Có sự nhầm lẫn về khái niệm xóa án tích

22/09/2015 08:01 GMT+7

Vụ việc em Bùi Kiều Nhi ở Quảng Bình và mới đây nhất là vụ một học sinh ở Nghệ An không được học đại học vì thiếu thủ tục xóa án tích của người bố cho thấy có cách hiểu nhầm ở các địa phương về khái niệm xóa án tích.

Vụ việc em Bùi Kiều Nhi ở Quảng Bình và mới đây nhất là vụ một học sinh ở Nghệ An không được học đại học vì thiếu thủ tục xóa án tích của người bố cho thấy có cách hiểu nhầm ở các địa phương về khái niệm xóa án tích.

Theo quy định tại các Điều 63, 64, 65, 66, 67 Bộ luật hình sự, xóa án tích có 2 trường hợp:

1.Đương nhiên được xóa án tích
2.Tòa án xem xét để ra quyết định xóa án tích.
Luật quy định rất rõ, trường hợp nào thì đương nhiên xóa án tích, trường hợp nào thì phải xem xét. Đối với trường hợp của người bố nữ sinh Bùi Kiều Nhi ở Quảng Bình và bố của nam sinh Nguyễn Đức Ngà ở Nghệ An (thi vào Học viện cảnh sát nhân dân được 29 điểm), qua đối chiếu với quy định pháp luật thì thuộc trường hợp 1 là “đương nhiên được xóa án tích”.
Tôi xin phân tích khái niệm “đương nhiên xóa án tích”.
Điều 64 Bộ luật hình sự nêu rõ: “Những người sau đây đương nhiên được xóa án tích:
1. Người được miễn hình phạt.
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a. Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo…”.
Quy định này phải được hiểu, không cần phải làm bất cứ thủ tục nào, thì án tích ấy vẫn được xóa. Việc quy định người thuộc trường hợp “đương nhiên xóa án tích” nộp hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích là để cho công dân sử dụng khi cần thiết, chứ không phải có nó thì mới được xóa án tích, chưa có nó thì chưa được xóa.
Trường hợp này cũng tương tự như việc đi xin giấy chứng nhận độc thân. Không phải là có giấy chứng nhận thì người đó mới độc thân mà người đó đương nhiên độc thân, chỉ là khi người ta cần làm việc gì đó mà cần chứng minh “tôi đang độc thân” thì người ta đi xin giấy xác nhận.
Trở lại trường hợp hai em Bùi Kiều Nhi và em Nguyễn Đức Ngà. Cả hai em này thuộc diện “đương nhiên xóa án tích”. Ttheo quy định của Bộ Luật hình sự, cơ quan chức năng địa phương chỉ cần hướng dẫn gia đình đến tòa án xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích để bổ sung vào hồ sơ là xong, không phải vì chưa có giấy đó thì án tích chưa được xóa.
Về việc 2 em này không khai lý lịch của bố bị án tù cũng không phải là gian dối, vì người bố thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, và luật đã quy định rõ tại Điều 63, người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Trong trường hợp này, hai em không cần phải khai báo.
Tôi cho rằng, các địa phương cần thay đổi cách hiểu về quy định xóa án tích để không gây thiệt thòi cho các em học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.