Khi cầu thủ Manchester City ngán ngẩm

29/07/2015 14:05 GMT+7

Nghe Công Vinh bảo rằng bài diễn văn còn dài, và sau ông này còn nhiều ông phát biểu nữa, thủ môn Joe Hart của đội khách mời Manchester City than: “Chúa ơi, biết thế tôi đã lôi một cái nệm ra sân để nằm thư giãn”.

Nghe Công Vinh bảo rằng bài diễn văn còn dài, và sau ông này còn nhiều ông phát biểu nữa, thủ môn Joe Hart của đội khách mời Manchester City than: “Chúa ơi, biết thế tôi đã lôi một cái nệm ra sân để nằm thư giãn”.

Dân mạng chế ảnh về nỗi ngán ngẩm của các cầu thủ Manchester City 

Dân mạng đúng là… dân gian. Tôi lướt facebook, vừa bắt gặp tấm hình chế về cuộc đối thoại chớp nhoáng giữa tiền đạo Công Vinh của tuyển Việt Nam và thủ môn Joe Hart của đội khách mời đến từ nước Anh trong trận đấu tại sân Mỹ Đình hôm 27.7. Bối cảnh diễn ra cuộc đối thoại là ngay trước khi bóng lăn, trong lúc các cầu thủ đang xếp hàng đứng trên sân để nghe lãnh đạo phát biểu. Thấy ông nào cũng nói dài, sốt ruột quá, Joe Hart băn khoăn: “Tại sao họ lại nói dài thế, họ có biết chúng ta rất mỏi chân không?” Công Vinh đứng cạnh đấy đùa: “Bạn cứ từ từ thả lỏng và khởi động lại đi vì bài phát biểu còn dài và người phát biểu còn nhiều lắm”. Joe Hart bấy giờ đã thốt lên: “Chúa ơi, biết thế tôi đã lôi một cái nệm ra sân để nằm thư giãn”. 

