20 năm Tháng Thanh niên:

Tôi rất phấn khởi, cảm phục trước sự sáng tạo của cán bộ Đoàn

Vũ Thơ
Vũ Thơ
31/03/2024 08:30 GMT+7

Nhân Tháng Thanh niên, ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên VN, đã chia sẻ với Báo Thanh Niên về những hoạt động của thanh niên và chính sách dành cho họ.

Tôi rất phấn khởi, cảm phục trước sự sáng tạo của cán bộ Đoàn- Ảnh 1.

Ông Bùi Đặng Dũng

NGỌC THẮNG

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ngày càng sâu sắc

Từng là người tham gia công tác Đoàn, với vai trò là Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN, ông có ấn tượng như thế nào về Tháng Thanh niên?

Tháng Thanh niên bây giờ có quy mô lớn hơn rất nhiều, phong trào đa dạng phong phú, hiệu quả và có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với thanh thiếu nhi và các đối tượng khác trong xã hội, kể cả người cao tuổi. Trước đây, phong trào có chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, sau đã có cả Tình nguyện mùa đông, Xuân tình nguyện…

Trong những năm qua, phong trào thanh niên tình nguyện lớn mạnh, bên cạnh sự khát khao dâng hiến của tuổi trẻ, thì có sự trợ sức của toàn xã hội. Các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các cơ quan truyền thông đã góp phần tiếp sức, cổ vũ, tôn vinh và thúc đẩy phong trào tình nguyện lên những bước cao hơn, tạo ra mặt trận đoàn kết tập hợp rộng rãi trong thanh thiếu nhi, để chung tay góp sức cùng cộng đồng.

Theo ông, phong trào tình nguyện của thanh niên bây giờ có gì khác so với thời ông làm công tác Đoàn?

Có thể khẳng định phong trào tình nguyện của thanh niên là tiếp nối truyền thống của cả dân tộc và các thế hệ cha anh, bởi tình nguyện là thuộc tính của tuổi trẻ, họ luôn sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì đất nước. Tuy nhiên, trước đây thanh niên tình nguyện chủ yếu đi vùng sâu, vùng xa; nhưng bây giờ phong trào tình nguyện diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi và khắp các đối tượng thanh niên: công chức, viên chức, công nhân, thanh niên tôn giáo, thanh niên dân tộc thiểu số… Đặc biệt có cả những hoạt động tình nguyện của thanh niên VN ở nước ngoài. Nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số giúp cho phong trào tình nguyện đa dạng hơn, trên mọi lĩnh vực.

Tôi rất phấn khởi, cảm phục trước sự sáng tạo của cán bộ Đoàn- Ảnh 2.

Thanh niên tình nguyện đã có nhiều hoạt động vì cộng đồng, mang lại giá trị cho xã hội

ĐĂNG HẢI

Tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã triển khai được nhiều hoạt động như: việc phối hợp tổ chức Quốc hội trẻ em; Ngày hội thanh niên công nhân; Chạy bộ gây quỹ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc ít người; cuộc vận động Tự hào một dải non sông; Đại hội Hội Sinh viên VN… Tất cả những hoạt động đó góp phần tạo nên hình ảnh, bức tranh hoạt động tình nguyện rất phong phú, sinh động, ấn tượng. Tôi rất phấn khởi, cảm phục trước sự sáng tạo của cán bộ Đoàn, Hội trong hoạt động bây giờ và mong muốn trong giai đoạn tới, phong trào tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển đi lên một cách tốt nhất.

Đặc biệt, trước đây phong trào tình nguyện chưa được thể chế hóa như bây giờ. Hiện nay chúng ta có luật Thanh niên, trong đó điều 9 quy định về Tháng thanh niên, điều 23 quy định về thanh niên tình nguyện. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác tình nguyện của thanh niên ngày càng sâu sắc.

Tạo cơ chế để phát huy tốt nhất sức sáng tạo của tuổi trẻ

Với 3 khóa là đại biểu Quốc hội và từng đảm nhận vai trò là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thanh niên?

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều chính sách với thanh niên. Cụ thể là năm 2020, Quốc hội đã thông qua luật Thanh niên số 57 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Có thể nói, luật đã góp phần tạo dựng cơ sở pháp lý rất cụ thể cho các hoạt động của thanh niên; của tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN; Hội Sinh viên VN. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là sau 3 năm luật có hiệu lực, thì những văn bản dưới luật và áp dụng vào thực tế vẫn còn hạn chế.

