Chống ngập nước bằng hồ tại gia: Lại đẩy khó cho dân

27/10/2015 05:00 GMT+7

Dư luận đang ‘dậy sóng’ với đề nghị của trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM về “Chống ngập nước bằng hồ tại gia”. Người ta đang thấy những cái lắc đầu ngán ngẩm từ các nhà chuyên môn cho tới dân thường…

Dư luận đang ‘dậy sóng’ với đề nghị của trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM về “Chống ngập nước bằng hồ tại gia”. Người ta đang thấy những cái lắc đầu ngán ngẩm từ các nhà chuyên môn cho tới dân thường…

Mực nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) dâng cao gần cả mét sau cơn mưa chiều ngày 15.9- Ảnh: Đức TiếnMực nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) dâng cao gần cả mét sau cơn mưa chiều ngày 15.9- Ảnh: Đức Tiến
Tình trạng ngập nước do mưa và triều cường ở TP.HCM đã kéo dài nhiều năm nay. Dù thành phố đã dành nhiều nỗ lực và kinh phí “khủng” để phòng chống ngập, nhưng dường như càng chống càng ngập, chống được điểm này thì tăng thêm nhiều điểm khác. Nhiều hội thảo đã được tổ chức để tìm biện pháp khắc phục. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có ý kiến chỉ đạo thành phố tìm cách khắc phục.
Đề xuất “Chống ngập nước bằng hồ tại gia” đang được các vị tại trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM bảo vệ quyết liệt, thậm chí còn đòi nhà dân nào không xây hồ chứa sẽ không được hoàn công khi xây mới. Có chuyên gia còn chứng minh là kinh nghiệm này được vận dụng từ Úc và Hà Lan…
Tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn nhận định đề xuất này “không khả thi”, “khó thực hiện”, “tăng chí phí”, “không thể bắt buộc”… Người dân thì lắc đầu, bởi không ai muốn có “bom nổ chậm” trong nhà.
Nếu cho rằng chống ngập nước bằng hồ tại gia đã được Hà Lan và Úc áp dụng thì cũng chưa thể khẳng định sẽ thành công tại Việt Nam. Úc rộng lớn, dân thưa, nhà nào cũng là biệt thự thênh thang làm sao Sài Gòn, toàn nhà hộp diêm và chung cư xuống cấp (dù mới xây) rình sập, bắt chước được. Hà Lan thấp hơn mực nước biển nhưng được qui hoạch cực kỳ bài bản hệ thống thoát nước. Trong khi vấn đề này ở Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành vẫn còn là bài toán nan giải nên không thể so sánh.
Bao giờ người dân TP.HCM mới hết khổ vì triều cường ngập nhà, ngập đường? - Ảnh: Phạm HữuBao giờ người dân TP.HCM mới hết khổ vì triều cường ngập nhà, ngập đường? - Ảnh: Phạm Hữu
Tôi cũng là dân thành phố, dù ở chung cư cao cấp vẫn thấy rằng đề xuất đó là không tưởng. Nó thể hiện sự bế tắc trong quản lý, cách nào đó là sự đùn đẩy trách nhiệm, đẩy cái khó về cho người dân. Nếu thật lòng muốn được hiến kế và tôn trọng người dân, sao không hỏi ý dân khi lấp rạch, lấn sông, bít cống thoát nước…
Cống xả của sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm bao nhiêu năm, chỉ bị phát hiện khi trung tâm điều độ bị ngập nặng. Sao không hỏi ý dân khi xây dựng các khu dân cư mới, khi qui hoạch thoát nước đô thị. Để bây giờ loay hoay chống ngập không được, mới sực nhớ hỏi dân.
Xin thưa, nếu cứ quản lý như hiện nay thì vô phương dù có thừa tiền cũng không thể. Chỉ còn cách duy nhất là tất cả làm nhà phao, nước ngập tới đâu nhà nổi lên tới đó. Hoặc thuyết phục di dân, lập thành phố mới, qui hoạch lại từ đầu. Nhưng cả hai “phương án” ấy đều không thể, trong khi thực tế ngân sách hạn hẹp nên cách làm càng phải cân nhắc và quyết liệt.
Tôi tin là các cấp quản lý đã có cách phòng chống ngập hiệu quả. Vấn đề là có dám bảo vệ quan điểm và kiên trì thực hiện hay không. Việc đầu tiên là phải trả lại hiện trường gốc của hệ thông kênh rạch thoát nước tự nhiên. Nơi nào lấp, bít phải phục hồi lại. Nếu cần, giải tỏa các khu dân cư đã trực tiếp và cả gián tiếp gây ngập. Việc phát triển và mở rộng thành phố phải tuân thủ nghiêm ngặt qui hoạch thoát nước.
Thứ hai là làm thêm các hồ chứa tự nhiên trong các công viên, các vùng trũng ngoại thành. Mở rộng cống thoát, không để rác bồi lấp và xây thêm hệ thống thoát liên hoàn dưới các mặt đường.
Thứ ba là đắp đê (như Hà Lan) và sử dụng máy bơm công suất lớn để thoát nước ở các trọng điểm ngập.
Thứ tư là thay đổi nhận thức và trách nhiệm của con người, từ lãnh đạo quản lý cho đến mọi người dân.
Bốn việc này nói thì có vẻ giản đơn nhưng thực hiện rất khó. Khó, không có nghĩa là không làm được. Con người là thủ phạm gây ra ngập thì chính con người phải tìm cách khắc phục, sửa sai và không để sai lầm lặp lại. Khó, nhưng phải làm vì không còn cách nào khác. Phải đồng tâm hiệp lực để giải quyết. Xin đừng đẩy khó cho dân!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.