Tình huống trên chỉ là tưởng tượng của công dân mạng nhưng nó phản ánh một sự thật, rằng các cầu thủ đến từ nước Anh rất ngán màn tra tấn bằng diễn văn. Ảnh chụp trên báo cho thấy trong lúc mấy ông kia phát biểu thì Joe Hart và đồng đội hoặc mặt mũi ỉu xìu hoặc nói chuyện giết thời gian. Thế là dân gian đã không bỏ qua cơ hội để châm biếm thói hư tật xấu của xã hội, đặc biệt là của giới có chức có quyền. Thói hư tật xấu cụ thể trong trường hợp này là những phát biểu dài lê thê, đầy “kính thưa”, “kính gửi”, “cảm ơn”, “chúc sức khỏe”… Cái lễ nghi vốn đã hoành hành bao nhiêu năm sau lũy tre làng, giờ đến lúc hội nhập với quốc tế, nó lại được dịp phô ra cho thiên hạ năm châu xem.
Về nghi lễ rườm rà của trận đấu, báo Daily Mail từ nước Anh bình: “Các cầu thủ của ông Manuel Pellegrini phải đứng hơn mười lăm phút trong màn giới thiệu và phát biểu trước trận đấu của các quan chức Việt Nam. Rồi họ còn nhận được hoa từ ban tổ chức trận đấu nữa”. 
Dài dòng quá thể, đá bóng thì nhân vật chính phải là cầu thủ và trọng tài. Nhưng ở đây, chúng ta thấy sự xuất hiện của quá nhiều nhân vật chính, mà nhân vật nào cũng muốn “cướp diễn đàn”. Trong kí ức chưa xa, tôi nhớ mùa hè World Cup 1994 ở Mỹ, sau lễ khai mạc, người ta mời Tổng thống Bill Clinton của nước chủ nhà lên phát biểu. Ông Clinton đứng lên từ hàng ghế của mình và nói một câu ngắn gọn: “Tôi tuyên bố World Cup bắt đầu.” Chỉ đơn giản thế thôi nhưng vẫn không thiếu sự trang trọng. Ông Clinton, với khả năng hùng biện và truyền cảm hứng của mình, đã có thể nhân cơ hội ấy làm một bài diễn văn 60 phút, nói về vinh dự của nước Mỹ khi tổ chức World Cup, nói rằng sự kiện này sẽ thay đổi quan niệm của thế giới về người Mỹ chơi bóng đá, nói về ý nghĩa của trò chơi bóng đá đối với hòa bình thế giới, cảm ơn khán giả toàn cầu, cảm ơn FIFA, cảm ơn Brazil, Pháp, Đức, cảm ơn ca sĩ Diana Ross… vân vân và vân vân. Nhưng ông chỉ nói một câu ngắn gọn, bởi ông biết các cầu thủ bóng đá và người hâm mộ toàn cầu đang chờ đợi điều gì. Họ chờ trái bóng lăn. Nó hoàn toàn khác với các sự kiện mà người dự khán đến để nghe phát biểu của diễn giả. 
Tôi nhớ mùa hè World Cup 1994 ở Mỹ, sau lễ khai mạc, người ta mời Tổng thống Bill Clinton của nước chủ nhà lên phát biểu. Ông Clinton đứng lên từ hàng ghế của mình và nói một câu ngắn gọn: “Tôi tuyên bố World Cup bắt đầu.”
Ta có thể gặp thói quen phát biểu dài dòng, “Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn A”, “Cảm ơn đồng chí Nguyễn Thị B”… tại hầu như mọi sự kiện ở xứ sở Việt Nam này: hội thảo khoa học về biến đổi gien, tổng kết công tác văn hóa cấp phường, khai giảng năm học mới tại trường điểm... Ở nhiều hội thảo khoa học, đôi khi màn phát biểu của quan chức chiếm gần 1/3 thời lượng của sự kiện mà lẽ ra nhân vật chính phải là các nhà khoa học trình bày tham luận. Đau lòng nhất là có những buổi khai giảng, bế giảng hoặc đón lãnh đạo, học sinh phải ngồi dưới ánh nắng gắt cả buổi để nghe hết hiệu trưởng trường kính thưa, đến lãnh đạo địa phương kính gửi, đến lãnh đạo trung ương chỉ đạo, biểu dương; chưa kể còn màn cử đại diện học sinh lên hứa quyết tâm này nọ nữa. Phải chăng những màn tra tấn như vậy góp phần vào những nguyên nhân khiến học sinh không còn thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. 
Tôi nhớ có lần về Việt Nam tổ chức họp khóa, cái cậu trưởng ban liên lạc đã nhắc đi nhắc lại cậu soạn diễn văn rằng nhớ đừng để sót tên người nọ, người kia trong phần kính thưa ở đầu nhé. Lúc ấy tôi đã phì cười: “Họp khóa có cần diễn văn khuôn sáo và dài dòng vậy không?” Cậu kia mới giải thích: “Phải đầy đủ, nếu không người ta lại trách đấy”. 
Cầu thủ Manchester City mệt mỏi trước màn tra tấn bằng diễn văn dài lê thê - Ảnh: Tuấn Phạm
Tôi nghe kể có nhiều khách VIP còn bỏ họp ra về khi thấy diễn văn khai mạc không xướng đích danh tên mình, hoặc người soạn diễn văn bỏ tên mình sau tên ông A, ông B kia; nếu không bỏ họp ra về thì sau đó gọi điện trách móc. 
Cái thứ văn hóa kinh hoàng ấy còn lan sang màn hình ti vi và các trang báo. Có nhiều buổi truyền hình sự kiện, thấy phát biểu của quan chức chiếm hầu hết thời lượng. Nhiều bản tin trên báo, trên trang nhất hẳn hoi, chiếm khoảng 2/3 nội dung là giới thiệu danh sách quan chức tham dự một sự kiện nào đó, vài câu còn lại cuối cùng mới nói về nội dung của sự kiện, cũng chẳng đề cập tới các quan chức được nêu tên đến để làm gì: phát biểu chỉ đạo, ngồi nghe hay nhận phong bì? Tôi đọc mà nhiều lúc cảm thấy độc giả bị coi thường và thầm liên tưởng đến cảm giác của những em học sinh ngồi phơi nắng chịu trận trong lúc cái ông bụng phệ trên kia huyên thuyên. Tôi không biết cái thể loại báo chí ấy thì ai đọc. Những người có tên trong đó đọc chăng?
Thói quen phát biểu dài dòng, đầy những kính thưa, kính gửi đã hoành hành bao nhiêu năm nay. Nhiều người đã lên tiếng nhưng nó vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Đơn giản bởi khi là người chịu trận thì người ta lớn tiếng phê bình, nhưng đến lượt mình lên bục, thì lại biến tất cả những người dự khán khác thành nạn nhân. Một vòng tròn luẩn quẩn. 
Ở Việt Nam, tôi thấy ai cũng ghét tham nhũng, cũng lên án tệ nhận hối lộ, nhưng họ lại không ngần ngại xì tiền cho cảnh sát giao thông để khỏi bị tịch thu bằng lái. Văn hóa thỏa hiệp cũng tương tự như văn hóa “kính thưa” nói trên, chỉ bị tiêu diệt khi mỗi một cá nhân trước hết phải thay đổi chính mình. Mới đây, khi đến thăm Kenya, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói: “Nỗ lực chống tham nhũng không bắt đầu và hoàn tất bằng những điều luật nghiêm khắc. Nỗ lực này đòi hỏi sự dấn thân của cả đất nước, bao gồm lãnh đạo và thường dân, để thay đổi thói quen và thay đổi văn hóa”. Cái “văn hóa kính thưa” kinh hoàng ở Việt Nam cũng vậy, nó đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi con người, đặc biệt là của giới quan chức, nên muốn thay đổi nó đòi hỏi sự dấn thân của nhiều phía, trước hết là những người có cơ hội đứng trên bục phát biểu. 
Xin tất cả những ai, cầm giấy hoặc nói vo, mỗi một lần lên bục phát biểu cần ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề giùm!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.