Nghĩ gì về 'bản đồ ngoại tình' của Trung Quốc?

06/12/2014 13:50 GMT+7

Một khi cán bộ có chức, quyền sa đọa, nhưng không được xử nghiêm, chỉ lo sợ "xấu chàng hổ ai" e rằng hậu quả còn lớn hơn nhiều. Đó là uy tín của người lãnh đạo, của Đảng, của chính quyền cũng sẽ giảm sút nghiêm trọng.

Một khi cán bộ có chức, quyền sa đọa nhưng không được xử nghiêm, chỉ lo sợ "xấu chàng hổ ai" e rằng hậu quả còn lớn hơn nhiều. Đó là uy tín của người lãnh đạo, của Đảng, của chính quyền cũng sẽ giảm sút nghiêm trọng.


Các quan chức tham những, sa đọa của Trung Quốc dù có trốn ra nước ngoài
vẫn bị dẫn độ về nước để chịu tội trước pháp luật - Ảnh: Reuters

Chủ trương "đả hồ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến nhiều quan chức Trung Quốc những tháng qua mất ăn mất ngủ khi có những nhân vật được xem là không thể đụng tới nay đã bị tước đảng tịch và khởi tố vì những vi phạm pháp luật "đặc biệt nghiêm trọng". Trường hợp nguyên uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang vừa bị bắt tối qua là một ví dụ điển hình.
 
Khám nhà các quan tham Trung  Quốc, người thì có tới hơn một tấn tiền mặt, kẻ thì mấy chuyến xe tải vàng bạc, đồ cổ và trang sức quý hiếm. Song tha hoá biến chất không chỉ biểu hiện ở hành vi tham nhũng, tham ô và mua quan, bán chức. Nó còn làm cho những cán bộ cao cấp bị băng hoại đạo đức bởi lối sống ăn chơi thác loạn, truỵ lạc đáng sợ. Họ có thể đổi tình nhân hoặc xin hiến thân cho thượng cấp để được thăng chức.

Mới đây, ngày 27.11, trên tờ Nhân dân nhật báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, một "bản đồ ngoại tình" đã được công bố. Bản đồ này khoanh vùng những khu vực có tỷ lệ các quan chức chính quyền ngoại tình cao. Bản đồ được xây dựng dựa trên các thông tin thu thập từ Ủy ban trung ương thanh tra kỷ luật (CCDI) là cơ quan chống tham nhũng nước này. Cũng theo tờ báo trên, Chủ tịch Tập Cận Bình đang chỉ đạo CCDI tiến hành một cuộc tấn công lớn vào nạn tham nhũng, tiêu xài phung phí và vi phạm kỷ luật đảng, mà ngoại tình cũng là một vi phạm.
 
"Nếu những hành vi sai trái không được sửa chữa mà để nó xảy ra lan tràn, điều đó sẽ tạo nên một bức tường vô hình giữa đảng và nhân dân và kết quả là đảng sẽ mất đi nền tảng, sức mạnh và nhân tố sống còn", ông Tập Cận Bình cảnh báo.
 
Có 12 tỉnh ở Trung Quốc bị bêu danh trên "bản đồ ngoại tình" của Nhân dân Nhật báo. Thủ đô Bắc Kinh, nơi gần "mặt trời” nhất cũng là một trong mười hai địa phương đó. Hồ Bắc, một tỉnh ở miền trung Trung Quốc, nơi tự nhận là "mảnh đất của cá và gạo", bị CCDI nhận diện là nơi các quan chức buông thả đạo đức nhất, với 6 lãnh đạo đảng bị lên án vì lừa dối vợ trong năm 2014...
 
Bản đồ trên được vẽ ra như một phần chiến dịch tuyên truyền nhằm thuyết phục công chúng rằng các lãnh đạo hiện nay rất nghiêm túc trong việc bài trừ các quan chức có hành vi xấu.
 
"Trông người mà ngẫm đến ta"! Báo Thanh Niên vào năm 2006 từng phanh phui một vụ "đổi tình lấy điểm" động trời của một ông thầy (Phó chủ nhiệm khoa thuộc Trường Cao đẳng phát thanh, truyền hình Trung ương 1 đóng ở tỉnh Hà Nam). Ông này gợi ý nếu học trò đồng ý ngủ với ông thì sẽ được sửa điểm từ kém thành khá. Ai dè trò gài bẫy, ghi âm được cuộc mặc cả đó rồi báo cáo nhà trường. Ông thầy phải nhận kỷ luật.
 
Những tưởng chuyện đó là hy hữu, vậy mà vào năm 2009 tại Hà Giang, một chuyện tày đình hơn thế cả ngàn lần đã xảy ra. Vụ án Sầm Đức Xương, hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm mua dâm vị thành niên và môi giới cho người khác cùng mua dâm đã làm cho cả nước phẫn nộ. Bị cáo Sầm Đức Xương đã bị toà án phúc thẩm tuyên 9 năm 6 tháng tù.
 
Điều đáng nói ở đây là khi đó hình như chúng ta đã không muốn làm tới cùng sự việc bởi tư tưởng "ném chuột " nhưng lại sợ "vỡ bình". Theo lời khai của những học sinh bán dâm, có tới 15 quan chức trong tỉnh dính líu đường dây mua dâm này. Tên tuổi, mặt mũi, nhận dạng cơ thể của từng quan chức đã được khai rõ; địa điểm, thời gian quan hệ tình dục, bao nhiêu tiền được trả, mấy lần thầy Xương "đãi" thượng cấp cũng có trong biên bản... Song các cơ quan pháp luật lấy lý do chưa đủ chứng cứ để mở rộng vụ án. Dù rằng ai cũng hiểu vì sao Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khi đó, mặc dù thoát tội dâm ô nhưng vẫn bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng.
 
Một khi cán bộ có chức có quyền sa đọa, nhưng nếu các cấp quản lý không xử nghiêm, chỉ lo sợ "xấu chàng hổ ai" thì e rằng hậu quả để lại còn lớn hơn nhiều. Đó là uy tín của người lãnh đạo, của Đảng, của chính quyền cũng sẽ giảm sút nghiêm trọng. Và như vậy, làm sao còn có thể thuyết giảng đạo đức cho người khác nghe ?

Hành Thiện*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo

>> Đổi tình, chạy chức... cũng bị xử tội hối lộ
>> Vào tù vì 'đổi tình lấy điểm
>> Giám thị gạ nữ sinh “đổi tình lấy điểm”
>> Thêm tình tiết về sự dính líu và sa đọa của cán bộ
>> “Căn phòng sa đọa “ của Bùi Tiến Dũng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.