Du lịch Lào và Campuchia qua mặt Việt Nam? Còn khuya!

06/07/2015 10:23 GMT+7

Vừa rồi, Báo Thanh Niên đăng bài viết Du lịch Lào và Campuchia qua mặt Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Mỹ. Cảm giác như tác giả có thành kiến với du lịch Việt Nam, chỉ thấy cái kém của mình và cái tốt của thiên hạ.

Vừa rồi, trên báo Thanh Niên có đăng bài “Du lịch Lào và Campuchia qua mặt Việt Nam” (số ra ngày 29.6) của tác giả Nguyễn Văn Mỹ. Mới đọc, thấy bài viết cũng có lý. Nhưng đọc kỹ, thấy nhiều điểm chưa thuyết phục. Cảm giác như tác giả có thành kiến với du lịch Việt Nam, chỉ thấy cái kém của mình và cái tốt của thiên hạ, chứ không thấy mặt ngược lại.

 
Ở Campuchia, chuyện xe “chất” đầy người như thế này lưu thông trên đường
là bình thường, và rất ít khi bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm” - Ảnh: Tiến Trình
Tác giả so sánh hiệu quả du lịch bằng cách dựa trên tổng số khách vào mỗi nước trên số dân, rồi phán du lịch Lào và Campuchia hơn Việt Nam. So sánh kiểu đó, thì ngay cả Trung Quốc xếp thứ 3 thế giới về du lịch, đón gần 56 triệu lượt khách (tỉ lệ là 23 người dân đón 1 khách), cũng còn kém xa Việt Nam (tỉ lệ là 12 người dân đón 1 khách).
Du lịch Việt Nam dù chưa hoàn hảo nhưng nhà nước đã quan tâm đầu tư và hỗ trợ ngành du lịch phát triển. Hàng ngàn lễ hội hoành tráng khắp cả nước phục vụ hàng chục triệu lượt người tham gia. Có lễ hội quốc gia, lễ hội vùng, liên vùng và từng tỉnh. Có những lễ hội độc đáo chỉ Việt Nam làm được như Lễ hội Trái cây Nam bộ ở Suối Tiên, các lễ hội Chọi trâu, Đâm trâu… Ngay cả lễ giỗ tổ Hùng Vương (quốc giỗ), các nước cũng không có.
Nhờ sự quan tâm của nhà nước, hệ thống giáo dục đều khắp với số lượng trường đại học và cao đẳng hơn hẳn các nước ASEAN, trường nào cũng có Khoa Du lịch. Chưa kể các trường nghề, trường trung cấp. Sinh viên Lào và Campuchia qua Việt Nam học về du lịch khá đông, chứ Việt Nam thì không qua họ. Có ai đi học người kém hơn mình không? Các sự kiện du lịch đều có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao. Dù bận rộn cách mấy, chính phủ Việt Nam vẫn cử ngay một phó thủ tướng làm trưởng ban “bình chọn Hạ Long và Phong Nha” là kỳ quan thế giới mới. Chính phủ đã có nghị quyết “Chiến lược du lịch Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030”. Thử hỏi, không chỉ Lào và Campuchia, mà cả ASEAN, có nước nào được vậy?
Nói du lịch Lào và Campuchia hơn Việt Nam là đại ngôn, phủ nhận mọi nỗ lực của nhà nước, làm nản lòng các doanh nghiệp du lịch. Phê phán cũng cần chính xác, nêu bật được những thành tựu và cả yếu kém. Chỉ tô hồng thì đâm ra kiêu ngạo, chủ quan. Chỉ bôi đen thì làm cho người Việt tự ti mặc cảm. Nếu “Chiến lược du lịch Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030” được thực hiện tốt, tôi tin là du lịch Việt nam sẽ không ngán ngại đối thủ nào ở Asean.
Ai nói Campuchia không có ăn xin? Các chợ, quần thể Angkor không có nhưng trên Biển Hồ và núi Kulen (Siem Reap) lền khên, chỉ khác là họ ngồi một chỗ. Mấy trạm dừng, có khách Việt Nam ghé là ăn xin bu quanh. Họ bảo. “Người Việt tốt bụng, thương người Khmer hơn các nước khác”.
Rác Campuchia cũng không kém Việt Nam. Thử vào mấy xóm ổ chuột hoặc nông thôn xem, đầy rác. Ai bảo giao thông Việt Nam kém hơn Campuchia? Ở Campuchia xe hơi còn không gắn bảng số, giao thông thì hãi hùng, chở khách nhồi nhét, ngồi đầy cả mui xe… Xe gắn máy chở 3 - 4 người, chỉ người lái xe đội mũ bảo hiểm.
Khách du lịch Việt thường bị lừa mua đặc sản từ các loại khô, lạp xưởng, chuối sấy… với giá đắt hơn Sài Gòn; có thứ còn không ăn được. Ra Biển Hồ chẳng có gì mà tốn 20 USD lãng nhách. Những chuyện này Việt Nam không có. Qua cửa khẩu, phụ xe phải xuống dúi tiền từng cổng, còn khách phải nộp thêm lệ phí từng người mà chẳng ai kêu ca. Ở Việt Nam, mới vài nhân viên gợi ý bồi dưỡng là báo chí đã ì xèo phê phán…
Ở Lào thì cái gì cũng lề mề, như vừa đi vừa ngủ. Chợ sau 9 giờ mới họp nhưng 16 giờ đóng của. Dịch vụ cũng chỉ làm việc 5 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 6 – 7 tiếng kiểu “Ai cần ta, chứ ta không cần ai?”. Các dịch vụ của Lào làm sao có thể so sánh với Việt Nam. Đừng có mơ “khách hàng là Thượng đế”. Sau giờ làm việc là phải tự lo. Hàng dỏm của Trung Quốc (đa số là người Việt bán) cũng đầy rẫy. Có điều khó hiểu là sao họ làm chơi chơi mà Tây rất khoái. Còn người Việt làm hết mình mà Tây vẫn chê?
Sân bay của Lào bé tẹo. Muốn bay từ Vientiene về Sài Gòn phải quá cảnh Phnom Penh hoặc Hà Nội và mỗi ngày chỉ một chuyến. Người Việt qua Lào và Campuchia làm ăn rất đông. Ngược lại, rất ít người Lào và Campuchia qua Việt Nam buôn bán vì không cạnh tranh lại người Việt.
Nói du lịch Lào và Campuchia hơn Việt Nam là đại ngôn, phủ nhận mọi nỗ lực của nhà nước, làm nản lòng các doanh nghiệp du lịch. Phê phán cũng cần chính xác, nêu bật được những thành tựu và cả yếu kém. Chỉ tô hồng thì đâm ra kiêu ngạo, chủ quan. Chỉ bôi đen thì làm cho người Việt tự ti mặc cảm. Nếu “Chiến lược du lịch Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030” được thực hiện tốt, tôi tin là du lịch Việt nam sẽ không ngán ngại đối thủ nào ở ASEAN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.