Cháy nhà, chạy đi đâu? - Mở lối thoát hiểm, sắm thiết bị PCCC

19/09/2014 09:00 GMT+7

TP.HCM hiện có hàng ngàn căn nhà có nguy cơ cháy, nổ cao, có thể bị “bà hỏa” viếng thăm bất cứ lúc nào. Vậy cách thoát hiểm như thế nào?


Căn nhà bề ngang hơn 1 m, cửa chính là lối thoát hiểm duy nhất - Ảnh: Đàm Huy 

Thượng tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC TP.HCM), cho biết: “Để thoát ra khỏi nhà khi xảy ra cháy, yếu tố đầu tiên bắt buộc người dân khi xây dựng nhà (xây mới) hoặc cải tạo sửa chữa (nhà cũ) phải bố trí lối thoát hiểm. Lối thoát hiểm thường được khóa đề phòng trộm cắp nhưng chìa khóa phải để gần cửa thoát hiểm. Đáng chú ý, người dân tránh lắp đặt cửa cuốn. Bởi cửa cuốn kín khiến khói không thể thoát ra ngoài dễ gây ngạt khói cho người; kể cả lực lượng PCCC phải mất một thời gian nhất định để phá cửa cuốn mới phun được nước vào dập lửa”.

Đối với những nhà ở riêng lẻ, khu dân cư hiện hữu có nguy cơ cháy cao nhưng lối thoát hiểm không đảm bảo, cơ quan chức năng vận động người dân trổ cửa phía sau nhà, trổ mái tôn, tìm cách liên thông lối đi với nhà bên cạnh, xây dựng thêm cầu thang bộ ngoài trời... Đây là những điều kiện cần phải có để khi xảy ra hỏa hoạn, người dân có đường thoát hiểm. Đây cũng là một lưu ý đối với cơ quan cấp phép xây dựng.

Chủ động dùng thiết bị PCCC

Đa số vụ cháy nhà gây chết người đều xảy ra vào ban đêm khi đó mọi người trong nhà đang ngủ say, không phát hiện đám cháy kịp thời. Vì thế, nếu có điều kiện người dân nên đầu tư lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường tự động, hệ thống báo cháy tự động để xử lý, phản ứng kịp thời khi xảy ra cháy.

Với hơn 20 năm trong nghề kinh doanh, lắp đặt các thiết bị PCCC, ông Phạm Anh Tuấn nhận định tâm lý người dân sợ mất trộm hơn là chết cháy, thế nên khi thiết kế nhà cửa đều không để ý đến công tác thoát hiểm khi cháy. Hiện có thiết bị mà nhiều nhà đang dùng đó là gắn thiết bị chống trộm kèm thêm đầu báo cháy là tiện đôi đường. Ngoài ra trên thị trường có bán các thiết bị báo khói, báo nhiệt của Đài Loan giá khoảng 500.000 đồng/cái. Các thiết bị này được chạy bằng pin, và sẽ phát ra tiếng báo động khi có khói hoặc thay đổi nhiệt độ trong nhà giúp mọi người phát hiện kịp thời đám cháy để dập tắt hoặc thoát thân, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Riêng về bình chữa cháy tại chỗ thì có bình chữa cháy BC và C02 giá tùy loại lớn, nhỏ.

Tại một ngôi nhà 3 tầng nằm trong hẻm số 2 Cao Thắng (P.5, Q.3, TP.HCM), chủ nhân căn nhà đã tốn 20 triệu đồng để gắn 10 thiết bị báo khói, 1 thiết bị báo nhiệt và 1 đầu báo trộm. Ông Bình (nhân viên kỹ thuật thuộc một cửa hàng kinh doanh thiết bị PCCC trên đường Cao Thắng Q.3), cho biết: “Hiện ngoài đầu báo khói, báo nhiệt, bình chữa cháy thì còn có đèn tự sáng khi mất điện. Người sử dụng các thiết bị PCCC phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị này để bảo đảm an toàn, sử dụng tốt khi gặp sự cố”. Ngoài ra, mỗi hộ dân nên tự trang bị bình chữa cháy, thang dây (thoát xuống đất từ trên cao), búa, kìm cộng lực, mặt nạ chống khói...

“Cháy nhà thường tích tụ khói nhiều gây ngạt khói dễ dẫn đến tử vong cho nên người dân nên trang bị mặt nạ chống khói, có thể hít thở trong vòng 10 - 15 phút, giá chỉ vài trăm ngàn. Trong thời gian 10 - 15 phút, có thể tìm cách thoát ra ngoài và cứu người thân bị kẹt bên trong đám cháy chưa phát triển lớn...”, một cán bộ Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo. (Còn tiếp)

Huấn luyện kỹ năng thoát hiểm cho dân

Theo ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM, một việc hết sức cần thiết mà nhà nước cần phải có kế hoạch thực hiện ngay, là tổ chức huấn luyện kỹ năng thoát hiểm cho người dân. Vấn đề này lâu nay chưa được chú ý làm thường xuyên. Có thể trước mắt huấn luyện cho các kỹ năng thoát hiểm, PCCC cho học sinh phổ thông và sinh viên thông qua các chương trình ngoại khóa.

Đàm Huy - Công Nguyên

>> Cháy nhà chạy đi đâu?  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.