Đừng dung dưỡng 'văn hóa chửi' trong đầu những đứa trẻ

17/08/2015 15:22 GMT+7

Tôi xem clip cậu bé 14 tuổi lên tiếng về giáo dục Việt Nam mà không khỏi thấy buồn. Không phải vì cậu bé nói không có lí, tôi buồn vì những đứa trẻ đang bị cuốn vào thứ “văn hóa chửi” của người lớn.

Tôi xem clip cậu bé 14 tuổi lên tiếng về giáo dục Việt Nam mà không khỏi thấy buồn. Không phải vì cậu bé nói không có lí, tôi buồn vì những đứa trẻ đang bị cuốn vào thứ “văn hóa chửi” của người lớn. 

Các em dù trong tuổi đi học vẫn có thể tham gia vào xã hội qua nhiều hình thức hoạt động thiết thực, hữu ích hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ, chưa phải tuổi lớn tiếng mạt sát cả một nền giáo dục - Ảnh: Đ.Khoa Các em dù trong tuổi đi học vẫn có thể tham gia vào xã hội qua nhiều hình thức hoạt động thiết thực, hữu ích, chưa đến tuổi lớn tiếng mạt sát cả một nền giáo dục - Ảnh: Đ.Khoa 
Giáo dục Việt Nam trong những năm qua luôn có nhiều điều bất cập và nếu thống kê thì đây cũng là ngành nhận được nhiều “gạch đá” nhất. Từ chuyện học phí đến chuyện điểm số, từ chuyện trường tư trường công đến chuyện sinh viên thất nghiệp… Đi đâu ai cũng ta thán bài ca nền giáo dục Việt Nam đang đi xuống. Nhưng chúng ta đã làm gì ngoài việc “chửi” nền giáo dục này?
Sao ta cứ mãi ta thán giáo dục tệ hại đến mức mà những đứa trẻ bị nhồi sọ quá nhiều những câu rủa sả của người lớn đã tưởng rằng nó cũng mang tâm trạng tương tự dù chưa thể hiểu hết được tác động của ngôn từ mình phát ra. Rồi khi nghe thấy đứa trẻ đưa ra những thông điệp lặp lại đó thì người ta vỗ tay hả hê, cho rằng đến con nít cũng phải bức xúc lên tiếng. Thêm một lần nữa, người lớn mắc sai lầm khi hoan nghênh cho một việc lẽ ra không nên có. Họ đang tiếp tục cổ vũ lớp trẻ a dua theo thứ “văn hóa chửi” mà họ đang mắc vào. Chi trích, chỉ trích và không đưa ra được giải pháp gì khả dĩ.
Rất cần những thế hệ trẻ tâm huyết với nền giáo dục nhưng sự tâm huyết hãy bày tỏ bằng nhiều cách khác nhau, chứ không phải theo cách mà nhiều người lớn hiện nay đang làm là “chửi nền giáo dục nước nhà”.
Giáo dục tệ hại có lẽ bắt đầu từ những đám đông luôn nghĩ tới mặt xấu của nền giáo dục.
Chuyện nền giáo dục của một quốc gia không phải là chuyện của một ông này, ông kia. Ngay ở mỗi cá nhân đều có những trách nhiệm. Ta than con cháu mình học đại học ra thất nghiệp mà vẫn tìm mọi cách cho con học đại học. Ta kêu nạn học thêm tràn lan nhưng vẫn bắt con đi học thêm ở nhà thầy. Ta ghét nạn chạy điểm những vẫn âm thầm cho thầy phong bì dầy. Chính những điều như thế mới làm nền giáo dục này “thối nát”, chứ không phải đổ lỗi hết cho những người làm giáo dục.
Nhìn vào điều xấu, nói xấu bao giờ cũng dễ hơn nhìn vào điều tốt, nói tốt.
Thấy hình ảnh một cậu bé 14 tuổi nói nền giáo dục Việt Nam “thối nát” và nhiều người lớn hả hê chia sẻ, hoan nghênh tôi lại thấy thương cho em. Có thể với nhiều người em là người hùng, nhưng nếu mọi đứa trẻ đều biết “chửi” nền giáo dục này thì đó là điều thất bại.
Nền giáo dục này không thể thay đổi từ lời một cá nhân, nên việc cậu bé 14 tuổi lên tiếng bảo nền giáo dục “thối nát” cũng sẽ nhanh chóng qua đi, như một ngọn gió. Nhưng cái sự hả hê của nhiều người lớn vì có dịp nghe một đứa trẻ “chửi” nền giáo dục nước nhà là một nỗi đau.
Đừng bắt những đứa trẻ làm anh hùng Đông-Ki-Sốt đánh nhau với cối xay gió. Đừng dung dưỡng “văn hóa chửi” trong đầu những đứa trẻ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.