Cường quốc con dấu

10/12/2014 16:00 GMT+7

Tính theo tỷ lệ dân số, Việt Nam sẽ vô địch về khoản con dấu. Con dấu của các cấp chính quyền, các công ty, các hội đoàn; các tổ chức kinh tế, giáo dục, xã hội; các câu lạc bộ cho đến hợp tác xã…

Tính theo tỷ lệ dân số, Việt Nam sẽ vô địch về khoản con dấu. Con dấu của các cấp chính quyền, các công ty, các hội đoàn, các tổ chức kinh tế, giáo dục, xã hội, các câu lạc bộ cho đến hợp tác xã…


Nên sớm thay đổi quan niệm xem trọng, đánh giá quá cao giá trị của con dấu của VN
hiện nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phổ biến và có giá trị nhất là dấu tròn, rồi đến dấu ô van. Còn dấu vuông, dấu chữ nhật thường không có giá trị pháp lý. Cứ có tên là có con dấu. Công ty vài chục ngàn người cho đến vài nhân viên đều bình đẳng có dấu như nhau. Chưa kể các công ty ma, doanh nghiệp ảo đều có dấu tất. Con dấu đã tạo công ăn việc làm cho cả trăm ngàn người. Từ người khắc dấu đến người giữ con dấu và cả những người kiểm tra mấy người trên.

Gần đây, thiên hạ bàn nhiều về việc tinh giản con dấu. Giật mình khi thấy mình chẳng giống ai. Có người cắc cớ thắc mắc: “Sao không gọi cái dấu mà lại là con dấu? Thường là "con" thì phải ngo ngoe, cử động được chứ?”. Còn hơn cả cử động, con dấu hàm chứa cả sức mạnh ngầm đến vô biên. Việc lớn, việc nhỏ không có con dấu là không xong. Con dấu gắn liền với quyền lực, dĩ nhiên có cả trách nhiệm nhưng thường bị lấn át. Con dấu đối với Việt Nam quan trọng như vậy mà sao các nước lại coi nhẹ tênh?

Năm 1981, khi tôi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, trong dịp liên hoan cuối năm, một tham mưu trưởng trung đoàn trải lòng: “Thế là tớ đã toại nguyện, mỗi lần ký tên có dấu đỏ”. Một ước mơ rất Việt Nam, có vẻ buồn cười. Có lẽ anh cũng không biết rằng, lính của anh, trước khi tình nguyện vào bộ đội cũng từng ký tên có dấu từ năm 1975 khi làm thường trực xã Đoàn Vĩnh Lộc, Bình Chánh (TP.HCM). Năm 1987, được Thành Đoàn cử đi tu nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức, tôi kinh ngạc khi giấy chứng nhận tốt nghiệp chỉ có chữ ký của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm mà không có dấu. Hay là chủ nghĩa xã hội ở châu u khác châu Á?

Sau này, làm du lịch, được đi nhiều nước, mới biết Việt Nam là "cường quốc con dấu". Người Việt là dân tộc yêu (con) dấu nhất. Thiên hạ họ rất dửng dưng với con dấu. Họ quản lý bằng mã số, mã vạch và lưu trữ khoa học. Có việc nghi ngờ, chỉ cần kiểm tra mã số lưu là rõ. Mình có 3 - 4 con dấu, nhưng việc lưu giữ cẩu thả nên dấu giả cứ lộng hành. Giấy tờ gì cũng phải có con dấu đỏ mới giá trị, mới oai. Con dấu được đóng lên cả thẻ nhân viên và name card. Đó là biểu hiện của bệnh hình thức, thích khoa trương. Name card các nước chỉ ghi chức danh chính; chứ không rườm rà học hàm học vị, liệt kê hàng tá chức danh hình thức như ở Việt Nam. Gần đây, nhiều người đặt vấn đề phải tinh giản con dấu một cách quyết liệt. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho việc cải tiến thủ tục “hành là chính”, hòa nhập với thế giới, không khăng khăng một mình một chợ.

Bỏ con dấu, việc bình thường và đương nhiên ở các nước nhưng lại không dễ ở Việt Nam. Lâu nay, con dấu đã trở thành một phần tất yếu của nền kinh tế bao cấp, của xã hội chuộng hình thức, thích tự làm khổ nhau vì những chuyện không giống ai. Bỏ con dấu là một cách đoạn tuyệt với kiểu quản lý tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả), là tiếp cận với xã hội văn minh và hiện đại. Dĩ nhiên, chưa thể “đùng một cái” bỏ tất. Trước mắt nên bỏ con dấu của các hội đoàn, bởi tất cả đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Kế tiếp là bỏ con dấu của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, giáo dục, xã hội… Nếu cần, chỉ để lại con dấu của vài cấp chính quyền và quy định những văn bản nào mới dùng dấu chứ không lạm dụng như hiện nay. Khi xã hội điện tử phát triển thì con dấu tự nhiên vô dụng, chữ ký sẽ là thương hiệu cá nhân và cả đại diện tập thể.

Bỏ con dấu là điều nhiều người mong muốn nhưng còn không ít vấn vương bởi một thời oanh liệt. "Bỏ thì thương, vương thì tội". Thôi đành bỏ để còn chút thương yêu hơn là làm tội nhau.

    Nguyễn Văn Mỹ (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM

>> Bỏ con dấu trên văn bằng, tại sao không ? - Kỳ 2: ‘Dấu mộc không có nghĩa lý gì !’
>> Bỏ con dấu trên văn bằng: Tại sao không?
>> Chưa bỏ được con dấu doanh nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.