Giúp ngư dân yên lòng ra khơi

24/07/2011 23:52 GMT+7

Mưu sinh trên biển xa luôn tiềm ẩn rủi ro, bất trắc bởi thiên tai và “nhân tai” khiến nhiều ngư dân bỏ mạng giữa biển khơi, nhiều gia đình rơi vào khốn khó. Chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi của Báo Thanh Niên sẽ là nguồn lực quý giá giúp họ vượt qua khó khăn, tiếp tục bám biển.

Nỗi đau nơi biển xa

Đã nhiều tháng trôi qua, 6 gia đình ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn luôn đau đáu hướng về vùng biển quần đảo Hoàng Sa - nơi chồng, con họ đã vĩnh viễn nằm lại, thân xác hòa vào lòng đại dương mênh mông. Ngày qua ngày, bên ngôi mộ gió của người thân, nước mắt vẫn lăn dài trên khuôn mặt của những người mẹ, người vợ với nỗi đau khôn nguôi.

Kể từ ngày chồng là anh Trương Văn Tiến (36 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải), một trong 6 ngư dân đi trên tàu QNg-66192TS do anh Lê Minh Tân (ở xã An Vĩnh) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng - bị mất tích trong khi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa vào cuối năm 2010, chị Nguyễn Thị Lời (35 tuổi) tất tả ngược xuôi, ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền nuôi 2 đứa con thơ. Vắt sức lao động cật lực, sức khỏe chị Lời mỗi ngày một suy sụp, người héo hắt như tàu lá. Trong ngôi nhà nhỏ, mấy mẹ con bấu víu vào nhau, gắng gượng sống lay lắt qua ngày.

Trên chuyến biển định mệnh cũng của chiếc tàu trên, có một ngư dân còn rất trẻ, Hồ Văn Lâm (19 tuổi).

Hiểm nguy rình rập

Cách đây 10 năm, Bùi Huệ là một thợ lặn cừ khôi của đất đảo, đã từng ngang dọc khắp Hoàng Sa. Song cũng vì mưu sinh dưới đáy đại dương mà chuyến biển vào tháng 11.2001, sau một cú lặn sâu chừng 40m, Huệ đã bị tai biến. Dù cố gắng chữa trị khắp nơi, bao nhiêu tiền của trong nhà đều “đội nón” ra đi nhưng khát khao ra biển của Huệ đã vĩnh viễn chấm dứt bởi đôi chân bị liệt, phải nhờ đến chiếc xe lăn. Ước mơ bám biển, dành dụm ít vốn liếng rồi mới lập gia đình của Huệ tan như bọt sóng.

Từ khi bị liệt cả hai chân, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ 360.000 đồng/tháng, Huệ chỉ còn biết bám víu vào cha mẹ già. Cha anh - ông Bùi Mã đã 82 tuổi, chẳng làm lụng gì được nữa nên bà Nguyễn Thị Tề (70 tuổi) thành lao động chính. “Nhìn mẹ già yếu vẫn dãi dầu mưa nắng, hết lên rẫy lại lặn lội xuống biển vớt rong, lòng tui đau nhói từng khúc ruột gan”, Huệ chua xót.

Nỗi lo của ngư dân khi bám biển xa không chỉ là thiên tai, là rủi ro, bất trắc mà còn bị “nhân tai” bởi tàu nước ngoài tấn công, lấy tài sản. Ngư dân trẻ Võ Đào (33 tuổi, ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) - chủ tàu cá QNg-90019TS - cho biết, anh đã có hơn 15 năm bám biển hành nghề lặn đêm ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Anh kể, cách đây hơn 2 tháng, vào khoảng 13 giờ ngày 9.5, khi 13 ngư dân trên tàu còn đang ngủ để lấy lại sức sau một đêm thức trắng lặn tìm hải sản thì bất ngờ bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 309 áp sát, buộc ngư dân dồn về phía mũi tàu. “Sau hai giờ đồng hồ lục soát, họ đã lấy sạch sành sanh, từ cá, tôm đến máy định vị và dụng cụ hành nghề, thiệt hại 280 triệu đồng. “Tài sản, mồ hôi công sức của mình làm ra mà họ xem như của họ, muốn lấy cái gì, lấy bao nhiêu thì lấy. Thật ngang ngược quá!”, ngư dân Đào uất ức.

Không riêng trường hợp tàu của anh Đào mà từ đầu năm đến nay nhiều tàu cá khác ở Quảng Ngãi như: tàu cá QNg-50615TS của ngư dân Trần Văn Thoa (31 tuổi, cũng ở xã Bình Châu), tàu cá QNg-66074TS của ngư dân Trần Hiền (31 tuổi, ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn)... cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Cuộc sống khốn khó đang bủa vây nhiều gia đình ngư dân bị nạn nơi Hoàng Sa nên khi nhận được giấy mời nhận tiền hỗ trợ từ chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi của Báo Thanh Niên diễn ra vào sáng 26.7 tại TP Quy Nhơn (Bình Định), 6 gia đình ngư dân Quảng Ngãi đều mừng rơi nước mắt.

Hỗ trợ cho 11 ngư dân trẻ gặp hoạn nạn

Sáng 26.7 tại hội trường Tỉnh Đoàn Bình Định (185 Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn), Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Định và HDBank sẽ tổ chức trao tiền hỗ trợ đợt 1 cho 11 ngư dân trẻ gặp hoạn nạn. Mức hỗ trợ từ 40 đến 80 triệu đồng/người, trong đó tỉnh Quảng Ngãi có 6 ngư dân gồm: Trương Văn Tiến ở thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn; Hồ Văn Lâm ở thôn Đông, xã An Hải, H.Lý Sơn; Bùi Huệ ở đảo Bé, H.Lý Sơn; Trần Hiền ở thôn Tây, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn; Võ Đào ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn. Trần Văn Thoa ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, H.Bình Sơn. Tỉnh Bình Định có 3 ngư dân là: Võ Xuân Cường ở thôn Thạnh Xuân Bắc, xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn; Nguyễn Văn Sang ở P.Trần Phú, TP Quy Nhơn; Phan Văn Ca ở xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định. Tỉnh Phú Yên có 2 ngư dân là: Trần Min ở P.6, TP Tuy Hòa và  Bùi Xuân Minh ở P.6, TP Tuy Hòa.

 Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.