng tối ngày đi làm công sở thì cũng biết giật mình nhớ lại Mùa Vọng năm xưa đi trong lạnh lẽo yêu nhau, cũng biết dừng xe dọc đường mua tặng vợ một cái áo ấm, dù có thể nàng chẳng còn nhớ nữa. Tôi được ông bạn nhà văn theo Ki tô giáo tặng tấm bưu thiếp in hình cụ ông lùn cầm ly rượu, cụ bà cũng rất thấp cười tươi cầm tờ giấy khế ước tình yêu buông dài, trông rất ngộ nghĩnh; ở giữa là cây thông Noel, với dòng chữ: “Chúc mừng nhà văn một mùa Giáng sinh đầy ân sủng, sáng tạo và bình an cho gia đình”.

Tuy nhiên, quà Giáng sinh nước Việt bây giờ bị biến tướng đi rất nhiều, làm cho món quà mang ý nghĩa tinh thần lại trở thành gánh nặng vật chất đè lên vai. Mùa Giáng sinh là thời điểm người ta có dịp trả ơn, có cớ biếu xén, hối lộ để xin việc, để được thăng cấp thăng chức, để chứng tỏ lòng trung thành, cúc cung tận tụy. Sếp được nhận quà Giáng sinh của cấp dưới. Phụ huynh nô nức đến nhà cô giáo tặng quà. Chủ doanh nghiệp chạy như chong chóng mang phong bao đến các đối tác làm ăn, đến quan chức cánh hẩu... Lẽ ra quà tặng qua tay ông già Noel chỉ là món nhỏ nhoi giản dị của chúng sinh bình thường, lam lũ hoặc lãng mạn; thì bây giờ ông già Noel phải chuyển cả những món quà quý là tiền đô, vàng, nhà, đất... của kẻ hám lợi, bất chấp những đạo lý thông thường.

Một mùa Noel nữa lại đến, vừa vui vừa buồn!

 

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, đại tá - nhà văn Sương Nguyệt Minh hiện công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và website www.thatmah.com hướng đến sự đọc ngẫm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.