Luật nào bảo hộ việc ‘hốt hàng’ không lập biên bản?

16/12/2013 14:22 GMT+7

Sau khi bài Để thành phố sạch đẹp, văn minh của một nhân viên trật tự đô thị lên mạng, luật gia Trần Đình Thu đã phản biện.

Câu chuyện hàng rong, lấn chiếm vỉa hè và hành vi của lực lượng trật tự đô thị đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Sau khi bài Để thành phố sạch đẹp, văn minh của một nhân viên trật tự đô thị lên mạng, luật gia Trần Đình Thu đã phản biện.

Xem thêm:
>> Để thành phố sạch đẹp, văn minh
>> Luật nào cho phép 'hốt hàng' của dân?
>> Thi hành công vụ theo cách 'phản cảm
>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn
>> Có thể nào từ chối hàng rong?  

Giành lại sự thông thoáng cho vỉa hè, lòng lề đường là cả một cuộc chiến cam go - Ảnh: Khả Hòa
Luật quy định mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản - Ảnh: Khả Hòa

Lẽ ra tôi không viết thêm bài này vì trong 2 bài viết trước (Thi hành công vụ theo cách “phản cảm”Luật nào cho phép “hốt hàng” của dân?), tôi đã trình bày rõ 2 vấn đề: Hốt hàng là hành vi phản cảm và Hốt hàng là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, vì vừa có bài viết của anh Phạm Hồng Thái, là nhân viên Đội quản lý trật tự đô thị quận 1, TP.HCM (bài Để thành phố sách đẹp, văn minh) nên tôi viết thêm bài này để tranh luận cùng anh.

Bài viết của anh tuy dài và viện dẫn nhiều vấn đề nhưng tôi nghĩ, tựu trung lại anh Thái muốn nói đến các ý sau: Việc thu giữ hàng hóa phương tiện của người buôn bán nhỏ ở lòng lề đường là đúng và những người lên án nó là không hiểu biết pháp luật. Ý đó nổi lên trong đoạn sau đây của anh Thái.

“Phương tiện, tang vật của người bán hàng rong là chiếc xe đẩy tay, cái xô, cái nồi, bàn, ghế cho đến cái nhỏ nhất có thể là bịch bánh, trái cây... Phương tiện, tang vật có thể bị tạm giữ hoặc tịch thu (Điều 26 - Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Về thẩm quyền xử lý thì lực lượng trật tự đô thị được UBND thành phố, quận thành lập dưới sự chỉ đạo của mình để kiểm tra, xử lý về vấn đề buôn bán, để xe lấn chiếm lòng, lề đường và các nhiệm vụ khác.

Chính vì vậy, công việc của họ là hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật bảo hộ. Những cảm nghĩ của một số người thiếu hiểu biết về pháp luật thường là cảm giác cá nhân và hoàn toàn không có căn cứ về luật pháp”.

Thưa anh Thái! Để chứng minh việc thu giữ, anh dẫn Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thế sao anh không dẫn luôn Khoản 9 Điều 125 của luật này là: “Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản”? Luật rõ ràng như vậy, chúng tôi phân tích trên mặt báo minh bạch như vậy mà anh còn “nuốt luật” được, thì đối với người dân thấp cổ bé họng sẽ như thế nào?

Tôi chỉ nói ngắn như vậy và xin kết lại bài này là: Chẳng có pháp luật nào bảo hộ cho hành vi “hốt hàng” của người dân và chừng nào còn tồn tại những nhân viên công lực không hiểu luật như vậy thì cảnh tượng rượt đuổi, hốt hàng như thời Pháp thuộc trên đường phố văn minh của thế kỷ 21 vẫn còn tiếp diễn.

Trần Đình Thu 

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo, đạo diễn sống tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.