Ai bỏ tiền bồi thường oan sai?

11/04/2015 00:00 GMT+7

Việc lấy tiền ngân sách để bồi thường cho nạn nhân bị oan sai do những người tham gia quá trình tố tụng gây ra là một câu chuyện khiến ai quan tâm cũng phải thắc mắc, thậm chí vô cùng bức xúc khi nghe nhắc đến.

Việc lấy tiền ngân sách để bồi thường cho nạn nhân bị oan sai do những người tham gia quá trình tố tụng gây ra là một câu chuyện khiến ai quan tâm cũng phải thắc mắc, thậm chí vô cùng bức xúc khi nghe nhắc đến.

đòi bồi thường oan sai Bị ngồi tù oan hơn 1.300 ngày, Tô Phương Trọng (Cà Mau) vẫn phải trải qua hành trình gian nan khi đòi bồi thường oan sai cho mình - Ảnh: Gia Bách
Qua thông tin báo chí, gần đây có nhiều cơ quan hành pháp như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn khẳng định với các phóng viên rằng tiền bồi thường này là của Viện kiểm sát, tiền này là của cơ quan Công an bỏ ra bồi thường… Vậy số tiền này thực sự ở đâu ra?
Xin dẫn chứng một số vụ việc: Trên Báo Thanh Niên ngày 7.4.2015, có đăng bài “Khởi tố, truy tố rồi… treo 22 năm!” đề cập đến vụ oan sai của công dân Phan Văn Lá ở Long An, trong đó có dẫn lời đại tá Phạm Hữu Châu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, nói: “Theo chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy Long An, trường hợp này (tức vụ oan sai của ông Phan Văn Lá - NV), hai ngành công an và kiểm sát cùng chịu trách nhiệm bồi thường”. Số tiền mà ông Phan Văn Lá yêu cầu bồi thường cho 449 ngày bị tạm giam và phải mang thân phận bị can 22 năm là 493 triệu đồng! Nhưng với bạn đọc, câu trả lời của đại tá Phạm Hữu Châu vẫn còn bỏ ngỏ: Tiền bồi thường cho ông Lá lấy từ đâu ra?
Còn nhiều vụ việc oan sai khác như vụ án chấn động của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đòi bồi thường 10 tỉ đồng cho 10 năm bị tù oan; vụ ông Trương Bá Nhàn ở Bình Phước sau 8 năm đi kêu oan vì bị tù oan 1.346 ngày về “tội giết người” và “cướp tài sản”, cơ quan chức năng phải bồi thường hơn 295,6 triệu đồng; vụ 2 anh em ông Phạm Văn Lé và Phạm Văn Lến ở Sóc Trăng bị bắt giam oan mỗi người 688 ngày, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phải bồi thường gần 500 triệu đồng…
Có thể nói, 82 vụ án có dấu hiệu oan sai mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chuyển cho đoàn giám sát về tình hình án oan và bồi thường oan trong tố tụng hình sự của Quốc hội hồi tháng 2.2015, sau khi Quốc hội giám sát, làm rõ, số tiền bồi thường chắc chắn không phải là nhỏ.
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Những vụ việc oan sai, người bị hàm oan phải đằng đẵng chịu nhiều đau khổ, mất mát sau song sắt nhà tù, gia đình ly tán, xã hội khinh rẻ, gia sản sự nghiệp trắng tay… Sau khi được xác định bị oan, việc họ đòi hỏi phải được xin lỗi để trả lại danh dự và yêu cầu bồi thường là điều rất chính đáng. Vì vậy, với giá trị nhân bản rất cao, Nghị quyết 388 “về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra” của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được ban hành năm 2003.
Nghị quyết 388 cũng quy định rất rõ ràng cơ quan nào (công an, viện kiểm sát, tòa án) phải chịu trách nhiệm bồi thường theo nguyên tắc “ai làm nấy chịu”. Trước mắt, có thể “mượn” ngân sách nhà nước, sau đó người vi phạm trong hoạt động tố tụng phải hoàn trả lại cho ngân sách theo quy định. Khoản 3, điều 17 của Nghị quyết 388 cũng quy định rõ: “Việc xác định mức hoàn trả và phương thức hoàn trả được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm vật chất của cán bộ, công chức”.
Quy định là vậy, nhưng trong thực tế, việc xác định khoản tiền phải “hoàn trả” lại cho ngân sách vẫn còn rất mập mờ. Nếu người vi phạm hoạt động tố tụng bị khởi tố, bị bắt đi tù, thì không biết bao giờ số tiền họ “tạm ứng” ngân sách nhà nước được trả lại? Hoặc nếu trong thời gian chưa hoàn trả, họ có dấu hiệu bệnh lý tâm thần, hoặc họ gặp một trong những sự cố bất ngờ khác khiến họ không hoàn trả được… thì ai sẽ trả lại khoản này cho ngân sách nhà nước, cũng là tiền thuế của nhân dân?
Chính vì vậy, việc đặt ra những câu hỏi như trên là điều rất cần thiết. Đồng thời, việc  thường xuyên giám sát các vụ án có dấu hiệu oan của các tổ chức nghề nghiệp, của Quốc hội để xác định rõ các trường hợp bị hàm oan cũng là một hoạt động có tính nhân bản, trả lại sự công bằng cho nạn nhân bị oan sai, và qua đó chấn chỉnh lại cách hành xử của các cơ quan tham gia quá trình tố tụng.
Nhưng trên hết, việc bắt buộc các cơ quan tố tụng tạo điều kiện tốt nhất cho luật sư tham gia quá trình tố tụng ngay từ đầu, thể hiện cao nhất tinh thần dân chủ mà pháp luật đã quy định, không né tránh, không gây khó khăn đối với đại diện pháp lý cho người bị khởi tố sẽ là những điều kiện rất cần để tránh, giảm các vụ án oan sai.
Suy nghĩ sâu xa hơn, đó cũng chính là sự thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.