Quan trọng là biết tỏ thái độ với người hút thuốc

08/08/2014 10:50 GMT+7

Người tiêu dùng Việt Nam chi 1 tỉ USD mỗi năm cho thuốc lá và hậu quả là số tiền chi trả cho việc chữa trị ung thư phổi và các bệnh liên quan đến thuốc lá lên đến 110 triệu USD/năm.

Bài 'Văn hóa' hút thuốc lá của người Việt đăng trên cafebiz.vn mới đây cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất hành tinh với khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, có đến 33 triệu người Việt hít phải khói thuốc một cách bị động.


Thuốc lá có hại cho sức khỏe con người - Ảnh: Shutterstock

Theo điều tra toàn cầu về việc tiêu thụ thuốc lá ở người lớn của tổ chức WHO năm 2010, tại Việt Nam, 47,4% đàn ông hút thuốc. Còn theo bộ Y tế, có khoảng 22% người Việt Nam độ tuổi 16-24 đã biết hút thuốc.

Những thống kê giật mình khác là có đến 33 triệu người Việt hít phải khói thuốc một cách bị động; người tiêu dùng Việt Nam chi 1 tỉ USD mỗi năm cho thuốc lá và hậu quả là số tiền chi trả cho việc chữa trị ung thư phổi và các bệnh liên quan đến thuốc lá lên đến 110 triệu USD/năm.

Đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được Chính phủ ban hành tháng 11 và có hiệu lực thi hành từ ngày 31.12.2013, trong đó quy định người hút thuốc lá ở nơi công cộng như công viên, trường học, bệnh viện… bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng, nhưng việc hít khói thuốc lá thụ động ở nơi này nơi kia vẫn diễn ra.

Tôi nhớ mãi cảnh những người đàn ông Việt phải rủ nhau lên ngọn đồi khuất phía sau lưng Bệnh viện NUH ở bên Singapore để... thỏa cơn thèm thuốc, vì sợ hút trong bệnh viện bị bắt gặp sẽ phải nộp phạt rất cao. Đến một xứ sở nổi tiếng nghiêm minh trong việc xử phạt mà các quý ông Việt nghiện thuốc còn tìm chiêu đối phó, thử hỏi với luật lệ ra cho có (mà không có người chịu trách nhiệm thi hành) như ở Việt Nam thì làm sao họ sợ?

Dường như đàn ông Việt không có thói quen hỏi: “Tôi có thể hút thuốc ở đây không?” khi bước vào chốn đông người hay đang trò chuyện với phụ nữ và trẻ em. Theo quan sát và kinh nghiệm của tôi, rất hiếm người đàn ông nào tự giác dập tắt điếu thuốc khi họ ngồi nói chuyện với phụ nữ, trẻ em..., hoặc ngồi trong đám đông có những người không biết hút thuốc.

 
Dường như đàn ông Việt không có thói quen hỏi: “Tôi có thể hút thuốc ở đây không?” khi bước vào chốn đông người hay đang trò chuyện với phụ nữ và trẻ em. Rất  hiếm người đàn ông nào tự giác dập tắt điếu thuốc khi họ ngồi nói chuyện với phụ nữ, trẻ em..., hoặc ngồi trong đám đông có những người không biết hút thuốc.
Trong khi chờ những người nghiện hút thuốc lá tự giác, để không rơi vào nhóm 33 triệu người Việt hít phải khói thuốc bị động, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là những người không hút thuốc phải biết tỏ thái độ với người hút thuốc.

Ở cơ quan tôi, đàn ông hút thuốc chiếm tỷ lệ áp đảo so với người không hút, thế nên những chỗ công cộng như căn tin, hành lang…thậm chí trong phòng làm việc, các quý ông này vẫn thản nhiên phì phèo điếu thuốc trên môi. Dù là trong một cơ quan văn hóa, họ coi việc hút thuốc trước mặt phụ nữ là điều bình thường, bởi phần lớn phụ nữ ở cơ quan tôi cũng coi đó là…việc bình thường (!?).

Khi mới vào làm việc ở đây, tôi rất khó chịu trước tình trạng này và luôn ngạc nhiên khi thấy chị em tỏ ra quá hiền (hay do họ đã quen mắt, hay do họ cả nể?) không phản ứng gì khi các ông xả khói trước mặt họ.

Tôi thì khác. Tôi luôn yêu cầu các ông phải dập điếu thuốc trước khi bước vào phòng làm việc với tôi. Ngay cả giờ nghỉ trưa đang ăn uống ở căn tin, ông nào muốn hút thuốc thì… cũng trừ chỗ ngồi của tôi ra. Tôi kiên quyết không nói chuyện với những ông vừa nói chuyện vừa rít thuốc, với lý do rất mềm mỏng: “Khói thuốc làm tôi bị dị ứng!”. Nếu cuộc nói chuyện đang dang dở mà người đối diện muốn hút thuốc, tôi sẽ bảo: “Anh muốn hút thuốc thì để mình nói chuyện xong đã hoặc anh đi chỗ khác mà hút nhé, hút xong thì quay lại đây”. Nếu trong cuộc nói chuyện còn có những phụ nữ khác, mà họ không phản đối giống như tôi, thì lập tức tôi sẽ bỏ đi, như một cách phản đối.

Phải nói là các ông không thích cách phản ứng của tôi. Họ bảo tôi khó chịu. Còn phụ nữ thay vì ủng hộ thì cười bảo: "Thôi kệ họ đi!". Có lẽ thái độ chấp nhận của người phụ nữ mới là nguyên nhân khiến cho đàn ông Việt không có thói quen hỏi ý kiến người đối diện trước khi hút thuốc (!?).

Thực sự tôi không hiểu vì sao có những phụ nữ sẵn sàng đi mua thuốc lá tặng cho người yêu hay người chồng của họ. Sự chấp nhận thói quen xả khói của đàn ông trước mặt và kiểu nuông chiều (bằng cách mua thuốc lá tặng họ) của phụ nữ Việt quả thật không hiểu nên gọi tên là gì. Tôi cho rằng chính điều này đã làm gia tăng số đàn ông hút thuốc ở Việt Nam và khiến họ khó lòng dứt bỏ cơn nghiện, dù trên bao thuốc nào cũng có những hình ảnh cảnh báo ghê rợn về tác hại của thuốc lá.

Chẳng qua đàn ông Việt đang được nuông chiều quá!

Ami Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo hiện đã nghỉ hưu

>> Vẫn thản nhiên hút thuốc nơi công cộng
>> Hoại tử chân do hút thuốc lá nhiều năm
>> Hút thuốc lá gây lão hóa nhanh
>> Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ bị viêm khớp
>> Hút thuốc thụ động có thể bị mất trí nhớ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.