Ví dụ: Trong điều 9 về Tháng Thanh niên có các nội dung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên và thanh niên. Đặc biệt Nghị định số 13/2021 của Chính phủ ban hành ngày 1.3.2021 có quy định về đối thoại với thanh niên. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, hiện chính quyền ở các địa phương còn ít đối thoại với thanh niên. Làm sao để thanh niên được gặp gỡ chính quyền, nói ra mong muốn của mình thì luật mới trực tiếp đi vào đời sống của thanh niên.

Trong luật Thanh niên quy định 11 chính sách cụ thể đối với thanh niên, nhưng chưa nhiều nội dung đi vào đời sống. Vì vậy, những chính sách này cần được cụ thể hóa trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm ở các cấp chính quyền, như: chính sách về học tập, nghiên cứu khoa học; lao động việc làm, nâng cao sức khỏe cho thanh niên… Hiện thanh niên đang rất thiếu nơi vui chơi, giải trí và các thiết chế để hoạt động.

Tôi cho rằng thanh niên dâng hiến sức trẻ, nhưng cần được pháp luật bảo vệ, ủng hộ; cần tạo được cơ chế để phát huy tốt nhất sức sáng tạo của tuổi trẻ.

Đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên, có điều gì khiến ông còn trăn trở?

Điều tôi trăn trở là cùng với hoạt động tình nguyện hiện nay, cần có những hoạt động tình nguyện có tính chất chuyên sâu như trước đây chúng tôi đã từng làm. Ví dụ việc đưa 500 tri thức trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, các xã 135; phối hợp với Bộ Y tế thực hiện chương trình y bác sĩ trẻ tình nguyện; phối hợp với Bộ Nội vụ đưa thanh niên về làm các phó chủ tịch xã… Theo tôi, những hoạt động đó cần phải được liên tục tổ chức, để hoạt động tình nguyện có chiều sâu hơn nữa.

Điều tôi trăn trở nữa là một số mất mát, hy sinh của thanh niên tình nguyện lại chưa được ghi nhận, đền đáp xứng đáng.

Ví dụ, có những sinh viên tham gia đi tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, trên đường về bị lũ cuốn trôi; hay có những thanh niên tình nguyện tham gia thức đêm chống dịch Covid -19, trên đường về bị tai nạn giao thông. Họ đã hy sinh tính mạng của mình vì cộng đồng. Những trường hợp như vậy rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu liệt sĩ. Theo quy định hiện hành thì phải là hành động dũng cảm trong chiến đấu, lao động, công tác. Theo tôi, việc thanh niên tham gia những hoạt động đó đã là hành động dũng cảm rồi.

Lúc tôi làm Bí thư T.Ư Đoàn, có một trường hợp tôi vẫn băn khoăn day dứt đến tận bây giờ. Đó là một trí thức trẻ tình nguyện đi hướng dẫn bà con trồng cây, không may cuốc phải tổ ong, bị đốt và không cứu được, nhưng vẫn không được truy tặng là liệt sĩ. Theo tôi, phải có quy định cụ thể để đánh giá đúng, ghi nhận, thấu hiểu, tôn vinh đối với thanh niên tình nguyện.

Nhân dịp Tháng Thanh niên, ông có điều gì gửi gắm tới người trẻ?

Tôi luôn mong muốn thanh niên nêu cao trách nhiệm với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, trong đó người trẻ bây giờ cần có trách nhiệm với mạng xã hội, bởi mỗi thông tin đưa ra nếu không chuẩn mực sẽ gây hậu quả rất lớn.

Nhân dịp này, tôi muốn gửi tặng các bạn trẻ những vần thơ của nhà thơ Phan Cung Việt: "Tuổi trẻ là gì, hãy mãi là hoa. Dù ai đó ghét màu hoa thắm sắc. Phải biết nở trên đỉnh cao chót vót. Dưới thung sâu hay ở tận lòng người. Tuổi trẻ là gì, là phù sa đỏ tươi. Phải là máu, đừng vũng bùn ủ dột. Giấu những mưu toan, cơ hội, lọc lừa. Tuổi trẻ là gì, hãy mãi là hoa!".

Xin cảm ơn ông!


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.